1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Đi dọc Trường Sơn:

Miền Trung đầy nắng

Chúng tôi đặt chân đến một trong những vùng nắng lửa và cheo leo nhất của Trường Sơn. Đến đây mới thấy hết được sự kỳ vĩ của Trường Sơn, nhưng cũng thấm hết sự gian khó của việc mở đường Trường Sơn ngày xưa cũng như bây giờ. Mỗi đoạn đường, chúng tôi lại thở phào nhẹ nhõm. Thế là thoát được một đoạn cheo leo. Nhưng chưa hết...

1.

 

Người Nguồn ở miền Tây Quảng Bình từ nhiều đời nay vẫn duy trì một ngày lễ chung, đó là ngày rằm tháng 3 hàng năm. Người ta ước tính có khoảng 5.000 – 6.000 người đã tập trung về đây trong những ngày này.

 

Theo truyền thống, khách về dự lễ hội có thể đến bất kỳ một nhà nào trong khu vực "chợ" để chiêu đãi các món ăn truyền thống của người Nguồn như cơm nếp, bổi (bột ngô trộn lẫn với bột sắn đồ chín), ai có tiền thì thanh toán, không có cũng không sao. Gần đây, chính quyền địa phương đã mở rộng thêm một số nội dung lễ hội bằng các hoạt động văn hoá, thể thao khác, khiến không khí càng tưng bừng, náo nức. Số lượng người tham dự cũng ngày một đông hơn.

 

Đến Minh Hoá khi các gia đình ở đây đang tíu tít đồ xôi, đâm bổi chuẩn bị cho lễ hội, và rời Minh Hoá khi Quy Đạt vẫn còn đang say sưa trong không khí hội hè. Những cơn giông đầu tiên báo hiệu mùa mưa đang đến gần, chúng tôi lại có thêm trong hành trang của mình một chút kiến thức về một nét đẹp văn hoá mà thật hiếm có dịp để gặp lại...

 

Tại Ngã ba Khe Gát, cách Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng 2 km về phía Bắc, đường Hồ Chí Minh tách ra một nhánh theo đường 565 cũ, một con đường nằm trong hệ thống đường nối Đông với Tây Trường Sơn, chạy sát về phía Tây Quảng Bình, qua Quảng Trị và gặp Quốc lộ 9 tại khu vực Khe Sanh. Đây có thể coi là nhánh đường phía Tây Trường Sơn đầu tiên trong hệ thống đường Hồ Chí Minh tính tại thời điểm này.

 

Tuy nhiên chúng tôi không chọn con đường này bởi một trong những điểm dừng có trong chương trình là Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn, nơi mà trong dịp này đang có đến từ 700 đến 800 lượt khách viếng thăm mỗi ngày. Để đến Nghĩa trang Trường Sơn vẫn phải tiếp tục theo nhánh Đông. Trường Sơn Tây, xin hẹn những ngày sau gặp lại...

 

Lâu nay ở Quảng Trị lưu truyền một câu mang tính tổng kết như thế này: Cầu phước (phúc) La Vang (Nhà thờ La Vang); Cầu an Sắc Tứ (chùa Sắc Tứ); Cầu tự Trường Sơn (Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn); Cầu ơn Thành Cổ (Di tích Thành cổ Quảng Trị). 4 địa chỉ đó từ bao giờ đã có mặt trong đời sống tâm linh của mỗi người dân ở đây chưa phải là điều quan trọng nhất, mà nếu để ý một chút thì sẽ thấy có một số chi tiết rất đáng lưu ý và suy ngẫm:

 

Thứ nhất là cả 4 địa chỉ nói trên, dù rất linh thiêng, nhưng không có địa chỉ nào phục vụ cho những mưu cầu mang tính vụ lợi, như kiểu cầu tài, cầu lộc cả. Tất cả chỉ là Hạnh phúc, Bình an, Con cái, và Ơn nghĩa, những khao khát rất đỗi bình thường và chính đáng của con người. Hình như đất Quảng Trị này không phải để dung cho những người vị kỷ...

 

Thứ hai là 2 trong số 4 địa chỉ trên là những di tích Cách mạng. Đặt những di tích Cách mạng ngang tầm với những địa chỉ cực kỳ linh thiêng của 2 loại tôn giáo lớn vào bậc nhất ở nước ta, phải chăng người dân Quảng Trị đã biểu lộ thái độ trân trọng đến tận đáy lòng đối với những người đã đem xương máu của mình hiến dâng cho Tổ Quốc... Có gì đó thật đáng nâng niu và cảm phục từ những điều này, thiết tưởng cũng không nên quên nhắc đến trong những dòng ghi chép về một chuyến đi...

 

2.

 

Đường 15 cũ chấm dứt tại điểm mút là thị trấn Cam Lộ, điểm tiếp giáp với Quốc lộ 9 nối từ Đông Hà đi Lao Bảo. Đường Hồ Chí Minh tiếp tục đổi hướng, chạy hơn 30 km trên Quốc Lộ 9 về hướng Tây, để rồi sau đó vượt qua sông Đa Krông, nối tiếp vào đường 14 xuôi về phía Nam tại khu vực huyện Đa Krông của tỉnh Quảng Trị.

 

Từ phía thị trấn Khe Sanh đi ngược lại, nhánh Tây của đường Hồ Chí Minh cũng sẽ gặp nhánh Đông này tại cầu treo Đa Krông, như vậy 2 nhánh lại hợp nhất trở lại. Còn có rất nhiều những nhánh đường nhỏ khác nối Đông - Tây Trường Sơn, ví dụ như đoạn đường có tên là Huyền Thoại, do Tỉnh Quảng Trị đầu tư xây dựng, dài hơn 50 km, nối từ Khe Sanh tới thẳng xã Ta Long của Đa Krông trên đường 14. Con đường này sẽ đi qua suối La La, một cái tên đã được khá nhiều người biết tới thông qua 1 bài hát từ thời chiến tranh.

 

Hiện nay vẫn còn một số hạng mục của đường Huyền Thoại chưa được hoàn thành, nên trong Nhật ký của chúng tôi chỉ có thể nói đến suối La La như một hồi ức. Bằng không thì đường đi của chúng tôi sẽ có hàng trình: Cam Lộ - Khe Sanh - Đường Huyền Thoại - Ta Long (đường 14), thay vì hành trình Cam Lộ - Đa Krông - đường 14 như bây giờ; để được một lần khoả chân dòng suối vừa hào hùng lại vừa thơ mộng này.

 

Đường Hồ Chí Minh đoạn cuối Quốc lộ 15 cũ tương đối gần Quốc lộ 1A, từ 6 -12 km. Chính điều này là lý do cuộc sống ở 2 bên đường từ lâu đã trở nên ổn định, tạo nên một quang cảnh trù mật và nhộn nhịp, đặc biệt là tại các khu vực giao lộ. Nhưng bắt đầu sang đến đường 14 thì hoàn toàn khác hẳn.

 

Quốc lộ 14 nằm cách biên giới Việt - Lào trung bình chỉ khoảng trên dưới 10 km, và cách Quốc lộ 1A khoảng...7 lần như vậy. Hầu hết các ngã ba đều chạy sang hướng Tây... Đường đi ngoằn ngoèo, uốn lượn. Nếu như ở miền xuôi, những con đường đẹp dịu dàng như những cô thôn nữ, kín đáo và dè dặt, thì những con đường miền núi lại mang đầy vẻ huyền bí và đầy bất ngờ của dung nhan sơn nữ. Giữa trùng điệp núi rừng Trường sơn hùng vĩ, con đường chợt mất hút sau những khúc cua đến oằn mình để rồi sau đó lại khúc khích xuất hiện như một ánh mắt đen láy sau liếp cửa nhà sàn... Cứ chập chờn ẩn hiện như vậy, kề bên dòng Dak Rông, dòng sông gom nước từ Lào và khắp toàn bộ mấy huyện miền núi của tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế chở về cho dòng Thạch Hãn. Đây là đoạn đường đi qua khu vực sinh sống của đồng bào Pa Cô, Vân Kiều.

 

Trên 330 km đường Hồ Chí Minh chạy trên đất Quảng Trị có thể nói là đoạn đường dài nhất chạy qua 1 tỉnh từ đầu cuộc hành trình đến giờ. Qua khỏi đèo Pê Ke, chúng tôi bước sang địa phận huyện A Lưới, huyện duy nhất có đường Hồ Chí Minh chạy qua của tỉnh Thừa Thiên - Huế...

 

3.

 

Miền Trung đầy nắng  - 1

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Vùng cao A Lưới là nơi cư trú của đồng bào dân tộc Cơ Tu. Người Cơ Tu sinh sống dọc theo khu vực các triền núi cao dọc biên giới Việt - Lào, suốt 2 tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam.

 

Trong chiến tranh, A Lưới là khu vực tranh chấp khá gay gắt giữa ta và địch trong một thời gian dài. Đặc biệt địch đã cho xây dựng tại thung lũng A So (thuộc xã Đông Sơn) một hệ thống kho tàng và một sân bay chuyên dụng dùng để chứa và đem rải chất độc hoá học có chứa điôxin xuống khắp núi rừng Trường Sơn thời kỳ này. Sau khi sân bay A So không sử dụng nữa, địch đã cho rải chất độc hoá học xung quanh để phá huỷ. Cách đây gần 10 năm, cây cối ở tại khu vực các xã Đông Sơn, A Đớt vẫn chưa mọc lại được.

 

Gần đây, cơ quan điều tra về chất độc điôxin Quốc tế sau khi làm việc tại đây đã có kết luận: Nồng độ điôxin tại 2 xã này vượt quả 200 lần mức độ cho phép. Năm 2001, Tỉnh Thừa Tiên - Huế và huyện A Lưới đã có chủ trương di dân ra khỏi khu vực độc hại này (sân bay A So cũ)...

 

4.

 

Trở lại với con đường. Quốc lộ 14 trước đây chạy đến địa phận xã A Đớt của huyện A Lưới thì vòng qua nước bạn Lào khoảng 10 km, sau đó vượt đèo A Yên trên dãy Trường Sơn để về lại Việt Nam tại A Tép, huyện Hiên của tỉnh Quảng Nam. Nay con đường được điều chỉnh lại, chạy vòng qua xã A Roằng (A Lưới), bò chon von trên những đỉnh núi cao hùng vĩ của Trường Sơn để sang Tây Giang (huyện Hiên năm 2003 đã được tách thành 2 huyện: Tây Giang và Đông Giang).

 

Con đường này dài tới trên 30 km và cực kỳ hiểm trở (tính cho đến cầu A Tép, là đoạn đường Hồ Chí Minh gặp lại đường 14 từ Lào chạy về). So với nó, tất cả những con đèo khác mà chúng tôi đã từng có dịp đi qua từ xưa tới giờ cũng chỉ là "muỗi"... Mặc dù đã được "điều chỉnh" độ cao một cách tối đa bằng 2 chiếc hầm xuyên qua núi (hầm A Roằng là hầm duy nhất trên cả tuyến đường Hồ Chí Minh) thì những con dốc vẫn kéo dài đến cả vài cây số, với những khúc cua như muốn vặn đứt cả chiếc xe đang nóng ran vì chạy số 1 đã quá lâu...

 

Với địa hình như vậy, việc thi công đường không có cách nào khả thi hơn là sử dụng những tấm bê tông đúc sẵn. Không thể hình dung ra chuyện một chiếc xe lu lăn đường có thể lên nổi nơi này. Ngay đến cả những chiếc xe ủi, những chiếc máy xúc chạy bằng xích đang làm công việc chống sạt lở trên đường mà cũng phải lắp thêm những bộ giá đỡ để bấu thêm cho chắc... Suốt dọc đường chỉ thấy một bên là vách núi dựng đứng, và bên kia là vực sâu hun hút với những thảm rừng già ngút ngát...Dưới chân là mây bay, còn trên đầu thì hơn 6 giờ tối mà vẫn còn thấy ánh mặt trời... Hình như lên cao quá, mặt trời cũng chẳng còn chỗ mà trốn nữa...

 

Thấy con đường cứ đi lên cao mãi mà không có xuống, sốt ruột, và cũng hơi chột dạ khi nghĩ đến cảnh chẳng may chiếc xe Minsk kềnh càng, lầm lụi và ngốn xăng như...uống bia kia chợt lên cơn "khát" giữa lưng chừng...trời, tấp lại hỏi một công nhân đang làm việc bên đường: - "Đây gọi là đèo gì, còn dài không?" . Đáp tỉnh bơ: - " Đường đi đấy, không phải đèo...". Ra vậy. Con đường trên đỉnh Trường Sơn...

 

Hơn 2 tiếng đồng hồ, như vậy là tốc độ chỉ được trên 10 km/h, tiếng máy xe nổ bắt đầu êm êm trở lại. Thở phào khi thấy con đường dưới bánh xe lại là đường rải nhựa, biết là đã ổn. Quả thực suốt mấy tiếng đồng hồ vừa rồi không phải lo cho mình, mà lo cho "anh bạn" Minsk nhẫn nại và chung thuỷ. Giờ thì có thể nghỉ được rồi...

 

Vậy mà cũng cố thêm được xấp xỉ chừng đó đường nữa trong một đêm trăng "Rám trấu", qua khỏi Tây Giang, về tới thị trấn P' Rao của huyện Đông Giang... Từ đây chỉ còn chưa đầy 200 km nữa, qua 2 huyện Nam Giang và Phước Sơn là hết đất Quảng Nam, lên tới Tây Nguyên.

 

Đêm đó ở P' Rao, nghe cô bé phát thanh viên truyền hình hồ hởi thông báo tin "vui": Sau một thời gian dài khô hạn, những cơn mưa đầu tiên đã bắt đầu xuất hiện ở Tây Nguyên !... Chợt im lặng nhìn nhau... Với chúng tôi, Tây Nguyên đang là những ngày tiếp theo...

 

Lương Ngọc An - Lê Anh Tuấn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm