Miền đất hứa của “giới tính thứ ba” (kỳ 3)
Chúng tôi lên đường sang Thái Lan để tìm hiểu cuộc sống cũng như công nghệ dành cho những người chuyển đổi giới tính. Người Thái gọi đó là những “ladyboy” (cậu gái) hoặc tiếng lóng là “katoey” (giới tính thứ ba).
Trong truyền thuyết dân gian, từ lâu đời người Thái đã có khái niệm về “giới tính thứ ba”...
Lời nguyền của tiền kiếp
Theo nhiều người kể, truyền thuyết của “giới tính thứ ba” đã có từ xa xưa. Kiếp trước những người này vốn là những chàng trai đào hoa và có quá nhiều mối tình với phụ nữ, vì thế kiếp này Thượng đế đã bắt họ đầu thai làm phụ nữ nhưng phải sống trong thể xác đàn ông để hiểu những nỗi đau của phụ nữ khi bị phụ tình (!?).
Họ phải sống cho hết kiếp, nếu tu nhân tích đức, luân hồi kiếp sau sẽ lại được làm đàn ông (hoặc phụ nữ). Một truyền thuyết thật nghiệt ngã, thế nhưng đối với người Thái giữa truyền thuyết và cuộc sống hầu như không có một sự liên hệ, ngược lại số lượng các katoey ở Thái Lan có đến 180.000 người, họ sống rất hồn nhiên, nếu không nói là bình đẳng với hai giới khác.
Những người thuộc giới tính thứ ba đều có thể làm mọi việc mà luật không cấm đoán, họ có thể mở công ty, phòng mạch, các sàn catwalk thời trang, văn phòng luật, nhà hát, vũ đoàn... và cả những võ đường dạy môn muay Thái cũng do các katoey phụ trách.
Những cuộc thi hoa hậu “giới tính thứ ba” được tổ chức hằng năm và cuối năm ngoái lần đầu tiên người Thái đứng ra tổ chức cuộc thi hoa hậu thế giới dành cho người thay đổi giới tính (Miss International Queen 2004), thu hút thí sinh từ 24 quốc gia tham gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Pháp, Ấn Độ, Lào, Singapore, Philippines, Indonesia...
Trong một đêm ở Bangkok, Trechada Petcharat - 19 tuổi, sinh viên Trường Đại học Apssumption (ABAC), hoa hậu thế giới của “giới tính thứ ba” năm 2004 - đã tự lái xe hơi đến khách sạn tìm chúng tôi.
Quả thật các chuyên gia chuyển đổi giới tính Thái Lan đã “xóa lời nguyền katoey” cho Trechada một cách hoàn hảo; còn nói như ông Sudhep Silpa Ngam, giám đốc tiếp thị Công ty mỹ phẩm St.herb, nhà tài trợ nhiều cuộc thi sắc đẹp Thái Lan, có mặt trong buổi gặp gỡ, thì “còn đẹp hơn cả những người đi thi hoa hậu dành cho phụ nữ mà tôi từng gặp!”.
Trong cuộc thi hoa hậu thế giới vừa qua, ngoài vương miện hoa hậu (trị giá 7.000 USD), tôi còn đoạt luôn giải “Người đẹp áo tắm”. Mục đích của cuộc thi nhằm tạo cơ hội cho những người chuyển đổi giới tính trên thế giới được tự khẳng định mình cũng như tự giới thiệu vẻ đẹp và trí tuệ của họ cũng không thua kém phụ nữ thứ thiệt...”. Trechada có thể nói lưu loát ba ngôn ngữ Thái, Anh, Hoa.
Cô tâm sự với chúng tôi: “Đến với cuộc thi hoa hậu thế giới, nhiều thí sinh các nước phải vượt qua bao khó khăn về sự kỳ thị, tẩy chay, thậm chí đe dọa đến tính mạng, nhất là các nước Hồi giáo. Chúng tôi đã khóc thật lâu với nhau vì buồn tủi cũng có mà mừng vui cũng có...”.
Tại Trường Đại học ABAC, hầu như ai cũng biết Trechada là một katoey nhưng không có một sự phân biệt nào; khi Trechada tìm được một học bổng sang Mỹ du học, các thầy và bạn bè đều đến chúc mừng và động viên Trechada lên đường...
Các vũ công sau ánh đèn sân khấu
Với nhiều người VN sang du lịch Thái Lan, một chương trình xem Alcazar show ở thành phố biển Pattaya là không thể thiếu. Là sân khấu tạp kỹ nổi tiếng nhất ở Pattaya - nếu không nói là Thái Lan, nhà hát có đến hơn 120 vũ công đều là các katoey với những màn biểu diễn dân tộc, hiện đại vô cùng đặc sắc.
Ông Kitiwong Chaisupakit - tổng giám đốc Công ty Alcazar - cho chúng tôi biết: “Nhà hát này đã tồn tại hơn 24 năm qua, do chính tôi tạo dựng nên. Cách nay khoảng 30 năm thì các katoey gần như bị cấm hoạt động trên mọi lĩnh vực, nhất là những nơi công cộng. Do thiên phú, họ rất có khiếu trong lĩnh vực âm nhạc, múa hát, nên từ lâu đã có những show biểu diễn ca nhạc do các katoey đảm nhận nhưng đều bí mật.
Sau này các tổ chức, cá nhân đã lên tiếng đòi chính phủ phải thừa nhận các katoey đúng với tên gọi “giới tính thứ ba” và họ phải được quyền bình đẳng làm việc và sinh sống như hai giới tính khác. Alcazar show là công ty đầu tiên tuyển dụng các katoey trên toàn nước Thái vào làm việc”.
Với tấm thẻ VIP mà ông Kitiwong cung cấp riêng, chúng tôi được ra vào thoải mái thế giới katoey của Alcazar từ phía hậu trường. Suất diễn thứ hai trong ngày vừa mới bắt đầu, các vũ công đã quen với “chuyện thường ngày” cứ tự nhiên thay xiêm y làm chúng tôi bối rối trong nhiều phút mới dám chụp ảnh (!?).
Fratya Kamronkunapom, người phụ trách đối ngoại, cho biết: 100% vũ công đều đã trải qua phẫu thuật trước khi bước chân vào đây, một số ít chỉ phẫu thuật phần ngực, nhưng đa số đã phẫu thuật thành nữ 100%.
Họ phải trải qua đợt thi tuyển, chỉ những người nào có vóc dáng người mẫu cao từ 1,7m trở lên và có năng khiếu ca múa mới được tuyển dụng, lương được trả từ 100-300 USD/tháng. Hằng ngày họ phải biểu diễn ba suất buổi chiều, tối, riêng ngày lễ phải năm suất mới đáp ứng nhu cầu của khách mà đa số là người nước ngoài.
Ratpida, 26 tuổi, một vũ công có hai năm thâm niên tại Alcazar, cứ để ngực trần căng tròn trước mặt chúng tôi mà thổ lộ: “Quê tôi ở vùng nông thôn tỉnh Udonthani, miền đông bắc Thái, gia đình làm ruộng nên phải dành dụm mất hơn sáu năm mới đủ tiền trang trải cho chi phí về thủ đô Bangkok phẫu thuật chuyển giới tính với giá hơn 400.000 baht (khoảng 150 triệu đồng tiền VN). Được vào Alcazar làm vũ công là điều hết sức may mắn, nhiều bạn tôi sau khi phẫu thuật xong không tìm được việc làm tại thủ đô hay Pattaya... đã phải về quê cày ruộng, buôn bán nhỏ hay thậm chí làm gái mại dâm cho du khách!”.
Về cuộc sống ở Pattaya, Ratpida cho biết: “Lương tôi chỉ hơn 100 USD/tháng, rất eo hẹp vì phải lo tất cả từ thuê nhà, ăn uống đến chi phí uống hormone (các katoey sau khi phẫu thuật phải uống bổ sung hormone nữ suốt đời - NV). Các vũ công còn được kiếm thêm tiền boa của khách yêu cầu chụp ảnh chung sau mỗi suất diễn nhưng không đáng là bao, nên nhiều chị đã lập gia đình hoặc cặp bồ, chủ yếu với ngoại kiều để mong có được cuộc sống an nhàn...”.
Rose Pae được xem là katoey có thâm niên cao nhất nơi này: 20 năm. Ông chủ Kitiwong nói ngày trước Pae được xem là niềm kiêu hãnh của Alcazar show, có sắc đẹp ngang ngửa với hoa hậu Thái Lan. Sau hơn 20 năm múa hát dưới ánh đèn sân khấu, giờ đây Pae được ông chủ cho rút vào hậu trường làm quản lý.
Hiện giờ Pae phụ trách sắp đặt chương trình và đào tạo vũ công cho Alcazar. Khi chúng tôi hỏi sao cô không lập gia đình như bao katoey khác, Pae chỉ lắc đầu: “Được làm thân phận phụ nữ là quá sức rồi, tôi không muốn làm khổ ai cả!”. Phải chăng chỉ có Pae là tin vào truyền thuyết ngàn đời của katoey?
Trong hậu trường Alcazar chúng tôi thích nhất là Ai Nủ (bé gái nhỏ), mà Ai Nủ cũng thích chúng tôi chụp ảnh, kể cả khi để ngực trần bởi từ trước đến giờ ít du khách nào dám chụp ảnh chung với Ai Nủ vì thân hình quá khổ nặng hơn trăm ký của cô và màn biểu diễn tạo ấn tượng quá mạnh đối với khán giả. Ai Nủ là vũ công duy nhất được tuyển dụng vào Alcazar không phải vì “dáng ngọc” mà bởi thân hình hộ pháp.
Ai Nủ nói rất chân thành: “Tôi đã béo tròn như thế này từ nhỏ, khi tôi nói với bạn bè là sẽ đi phẫu thuật giới tính, ai cũng cười chế nhạo, nhưng với tôi điều đó không quan trọng, nhiều phụ nữ thật còn béo hơn tôi, còn tôi được trở thành “bé gái” là sung sướng lắm rồi!”.
Suất diễn thứ ba của Alcazar show chuẩn bị mở màn lúc 9 giờ tối. Các vũ công đang tất bật thay trang phục, gương mặt các katoey đều rạng rỡ. Lại một đêm nữa họ được sống đúng với con người mình dưới ánh đèn rực rỡ của sân khấu bậc nhất Pattaya trước du khách đến từ năm châu...
Chúng tôi chợt nhớ đến My và “nhóm hát đám ma” bên quê nhà, không biết đêm nay họ có được hóa thân hay không?...
Theo Binh Nguyên - Duy Bình
Tuổi Trẻ