Lửa vẫn cháy cả trên giường bệnh
(Dân trí) - Đã nhiều năm nay, cứ mỗi kỳ họp Quốc hội, cử tri cả nước thường thấy trên màn hình trực tiếp một vị đại biểu tuổi ngoại bảy mươi nhưng tiếng nói còn sang sảng, đầy hào khí và nhiệt huyết đứng lên chất vấn hết bộ trưởng này đến bộ trưởng khác.
Trong nhiệm kỳ 5 năm làm đại biểu, ông đã 12 lần chất vấn Chính phủ trong đó 5 lần chất vấn Thủ tướng và 7 lần chát vấn các Phó Thủ tướng, còn các bộ trưởng và cấp tương đưong thì nhiều không kể hết. Có thể những ý kiến của ông chưa hẳn tất cả đã chuẩn xác, có thể trong cách biểu hiện của ông nhiều khi hơi quá bức xúc... Có rất nhiều điều có thể và có thể nhưng có một điều không thể phủ nhận, đó là sự nghiêm túc, thái độ thẳng thắn và tinh thần xây dựng của ông. Rồi chẳng biết tự bao giờ, trong nghị trường Quốc hội xuất hiện câu “thành ngữ”: “Nhất Ngoạn (Đỗ Trọng Ngoạn), nhì Trân (Nguyễn Ngọc Trân), tam Lân (Nguyễn Lân Dũng), tứ Quốc (Dương Trung Quốc)” để chỉ những người hay phát biểu nhất. Và người đứng đầu trong “tứ kiệt” này chính là Đại biểu Quốc hội khoá XI Đỗ Trọng Ngoạn.
Một lò lửa luôn sôi sục
Cứ theo tính cách mà suy đoán tử vi thì Đỗ Trọng Ngoạn thuộc mệnh hỏa và cầm tinh con ngựa. Ông là một lò lửa luôn sôi sùng sục sẵn sàng bật tung ra bất cứ lúc nào bởi cái tính thẳng băng như ruột ngựa. ấy là tôi, một gã chẳng biết một tí teo gì về khoa học tử vi thần bí mà suy luận, phán bừa thế. Chỉ biết ông sinh năm 1930, tại Bắc Giang, 16 tuổi đi bộ đội, đã từng tham gia các chiến dịch Đường 9 Nam Lào, Khe Sanh... và Mậu Thân 1968. Ông cũng đã hai lần bị báo tử nhầm.
Theo lời ông kể, cái tính cương trực có trong ông từ thủa cha sinh mẹ đẻ. Ngày còn bé, do nhà nghèo nên ông phải đi ở cho địa chủ trong làng. Vào một ngày hè nắng như đổ lửa, chủ nhà nằm ngủ bắt ông kéo quạt. Vốn bị đói ăn, thiếu ngủ triền miên nên mệt quá, ông thiếp. Chủ nhà nóng quá không chịu được tỉnh dậy tát ông hai cái. Thế là Đỗ Trọng Ngoạn cởi phăng quần áo trả lại rồi bỏ về. May là đến năm sau, Cách mạng Tháng Tám thành công, ông đi theo cách mạng.
Hơn hai mươi năm quân ngũ cũng không làm cho cái “lò lửa” trong ông nguội đi tí nào. Ông bảo cái tính ương bướng, “thẳng băng ruột ngựa” nó cho ông rất nhiều nhưng cũng làm hại ông không ít. Khi mình phê bình, vạch ra cái sai, cái không đúng, cái khuyết điểm của người ta thì không phải ai cũng hài lòng cả. Không ít lần đáng lẽ ông đã được cấp trên đề bạt, cất nhắc lên một chức cao hơn nhưng rồi lại thôi vì cái tính ương bướng.
Dạo ông còn làm đại biểu, một hôm tôi hỏi:
- Bác già rồi, lại cứ hay nói thẳng, nói thật thế có sợ mất lòng người ta không?
Ông bảo:
- Không chỉ mình cậu mà nhiều người cũng khuyên tôi nhẹ nhàng thôi. Nhưng mà cái tính tôi sinh ra nó đã vậy rồi. Có hôm truyền hình trực tiếp, bà xã ngồi xem thấy mình phát biểu hăng quá, tối về bảo: “Ông nói gì mà cứ choang choảng thế. Đây là cuộc họp, là hội trường chứ có phải ở nhà mình đâu”.
Lại có lần thấy ông chất vấn một bộ trưởng nắm ngân sách quốc gia, mấy vị trong đoàn sợ “ảnh hưởng” đến địa phương đưa mắt nhìn ông có ý nhắc. Ông biết nhưng kệ, cứ lờ đi.
12 lần chất vấn Chính phủ
Trong nhiệm kỳ 5 năm làm đại biểu Quốc hội, Đỗ Trọng Ngoạn đã chất vấn khoảng 50 – 60 lần, có nghĩa là khoảng 5 lần/kỳ họp và cũng không ít lần ông khiến những người trả lời chất vấn phải “toát mồ hôi hột” bởi những lý lẽ sắc sảo, với dẫn chứng cụ thể và giọng nói truyền cảm của một người cao tuổi. Nhìn chung, ông là nhà hùng biện có kỹ năng lão luyện. Đây là một trong những kỹ năng quan trọng của một đại biểu Quốc hội chuyên nghiệp (bên cạnh kỹ năng nghe và biểu quyết).
Khi Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải còn là Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, ông Ngoạn chất vấn rất căng nhiều vấn đề. Thế nhưng khi bỏ phiếu bầu chức Phó Thủ tướng, ông Ngoạn lại là người ủng hộ ông Hải mạnh mẽ vì cho rằng ông Hải là người có năng lực lãnh đạo. Với cả Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, một người ông Ngoạn rất kính trọng nhưng tại cuộc họp các đại biểu chuyên trách bàn về sửa đổi Luật dân sự, ông cũng “cãi” lại. Với Thủ tướng, có lần ông yêu cầu thẳng thắn: Chính phủ bảo các địa phương, bộ ngành còn nợ rất nhiều. Vậy ai nợ, nợ bao nhiêu? Rồi nói các địa phương xây dựng trụ sở, mua ôtô tràn lan là địa phương nào? Xin Thủ tướng cho biết cụ thể. Sau này, Chính phủ có công văn trả lời ông Ngoạn rằng gần đây tình hình trên đã giảm.
Cuộc tranh luận nảy lửa với Bộ trưởng Phúc
Tuy trên nghị trường, ông phát biểu khá căng thẳng nhưng trong sinh hoạt, ông là người hồn hậu, dễ gần nên chẳng ai dị nghị hay xa lánh ông cả mà ngược lại, còn kính trọng và quý mến. Ngay cả Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Võ Hồng phúc, một nhà hùng biện có tiếng và đã từng hơn một lần “đọ súng” với ông trên diễn đàn Quốc hội cũng rất quý ông và ngược lại, ông cũng rất yêu mến vị bộ trưởng thông minh, sắc sảo này.
Một trong những cuộc tranh luận căng thẳng nhất giữa hai ông là cảng Dung Quất. Lần đó, ông Ngoạn đặt vấn đề về nhân sự. Tuy nhiên, ông Phúc nói nhân sự không thuộc phạm vi quản lý của Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư và chuyển những câu hỏi này lên các Ban của Đảng. Ông Ngoạn “cự” rằng ông Phúc đã không hiểu câu hỏi của ông bởi các Ban của Đảng không thuộc diện phải trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Thế nhưng nghe nói sau đó trong giờ nghỉ giải lao ở hành lang Hội trường Ba Đình, ông Phúc bảo: Hôm nay bác Ngoạn “đấu” em ghê quá. Ông Ngoạn bảo: Thì tính tôi vẫn thế. Rồi hai ông cùng cười.
Nghĩ quá nhiều về mình sẽ so đo được - mất
Ông Đỗ Trọng Ngoạn sinh năm 1930 tại Bắc Giang. Năm 16 tuổi, đi bộ đội. Đã từng tham gia kháng chiến chống Pháp và các chiến dịch Khe Xanh, Đường 9 Nam Lào, Mậu Thân 1968 trong kháng chiến chống Mỹ. Sau chiến dịch Mậu Thân, ông Lê Đức Thọ khi đó là Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng đã đưa ông về làm Vụ trưởng Vụ quản lý Doanh nghiệp. Hai năm sau, khi ở tuổi 40 ông mới “lọ mọ” đến trường đại học Bách khoa để học Tại chức khoa Cơ khí điện. Trước khi trỏ thành Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Người Cao tuổi Việt Nam, ông là Phó Bí thư chuyên trách của Ban Nội chính Trung ương. |
Tôi chất vấn là tôi dấn thân
Dạo trong nghị trường Quốc hội lưu truyền câu “Nhất Ngoạn... “, tôi hỏi thì ông bảo:
- Tôi không để ý chuyện đo nhưng phát biểu, tranh cãi là bản chất của tôi. ở cơ quan cũng vậy mà ở các cuộc họp của Quốc hội tôi cũng vậy. Khi trúng cử, tôi đã nhận được hàng trăm bức thư của các cụ cả nước đặt nhiều hi vọng ở tôi, là đại diện cho những người cao tuổi cả nước. Xác định như vậy nên tôi luôn tiếp thu ý kiến cử tri. Hàng ngày, tôi đọc rất nhiều thư của cử tri kiến nghị, phản ánh nên nếu không phát biểu, tôi có lỗi với thường vụ, với người cao tuổi cả nước, với cử tri nơi tôi ứng cử. Tất nhiên tôi cũng có đúng, có sai nhưng với tất cả tấm lòng, tâm huyết. Đã có người bảo tôi anh phát biểu vì anh chẳng có gì để mất. Nói thế là không đúng. Việc một số người có trình độ, có tâm huyết mà không phát biểu vì e dè, cả nể phải coi đó là sự thiệt thòi cho Quốc hội.
- Nhưng có người bảo bác dại vì có được gì đâu?
- Sao lại so đo chuyện được mất ở đây? Cử tri tin cậy, bỏ phiếu cho anh thì anh phải đền đáp lại sự tin cậy đó chứ. Đúng là có hiện tượng một số vị đương chức không hoặc chưa muốn chất vấn. Đặc biệt là đối với các đồng chí lãnh đạo cao cấp thì hầu như là chưa ai chất vấn hay bị chất vấn. Và cũng rất tiếc là hầu hết những câu chất vấn chỉ tập trung vào một số người.
Lãnh đạo của các địa phương thì hầu như im lặng trừ có ông Nguyễn Bá Thanh của Đà Nẵng và ông Lê Doãn Hợp của Nghệ An... Theo tôi hiện tượng này có mấy nguyên nhân như chưa có nhu cầu, họ đã hiểu rõ vấn đề rồi, có thể họ chưa đủ thời gian để tìm hiểu kỹ... Nhưng cũng có điều, anh chất vấn người khác cũng tức là tự giám sát anh. Anh “chất” tôi, tôi sẽ “vấn” anh. ở ta, người làm công tác công quyền đồng thời cũng lại là đại biểu Quốc hội chứ không như các nước. Cái khó là ở chỗ ấy nên chất vấn nghĩa là phải dấn thân.
Trong tĩnh lặng, nhớ về ông
Giờ đây khi không còn tham gia công tác Quốc hội và dù tuổi cao, sức yếu, Đỗ Trọng Ngoạn vẫn rất quan tâm đến những hoạt động của Quốc hội. Đặc biệt là ở các phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Có hôm ông ngồi thẫn thờ trước màn truyền hình như hồi ức về một thời sôi động. Còn với cử tri và anh em báo chí chắc nhiều người cũng ngơ ngẩn vì từ nay, họ sẽ không còn được thấy hình ảnh một ông già hồn hậu với giọng nói sang sảng đang chất vấn các thành viên Chính phủ. Cái “bộ tứ” thường làm “nổ tung” các kỳ chất vấn xem ra đã “im hơi, lặng tiếng”.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng ngay từ giữa nhiệm kỳ thứ hai của mình đã ít thấy lên tiếng. Nhà nghiên cứu lịch sử Dương Trung Quốc hình như cũng đang rút dần về im lặng. Hai “khẩu thần công” già Đỗ Trọng Ngoạn và Nguyễn Ngọc Trân thì đã dời bỏ chính trường. Có phải bởi thế mà kỳ chất vấn tại nghị trường vừa rồi nhẹ nhàng và êm ả như một cuộc họp giao ban bình lặng của các công chức ôn hòa? Và trong cái tĩnh lặng ấy, tôi lại nhớ về ông.
Bùi Hoàng Tám