1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Hành trình khám phá hang động đẹp nhất VN:

Kỳ I: Bí ẩn những hang Rục

(Dân trí) - Một không gian giữa rừng già, cách biệt với cuộc sống của thế kỷ 21 bên ngoài, những con người vẫn còn lưu đọng thói quen ăn lông ở lỗ, họ vẫn sống trong các hang động, mò cua bắt ốc và là người nguyên thuỷ đến tận thiên niên kỷ mới này…

Từ huyện Sơn Trạch Quảng bình, nơi có động Phong Nha nổi tiếng trên dòng sông Son, đi theo đường 20, con đường của tuổi thanh xuân thời chống Mỹ, nơi có 7 cô thanh niên xung phong bị vùi lấp chôn sống trong hang và 5 pháo thủ hy sinh, tuy có được sửa sang lại nhưng vẫn còn những dấu tích của bom đạn thời chiến tranh. Cắt ngang đường mòn Hồ Chí Minh hướng lên phía tây khoảng 24 km đến cây số 39, chúng tôi đến được bản mới của người Rục, Arem sau 2 tiếng rưỡi đi xe Uóat, nghĩa là đã cải thiện rất nhiều so với 10 năm trước, mất gần 8 tiếng hồi đoàn Howard đến đây!

Trên đường có gà rừng, chồn chạy ngang qua như vật nuôi ở nông thôn. Hai bên đường cây rừng rậm rạp đa tầng đặc trưng của rừng nhiệt đới. Khu vực này còn là nơi nổi tiếng không chỉ về gỗ quý, nhiều loài tưởng như đã bị tuyệt chủng mà còn là nơi loài cây gió, cây cung cấp trầm hương quý giá sinh trưởng.

Bản Rục- Arem, là một bản mới được xây dựng từ tiền hỗ trợ của UBND TPHCM và tiền của tỉnh Quảng Bình để định cư những người dân của mấy tộc người Rục, Arem, Sàn, ... chưa đến 200 nhân khẩu, trong đó người Rục chỉ còn có ở trong bản này. Họ được đồn biên phòng 539 phát hiện và vận động về định cư nơi đây mới được vài năm.

Nằm trên hệ thống sông Chày, trong vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng, thuộc xã Tân trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình là một không gian giữa rừng già, cách biệt với cuộc sống của thế kỷ 21 bên ngoài. Những con người vẫn còn lưu đọng thói quen ăn lông ở lỗ, họ vẫn sống trong các hang động, mò cua bắt ốc và là người nguyên thuỷ đến tận thiên niên kỷ mới này, vẫn cuộc sống bầy đoàn phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên, những con người thật thà ngay thẳng.

Trong số họ, cũng có nhiều người như ông già bản đã từng tham gia kháng chiến chống Mỹ. Họ thông thạo mọi ngõ ngách trong rừng già. Tại đây, theo dòng sông Chày, là một khu vực có hệ thống hang động phải nói là đẹp nhất Việt Nam.

Vì nằm trong khu vực rừng cấm quốc gia Kẻ Bàng và rất khó đi nên không nhiều người đến đây. Những người khai thác trầm hương, thợ săn khỉ là những người rất sành sỏi các cánh rừng cả khu vực và sang tận Lào, nhưng họ cũng chỉ biết đến cửa hang động hoặc hang động có cửa hang thật lớn.

Với kinh nghiệm của những người thợ rừng (thợ săn, người tìm trầm) và người dân bản Rục Arem, cùng với thông tin qua khảo sát dòng chảy của sông Chày, chúng tôi xác định được vị trí một số hang, trong đó các hang như hang Rục, hang Én đã từng được khám phá, đo đạc trước đây.

Từ bản Rục Arem, chúng tôi theo Chặp và Thăm, hai thanh niên Rục, dẫn đường đi vào rừng. Thời tiết mùa đông nhưng trời không mưa, lá cây khô dưới đất không ướt, không phải lo tránh vắt nên đi được khá nhanh. Cách bản mới không xa, khoảng 20 phút, còn nhiều dấu tích một làng cũ của người Arem, những nhà lá nhỏ như những cái chòi, mỏng manh giữa rừng, những vạt đồi được khai hoang trồng ngô, rau và có những đàn bò đang được chăn thả.

Chặp nói: “bò của Chính phủ hỗ trợ để dân định cư đấy.” Đi được gần 2 tiếng đồng hồ, vượt qua mấy ngọn núi, xuống đến con suối nước trong veo, chúng tôi đến hang Rục, quãng đường vừa đi không có gì đặc biệt vì là khu vực sinh sống của dân nên rừng bị khai thác nhiều.

Phía trên hang Rục có mấy hốc đá to khổng lồ, người Rục đi làm nương họ kéo cả mấy gia đình đến đây, lấy lá cây quây thành lán và giường thành tổ ấm. Trẻ con gần chục đứa nô đùa bên suối, trông chúng khi đó không khác gì trẻ nông thôn đồng bằng.

Vượt qua mấy hang Rục, chúng tôi leo lên khu rừng rậm rạp hơn, cây rừng to hơn. Trước khi đi tôi đã hỏi anh bạn người Co trên chục năm tìm trầm, “liệu còn cây gió trong rừng không?” “Rất hiếm, chỉ có những nơi thật xa và cheo leo, còn ngoài này may ra có những cây bằng ngón tay hay cổ tay thôi!” anh ta nói.

Để có trầm hương tốt, phải là cây hàng trăm năm tuổi, những vết thương thời gian mới tạo trầm. Thời Pháp thuộc người ta khai thác chỉ lấy phần có trầm, cây vẫn sống. Thời nay người ta tận diệt, chặt tận gốc nên nhanh chóng tuyệt chủng loại cây này. Tuy nhiên, rừng đã thành vườn Quốc gia, hy vọng nó sẽ có cơ hội phát triển trở lại.

Trong văn phòng Vườn có nhóm chuyên gia Đức về động vật hoang dã, họ nói có khá nhiều loài quý hiếm ở đây. Nhiều năm trước đoàn của Howard Limbert thuộc Hiệp hội hang động Hoàng Gia Anh cũng đã từng gặp Hổ. Voọc cũng là loài mà nhiều nhà khoa học trường Lâm nghiệp dành cả chục năm lăn lộn nghiên cứu trong này. Khỉ thì khỏi nói bởi khá nhiều, những vạt rừng có chuối chúng tôi đi qua còn để lại nhiều dấu vết của Khỉ quậy phá...

Mỗi lần chui ra khỏi tán rừng, một không gian hùng vĩ hiện ra, những vách núi đá vôi trắng dưới ánh mặt trời, xen với những rừng cây bám bên sườn, cho ta cảm giác như trong hành trình thầy trò họ Đường (Tây Du Ký). Có 1 điều thú vị khi Howard chỉ cho tôi một quả sứ nhỏ buộc bằng dây đồng thít sâu trong thân một cây to.

Họ rất ngạc nhiên và thán phục khi tôi giải thích đó là dấu vết của tuyến cáp thông tin thời chiến tranh. Với những người Việt lớn lên sau chiến tranh còn khó hình dung, nữa là người nước ngoài khi thấy tuyến cáp xuyên rừng già, vượt núi đại ngàn cùng với các đường mòn và tuyến ống dầu.

Đi qua hang Kling, Klung, một hang thông xuống hang Rục, một là hang gió. Chặp dẫn chúng tôi đến một hang mà anh biết, nó nằm trên đường đi hang Eán. Theo anh nói, nó trên cao, khô, và không đẹp lắm vì anh chưa vào bao giờ.

Sau 2 tiếng nữa vượt rừng, qua những nơi mà ta thường thấy trong “phim Tôn Ngộ Không”, dãy núi đá vôi, vách trắng xoá trên các tầng cây rừng già, qua những vạt chuối chẳng bao giờ kịp chín quả (vì khỉ ăn hết), qua những khe núi dòng nước trong veo cùng tiếng đủ loại chim hót. Chúng tôi rốt cục cũng đến hang A Cu, leo lên 200 mét mệt phờ nhưng đổi lại, hang A Cu tuyệt vời, nó khác lời Chặp kể.

Cửa hang mốc meo cũ kỹ qua hàng triệu năm, những nhũ đá rủ xuống như tấm màn che làm cửa hang thấp xuống còn vài chục mét đầy rêu phong. Nhưng khi xuống dưới, trong đó có nước, đẹp tuyệt vời, đẹp hơn tất cả những hang tôi đã qua.

Kỳ I: Bí ẩn những hang Rục - 1
 
 

Tác giả (trái) và một thành viên của đoàn thám hiểm.

 

Kỳ I: Bí ẩn những hang Rục - 2

Ánh lửa đêm, hơi ấm trong không gian hoang sơ.

 

Kỳ I: Bí ẩn những hang Rục - 3
 

Những đứa trẻ ở Bản Rục - Arem.

 

Kỳ I: Bí ẩn những hang Rục - 4
 

Giây phút nghỉ ngơi hiếm hoi.

Ghi chép của Đặng Vân Phúc (còn tiếp)
Kỳ II: Xuyên qua lòng hang

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm