1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Giáo sư Hoàng Minh Giám: “Tấm gương sáng cho trí thức Việt Nam”

(Dân trí) - Cách mạng Tháng tám là cột mốc vĩ đại nhất trong chiều dài lịch sử của dân tộc Việt Nam. Và trong thành tựu vĩ đại đó, không thể không kể đến những đóng góp to lớn của các nhân sĩ trí thức yêu nước mà một trong những tấm gương tiêu biểu đó là Giáo sư Hoàng Minh Giám, người từng được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá là “Tấm gương sáng cho trí thức Việt Nam”.

Ông là vị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đồng thời cũng là Bộ trưởng Bộ Văn hóa đầu tiên của nước ta. Nhân dịp kỉ niệm 62 năm Cách mạng Tháng tám, chúng tôi xin giới thiệu đôi nét về hành trình từ một trí thức yêu nước trở thành một chiến sỹ cách mạng của Danh nhân Hoàng Minh Giám. Tư liệu do gia đình giáo sư cung cấp.   

 

Kỳ I: Dòng họ khoa bảng ở làng khoa bảng

 

Tù nhân đỗ Phó bảng - Chuyện hi hữu trong lịch sử

 

Hoàng Minh Giám sinh năm 1904 trong một gia đình nhiều đời khoa bảng gốc ở xứ Đông Bình, Gia Bình, Bắc Ninh. Đến đời tiến sĩ Hoàng Nguyễn Thự (1749 - 1801), dời về Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội. Đây cũng là thời điểm huy hoàng nhất của dòng họ Hoàng ở Đông Ngạc bởi có đến ba đời liên tiếp đều có người đỗ tiến sỹ, trong đó một người là quan tổng đốc, hai người cùng là Thượng thư Bộ lễ là Hoàng Phạm Thạch (1795 - 1849) và Hoàng Tướng Hiệp (1835 - 1885) của các triều đại khác nhau.

 

Làng Vẽ (tức là Đông Ngạc) vốn nổi tiếng có nhiều người đỗ đạt. Chỉ tính riêng triều Nguyễn, trong sách Quốc triều khoa bảng và Quốc triều hương khoa đã ghi lại tên tuổi của 9 người đỗ tiến sỹ, phó bảng; 42 người đỗ cử nhân Nho học, chỉ sau làng Hành Thiện (Nam Định). Đây cũng là quê tiến sỹ luật khoa đầu tiên của Việt Nam Phan Văn Trường, luật sư toà Thượng thẩm Pari. Ông Trường nằm trong số những người lính và lao động sang Pháp từ Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Nhờ biết tiếng Pháp, ông được làm phiên dịch và chiến tranh kết thúc, ở lại Pháp học đại học luật.    

 

Thân phụ của Hoàng Minh Giám là cụ Phó bảng Hoàng Tăng Bí, một trong số những người sáng lập phong trào Đông Kinh nghĩa thục. Năm 1906, Hoàng Tăng Bí khi đó mới 22 tuổi, đã đỗ thứ hai (sau Phạm Tư Trực) trong một cuộc thi cử nhân có 6121 người tham dự. Thời gian này, Hoàng Tăng Bí đã cùng với các ông Huấn Quyền, Hoàng Tài Bí mở công ty Đông Thành Xương ở phố Hàng Gai để in sách, dệt xuyến hoa, ướp hương trà sen... lấy tiền gây quỹ cho Nghĩa thục đồng thời tổ chức đưa đón những nhà nho yêu nước sang Nhật hoặc từ Nhật trở về.

 

Vì những hoạt động này, năm 1907 Hoàng Tăng Bí bị Tây bắt, kết án 5 năm tù giam và 15 năm biệt xứ. Sau một năm thụ án ở Hỏa Lò, nhờ nhạc phụ là quan Thượng thư bộ học Cao Xuân Dục, một trong tứ trụ triều đình can thiệp và bảo lãnh nên Hoàng Tăng Bí được chuyển sang chế độ 15 năm biệt xứ, bị quản thúc ở nhà bố vợ tại kinh thành Huế. Chính trong thời gian “tù treo” này, Hoàng Tăng Bí đã dự thi Hội, thi Đình và đỗ Phó bảng trong một kỳ thi không có tiến sỹ. Đây có lẽ là trường hợp duy nhất ở Việt Nam một tù nhân đỗ Phó bảng. 

 

Bài diễn văn khiến toàn quyền Đông Dương sôi máu

 

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học, lại được sống cùng với ông ngoại là Thượng thư bộ học Cao Xuân Dục nên ngay từ nhỏ, Hoàng Minh Giám đã được nuôi dưỡng trong môi trường trí thức. Từ năm lên 5 tuổi, ông theo học chữ Hán, đến năm 10 tuổi thì theo học chữ quốc ngữ và tiếng Pháp. Năm 20 tuổi, sau khi nhận bằng tú tài bản xứ toàn phần, Hoàng Minh Giám quyết định theo học Trường Cao đẳng sư phạm Đông Dương (khóa 3).

 

Thời điểm này, phong trào cách mạng đang lên rất cao, nhất là trong giới học sinh, sinh viên. Nhiều người đã trốn học để xem phiên tòa đại hình xử nhà yêu nước Phan Bội Châu. Do sự đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân, từ mức án chung thân, Toàn quyền Đông Dương Alexandre Varene đã phải ký giấy ân xá cho cụ Phan. Để dẹp yên phong trào đấu tranh đang diễn ra mạnh mẽ, Varene đã tổ chức một cuộc đối thoại với sinh viên tại trụ sở thanh niên ở phố Vọng Đức.

 

Bài diễn văn do Hoàng Minh Giám và Nguyễn Khánh Toàn soạn thảo vạch trần chính sách áp bức, bất công, sự cách biệt trong đãi ngộ giữa người Pháp với người Việt, chính sách ngu dân, lừa bịp  của thực dân Pháp ở Đông Dương. Bài diễn văn “nảy lửa” này đã khiến Varene sôi máu, ra lệnh truy tìm gắt gao tác giả. Nguyễn Khánh Toàn bị lộ nên phải trốn vào miền Nam. Đối với Hoàng Minh Giám, tuy chúng cũng biết là có tham gia nhưng vì không có chứng cứ nên không làm gì được, vẫn phải cho đỗ tốt nghiệp.

 

Chính những năm tháng sôi động thời sinh viên đã hun đúc thêm lòng yêu nước, căm ghét bọn thực dân cướp nước của nhà trí thức trẻ Hoàng Minh Giám.

 

Suýt vào “hội kín”

 

Do biết được tư tưởng bài Tây, ghét Tây của Hoàng Minh Giám nên ngay sau khi cấp bằng Cao đẳng sư phạm, chính quyền Pháp ở Đông Dương đã “cử” Hoàng Minh Giám sang giảng dạy Trường Trung học Si - Sơvanh Phnômpênh - Campuchia nhằm cách li với phong trào sôi động trong nước. Tại đây, đáng lẽ phải dạy dỗ học sinh ca ngợi chính sách khai hóa của mẫu quốc thì Hoàng Minh Giám tiếp tục tuyên truyền lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết giữa hai dân tộc và lòng căm thù thực dân Pháp. Vì vậy chỉ hai năm sau, Hoàng Minh Giám bị thải hồi về nước với lý do vô kỷ luật, dạy sai chương trình.

 

Về Sài Gòn, Hoàng Minh Giám được những người bạn của mình như Nguyễn Trọng Hy, Lê Quang Cương, Ngô Châu Dinh, Bạch Châu Hải... giới thiệu đến trường tư của ông Huỳnh Khương Ninh, một trường có tiếng thời bấy giờ ở Sài Gòn. Ông này có người con trai tên là Huỳnh Khương An, du học ở Pháp, bí mật hoạt động cách mạng và sau đó, bị phát xít Đức tử hình.

 

Cũng thời gian này, Hoàng Minh Giám còn tham gia giảng dạy ở An Nam học đường của ông Bùi Quang Chiêu cùng với các ông Hà Huy Tập, Trần Ngọc Hổ, Nguyễn Trọng Hy, Lê Chung Cư... Ông còn tham gia viết bài cho một số tờ báo tiến bộ, đặc biệt là cộng tác với ông chủ tờ báo Tiếng chuông rè Nguyễn An Ninh. Khi Phan Văn Trường kế thừa, đổi tên là L'Annam đã cho đăng nhiều bài viết về chủ nghĩa Mác - Lênin và nhiều lần nhắc đến Nguyễn Ái Quốc.

 

Một hôm, Hoàng Minh Giám đang trên đường từ trường về thì thấy Trần Ngọc Hổ (em họ của Hà Huy Tập) đạp xe đến bảo: “Có vào hội kín không?”. “Đây là việc rất hệ trọng nên tôi cần có thời gian để suy nghĩ”, Hoàng Minh Giám đáp. Thế nhưng sau đó mấy ngày, Trần Ngọc Hổ bị bắt. Hà Huy Tập và một số người khác phải đi trốn. Có thể nếu như không có sự việc này, Hoàng Minh Giám đã tham gia cách mạng từ dạo đó.

 

Dạy học ở Sài Gòn được ba năm, Hoàng Minh Giám bị tố cáo là trước đây dạy ở Phnômpênh, bị kỉ luật và bị thải hồi nên không được dạy học nữa, ông quyết định rời Sài Gòn ra Bắc.

 

Làm gì để người dân được mở mang trí tuệ?

 

Về Hà Nội, Hoàng Minh Giám được các bạn mình giới thiệu đến dạy ở trường tư thục Gia Long của một người Pháp tên là Belet đứng ra tổ chức. Do quy tụ được nhiều giáo viên giỏi như Phan Thanh, Ngô Duy Cẩn, Tôn Thất Bình, Đặng Thai Mai... nên học sinh theo học rất đông. Cùng thời gian này, cụ Hoàng Tăng Bí hết thời hạn 15 năm biệt xứ nên cũng về Hà Nội. Biết tin, hiệu trưởng trường tư thục Gia Long Belet nhờ Hoàng Minh Giám mời cụ ra dạy môn tiếng Việt.

 

Được một thời gian, dù học trò rất thích nhưng do ông cụ tuyên truyền tư tưởng Đông Kinh nghĩa thục, giảng Hải ngoại huyết thư của Phan Bội Châu và đọc cho học sinh nghe những bài thơ cụ viết khi bị giam ở Hỏa Lò nên Belét nói nếu cứ dạy như thế thì mật thám sẽ gây khó dễ cho nhà trường. Cụ hiểu ý và thôi không dạy nữa.

 

Thời gian này, công việc ổn định nhưng Hoàng Minh Giám hiểu rằng tuy lấy danh nghĩa là “khai hóa nền văn minh” song thực chất, thực dân Pháp không hề mong muốn cho nền giáo dục của nước ta phát triển mà ngược lại, chúng quyết tâm áp đặt chính sách ngu dân. Vì vậy, nội dung giáo dục mang tính phân biệt, khinh miệt bản địa và đề cao mẫu quốc. Về số lượng, chúng hạn chế tối đa số lượng trường học cũng như số lượng học sinh. Chính sách giáo dục ngu dân nham hiểm đã đánh thẳng vào truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam, khiến những nhà tri thức yêu nước, giàu lòng tự tôn dân tộc bị xúc phạm.

 

Một câu hỏi luôn luôn được đặt ra cho giới trí thức yêu nước lúc bấy giờ là làm thế nào để người dân Việt Nam được mở mang trí tuệ? 

 

Bùi Hoàng Tám

Kỳ II: Trường tư thục Thăng Long -

Nơi ươm mầm cách mạng