Gặp nhân chứng trong thời khắc lịch sử
Nâng niu bức ảnh ghi lại thời khắc Tổng thống chính quyền Việt Nam cộng hòa Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện (30-4-1975), chấm dứt cuộc chiến tranh khốc liệt kéo dài 21 năm, cựu chiến binh (CCB) Trịnh Ngọc Ước, nguyên cán bộ chính trị Trung đoàn 66, Sư đoàn 304 (Quân đoàn 2), tâm sự: “Tôi vinh dự có mặt trong thời khắc lịch sử của dân tộc. Đứng cạnh Dương Văn Minh, nghe đọc lời tuyên bố đầu hàng, tôi muốn nhảy cẫng lên vì sung sướng. Từ đây, mảnh đất quê hương đã nối liền một dải, không còn khói lửa chiến tranh, không còn Bắc-Nam cách trở”.
Nhân chứng lịch sử
Trong suốt câu chuyện về những năm tháng chiến trận của mình, CCB Trịnh Ngọc Ước nhiều lần ngắm bức ảnh với ánh mắt tự hào, vui sướng. Không vui sao được khi mà ông là một trong số ít nhân chứng có mặt đúng thời khắc quan trọng đánh dấu bước ngoặt vĩ đại của cả dân tộc, mở ra trang sử mới cho cách mạng Việt Nam. Ngược dòng lịch sử, CCB Trịnh Ngọc Ước hồi tưởng:
- Trước khi tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, tôi là Trung úy, Chính trị viên Đại đội 11, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 66, từng đánh nhiều trận trong các chiến dịch lớn, như: Khe Sanh, Quảng Trị, Huế-Đà Nẵng... Sự có mặt của Trung đoàn 66 (còn gọi là Trung đoàn Ký Con) được ghi dấu bằng những chiến công vang dội, nổi bật là trận đánh "giập đầu" quân viễn chinh Mỹ ở thung lũng Ia Đrăng ngay khi chúng vừa đặt chân đến Tây Nguyên. Truyền thống ấy là niềm tự hào, thôi thúc các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Ký Con anh hùng phấn đấu lập công, nhất là vào giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Còn nhớ, sau khi giải phóng Đà Nẵng, nằm trong đội hình sư đoàn, chúng tôi nhanh chóng cơ động hướng về Sài Gòn. Trên đường hành quân, chúng tôi tiếp tục truy kích địch, đặc biệt là lệnh truy kích tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, tư lệnh tiền phương quân đoàn 3 sau khi chúng bị thất thủ ở Phan Rang. Suốt mấy ngày trời, mãi đến ngày 16-4 khi Nguyễn Vĩnh Nghi cùng thuộc hạ đang trên đường trốn vào Sài Gòn mới bị tóm gọn. Chúng tôi tiếp tục hành quân tới thị xã Hàm Tân (Bình Thuận) đúng ngày 21-4 thì được tin Quân đoàn 4 đã chiếm giữ Xuân Lộc-Long Khánh. Thế nhưng, bọn địch ở Hàm Tân vẫn ngoan cố chống cự, chặn đường tiến của quân ta. Trung đoàn tôi lại được lệnh đánh chiếm cứ điểm này, mở đường Nam tiến.
Bức ảnh chụp thời khắc Tổng thống chính quyền Việt Nam cộng hòa Dương Văn Minh đọc lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện được ông Ước lưu giữ cẩn thận (ông Ước đứng thứ hai, bên trái Dương Văn Minh).Thời điểm đó quân ta khí thế như vũ bão. “Cánh cửa thép” Xuân Lộc-Long Khánh của địch đã bị đánh sập, càng cổ vũ tinh thần bộ đội ta. Sau khi triển khai nhiệm vụ cho đơn vị, đúng 19 giờ ngày 21-4, Trung đoàn phó Phạm Xuân Thệ trực tiếp chỉ huy Tiểu đoàn 8 đánh cầu Bình Tuy, thọc sâu vào thị xã Hàm Tân. Địch chống trả yếu ớt. Chỉ sau 2 giờ nổ súng, Tiểu đoàn 8 đã làm chủ thị xã. Ngày 22-4, các đơn vị củng cố lực lượng, đêm đến bắt đầu hành quân, tới đồn điền cao su ông Quế (thị xã Long Khánh) vào sáng 23-4. Tại đây, Trung đoàn 66 nhận nhiệm vụ thọc sâu tiến công theo trục đường 15, xa lộ Sài Gòn-Biên Hòa vào nội đô Sài Gòn. Trước mắt, trung đoàn phải phối hợp đánh địch tại căn cứ Nước Trong (Long Thành, Đồng Nai). Tâm trạng cán bộ, chiến sĩ vô cùng phấn khởi bởi chiến thắng vĩ đại đang ở phía trước nhưng cũng lo lắng vì nhiệm vụ chiến đấu còn rất nặng nề. Do không quen địa hình nên các đơn vị gặp khó khăn khi trinh sát mục tiêu. Rất may, tối 23-4, lực lượng trinh sát của sư đoàn bắt được một tên địch, khai thác nắm tình hình và bắt nó dẫn đến vị trí căn cứ Nước Trong. Qua điều nghiên, các chiến sĩ trinh sát phát hiện, căn cứ Nước Trong là Trường Sĩ quan thiết giáp và Sân bay biệt kích Long Thành, bố trí liên hoàn, vững chắc; xung quanh có hào sâu và các bãi mìn chống tăng. Địch ở bên trong dễ dàng quan sát ta từ xa. Sau thời gian điều nghiên, lên kế hoạch tác chiến, tối 26-4, quân ta bắt đầu nổ súng. CCB Trịnh Ngọc Ước kể:
- Hỏa lực địch khá mạnh, bố trí hiểm trở nên các hướng, mũi tiến công của Trung đoàn 9 không tiến lên được. Trận chiến diễn ra ác liệt. Các đợt tiến công của ta bị đẩy bật trở ra, thương vong khá lớn. Trước tình thế đó, sư đoàn lệnh cho xe tăng dùng pháo bắn thẳng tiêu diệt các ụ súng, lô cốt bên trong mục tiêu; hỏa lực pháo binh bắn trùm trận địa địch, làm giảm khả năng quan sát của chúng, tạo thuận lợi cho bộ binh ta tràn vào. Chiều 27-4, Tiểu đoàn 9 của Trung đoàn 66, do Trung đoàn phó Phạm Xuân Thệ chỉ huy, tăng cường cho Trung đoàn 9 tiếp tục đánh chiếm căn cứ Nước Trong. Trưa 28-4, không trụ nổi trước thế tiến công mãnh liệt của quân ta, địch ở căn cứ Nước Trong bỏ chạy. Chúng tôi làm chủ trận địa, mở thông đường hành quân tiến vào nội đô.
Một tình huống xảy ra trong quá trình hành quân: Sáng 29-4, Trung đoàn 66 đảm nhiệm lực lượng thọc sâu đi đến cầu sông Buông thì bị địch phá cầu, án ngữ. Thời gian khẩn cấp, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 304 Nguyễn Ân (sau này là Trung tướng, nguyên Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 1) hạ lệnh vừa đánh địch vừa sửa cầu. Gần 2 giờ sau, Trung đoàn 66 vượt cầu, cơ động thọc sâu bỏ qua các mục tiêu nhỏ lẻ tiến thẳng vào Sài Gòn. Ông Ước nhớ lại thời khắc có mặt tại Dinh Độc Lập:
- Dọc đường tiến công, tôi tận mắt nhìn thấy nhiều tên lính ngụy lấy ba lô của các chiến sĩ ta đã hy sinh đeo lên vai rồi bỏ trốn. Chúng tôi chỉ phân biệt được bọn chúng qua đôi giày ngụy quân. Khi phát hiện ra sự việc, nhiều đồng chí đã vô cùng tức giận định nổ súng tiêu diệt nhưng chỉ huy đơn vị đã kịp thời ngăn lại bởi phải thực hiện chính sách nhân đạo và hòa hợp dân tộc khi vào vùng giải phóng. Đội hình trung đoàn nhanh chóng vượt qua cầu Sài Gòn, đến ngã tư Hàng Xanh, chúng tôi chưa biết tiến theo đường nào để vào Dinh Độc Lập thì một ông lão chừng 70 tuổi, tay cầm cờ đỏ sao vàng chạy lại xin lên xe dẫn đường. Tới gần cổng dinh, tôi thấy chiếc xe tăng 390 húc đổ cánh cửa sắt, chiếc xe Zeep chở Trung đoàn phó Phạm Xuân Thệ chạy thẳng vào sân dinh. Xe tải quân sự chở chúng tôi cũng theo sát, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ. Trong lúc đưa Dương Văn Minh sang Đài Phát thanh Sài Gòn đọc tuyên bố đầu hàng, ông ta còn đề nghị được đi xe của mình, nhưng đồng chí Phạm Xuân Thệ không đồng ý, buộc Dương Văn Minh phải lên chiếc xe Zeep do lái xe Đào Ngọc Vân điều khiển. Theo sự phân công của chỉ huy, tôi và đồng chí Phùng Bá Đam, Trung úy, cán bộ tổ chức cơ quan chính trị trung đoàn cùng đứng bên cạnh Dương Văn Minh trong lúc ông ta đọc lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện để ghi âm. Lần đầu tiên tôi nhìn kỹ tổng thống cuối cùng của chính quyền cũ. Ông ta luôn cúi đầu, chỉ ngẩng lên khi hỏi điều gì đó. Lúc Dương Văn Minh đọc những chữ đầu tiên trong bản thảo lời tuyên bố đầu hàng, một niềm hạnh phúc kỳ diệu trào dâng khiến tôi như muốn hét lên trong niềm sung sướng tột cùng. Ước nguyện cháy bỏng lúc đó, không chỉ riêng tôi mà hết thảy những đồng đội khác là được về nhà gặp bố, mẹ, người thân trong niềm vui chiến thắng… Đâu ngờ được rằng tôi lại vinh dự trở thành một trong những nhân chứng của thời khắc lịch sử ấy. Bức ảnh ghi lại sự kiện lịch sử ấy sau này được đồng chí Phạm Xuân Thệ gửi vào cho tôi và tôi đã lưu giữ cẩn thận như một kỷ vật vô giá suốt mấy chục năm nay.
Tận nghĩa với đồng đội
CCB Trịnh Ngọc Ước 72 tuổi, quê ở Hải Dương, nhập ngũ năm 1967. Sau ngày đất nước thống nhất, ông chuyển ngành, công tác tại Ban Kinh tế Tỉnh ủy Đồng Nai, rồi chuyển sang làm Phó chánh Văn phòng UBND tỉnh. Từ khi nghỉ hưu (năm 2005), với cương vị Trưởng ban liên lạc truyền thống Sư đoàn 304 tỉnh Đồng Nai, ông dành nhiều thời gian đi tìm hài cốt đồng đội và vận động các cơ quan, đơn vị hỗ trợ anh em CCB Sư đoàn 304 có hoàn cảnh khó khăn, túng thiếu. Mới đây, dẫn tôi tới thắp hương ở 3 ngôi mộ chiến sĩ Sư đoàn 304 tử thương khi điều trị tại bệnh xá sư đoàn cuối năm 1975, ông Ước nói:
- Chúng tôi đã tìm thấy và xác nhận nhiều trường hợp liệt sĩ của Sư đoàn 304 hy sinh trong Chiến dịch Hồ Chí Minh và đợt truy quét FULRO ngay sau ngày miền Nam giải phóng. Dù gian nan, vất vả, mất nhiều thời gian để thu thập thông tin, tới tận nơi gặp nhân chứng xác minh, đối chiếu thực địa nhưng chúng tôi vẫn sẵn lòng để hoàn thành tâm nguyện của gia đình và thân nhân liệt sĩ. Mỗi khi đồng đội “trở về” với người thân, chúng tôi mừng vui khôn xiết. Riêng 3 đồng chí này quê ở ngoài Bắc, chúng tôi đã cất bốc, quyên góp xây mộ và hương khói thường xuyên. Chỉ có điều, cho đến nay vẫn chưa liên hệ được với thân nhân mặc dù chúng tôi đã về tận quê từng đồng chí một. Hiện 3 ngôi mộ vẫn đang “nằm nhờ” ở Nghĩa trang giáo xứ Tân Vinh (phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa). Anh em CCB Sư đoàn 304 mong mỏi 3 đồng chí sớm được an nghỉ bên cạnh những đồng đội khác.
Tâm nguyện của CCB Trịnh Ngọc Ước cũng thật dễ hiểu bởi tình cảm của những người lính đã từng “chia lửa” trong chiến tranh thật thiêng liêng, sâu nặng, như một mệnh lệnh không lời thôi thúc ông lặng thầm vì đồng đội. Công việc ấy ông làm bằng cả trái tim và tấm lòng nghĩa cử, sưởi ấm hương hồn đồng đội, làm vơi bớt nỗi đau mất mát của thân nhân các liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc thân yêu.
Theo Hoàng Thành
Quân đội Nhân dân Việt Nam