1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Đại gia "gàn" ở làng tỉ phú

(Dân trí) - Nơi đây có các đại gia mà chỉ nhắc đến tên đã khiến giới doanh nhân giàu có nước nhà phải vì nể. Nhưng tôi ngạc nhiên hơn là chuyện một đại gia bỏ tiền túi nhưng phải xây trường chui... để tặng cho làng, xã!

Làng của các đại gia

Từ xa xưa, thôn Phương La (tên Nôm là làng Mẹo), xã Thái Phương, Hưng Hà, Thái Bình nổi tiếng bởi nghề dệt lụa và sự giàu có. Bạn tôi, nhà thơ Nguyễn Anh Quốc, một người bản địa đã tự hào khoe rằng hiện ở làng này, tỉ phú nhiều như... lá rừng. Tất nhiên đây là cách nói ngoa dụ của một người làm thơ, nhưng tỉ phú ở làng này quả là nhiều đến mức khó đếm hết. Nơi đây có các đại gia mà chỉ nhắc đến tên đã khiến giới doanh nhân giàu có nước nhà phải vì nể. Thế nhưng về đây, tôi đã rất ngạc nhiên khi đứng trước ngôi trường tiểu học của xã. Đó là những ngôi nhà cấp bốn lụp xụp có lẽ đã được xây từ hàng chục năm trước và ngạc nhiên hơn là chuyện một đại gia bỏ tiền túi nhưng phải xây trường chui... để tặng cho làng, xã!

Nằm lọt thỏm giữa vùng bạt ngàn lúa của tỉnh Thái Bình, xa các trung tâm kinh tế, hành chính, không tiện lợi thông thương trên bến dưới thuyền, xa đường quốc lộ..., nghĩa là nhìn từ phương diện kinh doanh, làng Mẹo không phải là mảnh đất "địa lợi", nhưng nhờ "nhân hòa", sự thông minh, cần cù, năng động của người dân mà từ xa xưa, nơi đây trở thành làng nổi tiếng vì sự giàu có. Nhất là từ khi Đổi mới, người dân "sổ lồng" từ những hợp tác xã thủ công "cha chung không ai khóc" lập nên các doanh nghiệp tư nhân thì sự nổi tiếng về giàu có của người làng Mẹo không còn bó hẹp trong địa phận tỉnh Thái Bình mà còn ở tầm cả nước.
 
Nếu như trước đây, người làng Mẹo chỉ sản xuất và kinh doanh những mặt hàng liên quan đến vải vóc, tơ sợi thì giờ đây việc kinh doanh đã trở nên đa dạng hơn rất nhiều và ở các lĩnh vực khác, họ cũng rất thành công. Đó là ông chủ hãng nước khoáng Vital Vũ Quang Huy, người trong các cuộc bình chọn về tài sản (tất nhiên là không chính thức nhưng theo tôi, vì thế mà độ chính xác càng cao hơn) của những doanh nhân sành sỏi mà tôi chứng kiến thường được xướng lên ở vị trí thứ tư hay thứ năm về sự giàu có trong danh sách topten Việt Nam. Là các ông Trần Văn Sen - Chủ hãng bia Đại Việt, ông Đinh Hồng Quân - Chủ hãng may xuất khẩu Hồng Quân, là các ông Trần Văn Ứng, Trần Văn Hương hiện đang sở hữu nhiều công ty lớn và nhiều đại gia khác.

Tỉ phú và thú chơi sang

Làm ra làm. Chơi ra chơi. Đó hình như là phẩm cách của các đại gia làng Mẹo. Ở làng Mẹo bây giờ, việc xây nhà lầu, sắm xe sang đã trở thành "chuyện nhỏ như con thỏ". Mua một "con xe" tiền tỉ chỉ đáng là niềm vui nho nhỏ của đám "choai choai" mới nổi. Đại gia bây giờ chăm lo là xây lăng mộ và chơi cây cảnh. Một cây cảnh trị giá vài tỉ đồng hay một khu lăng mộ vài trăm tỉ đồng đang là thú chơi của người ở mảnh đất "tỉ phú nhiều như lá rừng" này.

Về xây lăng mộ, đứng đầu danh sách thuộc về ông chủ hãng bia Đại Việt Trần Văn Sen. Tọa lạc trên mảnh đất 50.000m2 ở cái làng tấc đất đắt hơn tấc vàng, công trình kiến trúc tinh xảo rộng 900m2 này lúc đầu dự kiến cao 51m. Thế nhưng do sự cố kỹ thuật, xuất hiện sự nứt lún nên Trần đại gia phải hạ bớt xuống, chỉ còn cao 24m theo lời khuyên của một chuyên gia người Pháp.

Nhà thờ họ lớn thứ hai ở làng Mẹo thuộc dòng họ Vũ của ông chủ hãng Vital Vũ Quang Huy. Công trình nằm trên diện tích hàng trăm mét vuông này tuy không đồ sộ như của họ Trần nhưng cũng đủ để các lăng tẩm khác phải kiêng nể vì sự hoành tráng.

Không to lớn như lăng mộ họ Trần hay nhà thờ họ Vũ, nhà thờ họ Lê lại rất đáng khâm phục về sự cầu kỳ và tinh xảo. Riêng 9 bậc đá để bước vào nhà thờ cũng trị giá gần trăm triệu đồng nhưng cao giá nhất có lẽ phải kể đến các hạng mục công trình bằng gỗ với những hoa văn hình rồng cầu kỳ uốn lượn theo mái vòm.

Ngoài việc xây lăng mộ, nhà thờ họ thì các đại gia làng Mẹo nhiều năm nay chuyển sang thú chơi cây cảnh. Nhà thơ Nguyễn Anh Quốc còn kể với tôi rằng riêng tiền cây cảnh ở đây ước tính lên đến hàng nghìn tỉ đồng. Một cây cảnh của đại gia Đinh Hồng Quân trị giá lên tới 3 tỉ bạc.

Không chỉ có các đại gia mà cả những người trung lưu cũng chơi cây cảnh. "Tuỳ tiền biện lễ", nhưng cây cảnh mà các đại gia làng Mẹo chơi rẻ nhất cũng phải cỡ 300 triệu đồng.

Lòng trắc ẩn của đại gia

 Vào một ngày mưa dầm dề đầu năm 2006, đại gia Vũ Quang Huy nhìn ra đường làng chợt sửng sốt vì thấy từng đoàn các cháu nhỏ lúp xúp trong những tấm áo mưa dò dẫm đến trường, lòng trắc ẩn nơi vị đại gia già trỗi dậy. Ý tưởng xây một ngôi trường mẫu giáo và tiểu học khang trang ngay đầu làng để giảm bớt nỗi cực nhọc cho các cháu học sinh và cả gia đình họ đã được hình thành vào buổi sáng "mưa xuân phơi phới bay" ấy.
 
Ngay chiều hôm đó, ông thuê người lập hồ sơ xin mua đất. Lúc đầu, xã định bố trí địa điểm xây trường ở cạnh đình làng. Thấy mảnh đất này quá chật chội, ông Huy đề xuất mua lại đất của dân. Rất may là trước đó, chẳng hiểu khi đo đạc, chia chác ruộng nương thế nào mà ở đầu lối vào làng lại thừa ra mảnh gần 3.000m2. Để giải quyết sự "tồn đọng" này, xã chia cho mỗi khẩu 2m2 và để có đất xây trường học cho con em trong xã, ông Huy phải bỏ tiền ra để mua lại của từng người với giá từ 250.000 đồng/m2 đến 500.000/m2.

Bỏ tiền túi, xây trường chui

Có lẽ đối với bất cứ địa phương nào thì việc người dân tự bỏ tiền túi của mình ra xây trường học để tặng cũng sẽ là một sự kiện lớn, được chính quyền đón nhận hồ hởi và tạo mọi điều kiện. Thế nhưng ở làng Mẹo này lại không vậy. "Tôi bỏ tiền túi của mình để xây trường học chui đem tặng". Đại gia Huy bực tức nói với tôi vào một ngày cuối năm 2008, khi ngôi trường đang đi vào hoàn thiện.
 
Lý giải thắc mắc của tôi, ông Huy kể rằng sau khi mua được hơn 2.900m2 đất của dân mà theo dự định, ông sẽ mua 5.000m2 nhưng không được vì đã quy hoạch hơn 2.000m2 kề bên là giành cho Hội sinh vật cảnh, ông Huy thuê người thiết kế và lập dự toán, gửi hồ sơ lên huyện. Song do làm gộp cả phần kinh phí xây dựng của trường mẫu giáo và trường tiểu học vào với nhau nên số tiền dự toán lên tới 7 tỉ đồng. Theo quy định, UBND cấp huyện chỉ được cấp phép xây dựng cho những công trình dưới 5 tỉ đồng nên vượt quá thẩm quyền. Thế là lại phải tách riêng để làm lại dự toán.
 
Nghĩ rằng việc xây trường được toàn thể nhân dân và các cháu học sinh trông đợi, lại tự bỏ tiền túi ra mua đất, xây dựng, sắm trang thiết bị thì chắc chắn việc làm thủ tục, giấy tờ sẽ được tiến hành ngày một, ngày hai đồng thời cũng để kịp hoàn thành vào năm mới, ông Huy một mặt gửi hồ sơ lên huyện, một mặt cho tiến hành thi công. Thế nhưng điều ngạc nhiên là đã gần 9 tháng trôi qua, bản dự toán vẫn "ngủ yên trên bàn giấy" của cơ quan công quyền. Và thế là đại gia Huy biến thành... người xây dựng chui, không có giấy phép. Có lẽ điều bức xúc này đã lý giải việc khi Phó Chủ tịch UBND xã kiêm Phó chủ tịch Hội khuyến học Bùi Văn Hà chở tôi xuống đây đã bị ông đuổi sồn sồn.

- Chú thông cảm. Ai đời ngôi trường khởi công gần 9 tháng, đã sắp khánh thành mà hôm nay mới thấy duy nhất một ông lãnh đạo xã ló mặt đến. Họ muốn tôi phải nói năng, xin xỏ họ à? Làm gì có chuyện đó. Ngoài bẩy mươi tuổi rồi, thân già này việc gì phải đi cầu cạnh? Mà tôi làm là vì con cháu trong làng, trong xã thôi chứ nói thật với chú, con cái cháu chắt tôi có đứa nào ở làng cho đâu.

Cách đây ít lâu, tôi điện thoại về hỏi thì được biết, ngôi trường đã hoàn thành mà vẫn... chưa có giấy phép. Bạn tôi bảo "Lão này gàn dở" còn tôi nghĩ lão "gàn" nhưng không dở.

Hoàng Thiên Bảo