Con đường “hai gánh”
Chỉ cần một chiếc xe đạp cũ có hai gánh sắt hai bên, họ lên đường hành nghề “hai gánh”. TPHCM mươi năm trở lại đây xuất hiện những con đường, con hẻm tập họp hàng trăm ngàn người lao động nhập cư làm cái nghề lạ lùng này. Đường nhà ông Viền là một ví dụ.
Đường vào “đất hứa”
Năm 1999, khi ông Đinh Xuân Viền vào đến tổ 33 ấp 8 xã Bình Trị Đông huyện Bình Chánh (nay thuộc quận Bình Tân), nguyên mảnh ruộng này chỉ có vỏn vẹn 2 ngôi nhà tự xây cất. Mở một cơ sở dệt nhỏ, làm ăn khấm khá, ông Viền viết thư về quê tận Thái Bình, rủ họ hàng anh em vào làm chung, một phần vì do thiếu nhân công, nhưng chủ yếu vẫn “là đồng hương dễ gắn bó nhau”.
6 năm sau, tôi đến thăm cái xóm nhỏ của ông Viền, bây giờ đã trở thành một dãy nhà gồm 15 cơ sở dệt khăn lông do toàn người Thái Bình làm chủ, giải quyết việc làm trên trăm công nhân, đóng góp và thực hiện khá đầy đủ các… khoản thu cũng như chính sách do chính quyền sở tại phát động.
Ông Viền giờ đã lập gia đình cho 5 trong số 9 người con. Một vài người cũng học hành, trở thành trí thức thành phố. Bản thân ông cũng tham gia công tác quản lý nhân hộ khẩu tại xóm ông, đã tăng từ 2 hộ lên trên 130 hộ.
Cùng đến tạm cư tại đây, còn có chị Xuân và mấy trăm phụ nữ tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang của chị đi theo từng làng, đón một chiếc xe đò đi chung, đến Sài Gòn rồi, mạnh ai nấy chia tìm người thân, rồi gầy dựng cuộc sống mới theo phân bố… đồng hương.
Chị Xuân nói: “Ngoài quê em chả nàm gì ngoài nàm ruộng cả, thế lên vào đây phải đi buôn đi bán thế lày. Bà con quê em vào đây cũng chỉ nàm mỗi một nghề, người ta gọi nà đưa chợ đến tận nhà đấy bác ạ!”. Ấy vậy mà chị Xuân đã thuê phòng trọ ở con đường này và buôn bán được ba năm. Theo chân Xuân, con gái đầu của chị, bà chị dâu, bà… hàng xóm ngoài quê cũng đang tấp tểnh vào “đất hứa”.
Con đường vào “đất hứa” của người lao động nhập cư (NLĐNC) tại cái xóm nhỏ này là như thế. Họ, cùng với nhiều NLĐNC ở các vùng miền cả nước, “đến đây rồi ở lại đây”, góp phần đưa phường Bình Trị Đông (mới) hiện nay từ chỗ chỉ có 11.500 dân địa phương (1995) tăng lên 55.093 người. Và, quận Bình Tân, sau một năm tách ra từ huyện Bình Chánh, dân số đã từ 260.000 tăng lên thành 400.000 người, trong đó 80% là NLĐNC.
Trong một ngày quan sát họ, tôi cũng thấy hàng chục xe “hai gánh, hai sọt” ra đi khỏi những căn phòng 6m2 mà 4 người thuê chung. Lạ một điều là khi chiều về, những cái gánh chất đầy đồ lạc xoong, quần áo… xen lẫn mớ ve chai. Trưởng Ban Điều hành khu phố, anh Nguyễn Văn Thuận than: “Một số chuyên nghề… ăn trộm.
Ban ngày lấy danh nghĩa đi mua ve chai, họ tiện tay “mua” luôn quần áo của các xóm nhà trọ khác bởi ban ngày thì các nhà trọ hầu như đóng cửa vì người ở trọ thường đi làm, chỉ phơi quần áo ở ngoài. Còn ban đêm, những người “hai sọt” lại đi lượm ve chai, sẵn tay, họ “lượm” luôn giày dép mà người đi ngủ thường bỏ ngoài hè. Nhà báo cứ đến đây buổi sáng, sẽ mua được… giày dép giá rẻ, còn như đến buổi chiều, tha hồ lựa… quần áo!
Đến con đường “hai gánh” vào buổi trưa, suốt dọc 200m chiều dài, tôi đếm được… 4 sòng nhậu và ba tụ đánh bài. Cánh đàn ông ban ngày ngồi nhà chỉ biết nhậu, đánh bạc, ban đêm mới thuê xe Honda chở vợ con đi “rải” lòng vòng, đến sáng lại phụ phân loại… giày dép hay vật liệu xây dựng “thu” được.
Một người đàn bà đi trước thám thính, sau đó ba bốn chị khác… khuân hết đống xi măng, gạch của một công trình xây dựng trong hẻm ra, ngoài đầu hẻm đã có mấy chục xe “hai sọt” chờ sẵn, tải đi. Đoàn người “lượm ve chai” trong đêm bị bắt tại trận, khóc lu loa cho đến khi… được thả, để rồi họ lại về với con đường “hai gánh”!
Ánh sáng nào ở cuối con đường...“hai gánh”
Phó Chủ tịch UBND phường Bình Trị Đông, anh Nguyễn Hồng Xuân cho tôi biết: “Vì xây cất bất hợp pháp trên đất ruộng nên hệ thống thoát nước của con đường “hai gánh” này đâu có, cả phường có hàng trăm nơi như thế. Mỗi lần mưa lớn, nước dơ từ các con đường này chảy tràn ra hương lộ 2, tràn xuống các chỗ thấp, dân ca cẩm quá chừng.
Thiển nghĩ, để dễ quản lý NLĐNC, nhà nước cần dành đất xây những khu nhà trọ cho thuê với giá hợp lý, đảm bảo các điều kiện sống trung bình. Tất cả những NLĐNC đều vào các khu nhà này thuê để ở, từ đó quản lý sẽ dễ dàng hơn, vừa tạo cho họ có điều kiện chấp hành pháp luật”.
Phải làm sao? Khi hỏi về ước mơ nào cho cư dân con đường “hai gánh”, ông Đinh Xuân Viền tâm sự với tôi: “TPHCM là nơi thu hút trí thức và lao động có trình độ và tay nghề cao, những người đó rất cần hòa nhập về pháp lý để an tâm cống hiến.
Như 15 cơ sở dệt của người Thái Bình chúng tôi đây, vào làm ăn lương thiện đã lâu, có nhà ở ổn định (xây không phép) nhưng vẫn thiếu cái hộ khẩu. Nhà đòi hộ khẩu, hộ khẩu đòi nhà, biết chừng nào mới làm được cái “giấy hồng” để vay vốn mở rộng sản xuất đây. Dù gì đi nữa thì chúng tôi vẫn mặc nhiên sống và làm ăn chân chính tại đây nên rất cần được công nhận bằng cái hộ khẩu.
Còn với phường đầu trộm đuôi cướp, ở đâu thì chắc cũng bị xua đuổi thôi. Năm rồi có một ông gì làm lớn lắm ở tận Bắc Ninh vào đây vận động đồng hương “hai gánh” quay về nhưng đâu được, ổng còn nói sẽ có biện pháp mạnh, nhưng biện pháp gì thì tôi chưa thấy”.
Theo Minh Anh
Sài Gòn Giải Phóng