1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chuyện ở bệnh viện tâm thần ngày cuối năm

(Dân trí) - Bệnh viện Tâm thần Trung ương ngày cuối năm, vẫn là những khuôn mặt thẫn thờ, những mái tóc bù xù, những chuỗi cười rùng rợn, những đôi mắt vô hồn, lạnh lẽo... Không gian chỉ thực sự ấm áp hơn khi có bóng dáng những chiếc blue trắng.

Cánh trung tâm thị trấn Thường Tín (Hà Nội) chưa đầy 2 km, qua một cánh đồng trải dài và những ngôi nhà lưa thưa, tôi đã đứng trước cổng Bệnh viện Tâm thần Trung ương. Sự ảm đạm của một buổi chiều cuối năm và vẻ âm u toát lên từ những chùm rễ si già rủ sát mặt sân tạo nên một không khí quạnh quẽ.

Người bảo vệ ngồi co ro trong căn phòng nhỏ khoát tay ra hiệu đi sâu vào phía trong khi tôi hỏi thăm Viện giám định pháp y tâm thần Trung ương. Thế giới của những người điên cách thế giới bên ngoài chỉ một bức tường mỏng.

Khi bệnh nhân là trọng phạm...

Viện giám định pháp y tâm thần Trung ương hiện có 86 bệnh nhân trong thời gian giám định và điều trị. Tất cả những bệnh nhân ấy đều là những phạm nhân về trật tự xã hội như tội phạm ma túy, tội phạm mại dâm, tội phạm kinh tế... và đa phần là tội phạm giết người.

Những phạm nhân khi gây án có biểu hiện về động cơ và hành vi do ảnh hưởng của yếu tố tâm thần được người thân, tòa án hoặc viện kiểm soát đề nghị sẽ được chuyển đến Viện giám định pháp y tâm thần Trung ương để giám định và có hướng điều trị khi phát hiện người đó mang bệnh.

Theo bác sĩ chuyên khoa II Dương Văn Lương - Trưởng khoa giám định, trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, người trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân: “Những bệnh nhân tâm thần phạm tội, vốn trong mình vừa có bệnh lí tâm thần và tâm lí tội phạm. Đặc điểm của họ là không kiểm soát được hành vi của mình, rất côn đồ, hung hãn nhưng họ cũng có sẵn cả tiểu xảo trong mình từ khi phạm tội nên điều trị vô cùng khó khăn”.

Theo dòng câu chuyện, người bác sĩ tận tâm ấy kể cho tôi nghe những số phận bất hạnh của những bệnh nhân nơi đây. 
 
Nam bệnh nhân V.Q ở Sơn La là một trường hợp thương tâm. Đang khỏe mạnh bình thường, là một người nông dân hiền lành chất phác, đột nhiên anh phát bệnh. Những người thân trong gia đình đã đi khắp nơi cầu thần khấn phật và tìm thầy về trừ ma mà bệnh tình của anh không hề thuyên giảm. Quá mệt mỏi và chán nản, kinh tế gia đình cũng dần kiệt quệ, gia đình làm cho anh một cái chòi nhỏ giữa lưng chừng đồi để trông lương rẫy. Cứ hàng tuần có người mang lương thực, nước uống cho anh. Bẵng đi vài năm, tưởng như thế cũng là yên chuyện. Nào ngờ vào một buổi chiều, khi người bố mang gạo cho con, V.Q đã dùng cuốc chim bổ chết bố. Hơn thế nữa, anh đã xẻ thịt người bố để ăn dần. Sau này, khi đã vào viện, anh nghẹn ngào kể lại: “Khi ấy, em thấy bóng ai thấp thoáng, cứ tưởng ai lên giết mình, mới xảy ra cơ sự như thế!”.

Giờ này thì nữ bệnh nhân T.L ở Hòa Bình cũng đã ra viện. Bác sĩ Lương kể, hôm ra viện, chị cứ quay đầu lại bần thần nhìn vào viện tâm thần mà thấy xót xa. Nỗi đau của chị là nỗi đau đáng sợ nhất của đời người. Một lần phát bệnh, chị đã giết chết chính đứa con gái nhỏ bé của mình. Máu đã làm mụ mị chị. Chị móc mắt đứa nhỏ, mổ bụng chính đứa con yêu quí của mình. Mọi bản án của pháp luật trước nỗi đau của chị có lẽ đều trở nên vô nghĩa.

Giá như V.Q và T.L sớm được đưa đến viện điều trị thì có lẽ những nỗi đau kinh hoàng, những tội ác thảm khốc ấy đã không xảy ra. Bác sĩ Lương kết lại câu chuyện trong sự day dứt như chính anh là người trong cuộc.

Qua những tâm sự của anh, tôi cũng phần nào hình dung được vô vàn khó khăn, vất vả mà những người bác sĩ tại Viện giám định ngày ngày phải đối mặt. Bất cứ lúc nào, khi khám bệnh cho bệnh nhân, khi cho bệnh nhân ăn hay chăm sóc bệnh nhân ốm, họ cũng có thể bị tấn công. Bệnh nhân dùng tay chân, dùng miệng để cắn còn là nhẹ.
 
Chuyện ở bệnh viện tâm thần ngày cuối năm - 1
 Bác sĩ Dương Văn Lương đang thăm hỏi sức khỏe bệnh nhân. (Ảnh: T.A)
 
Có nhiều khi, bệnh nhân lén giấu được trong người những chiếc thìa ăn cơm, chiếc đũa để làm hung khí hành hung bác sĩ. Nhắc đến những lần bị tấn công, bác sĩ Lương bật cười: “Ở đây chả có ai là còn “lành lặn” với bệnh nhân. Thậm chí có bác sĩ còn bị bệnh nhân bẻ gãy cả tay”..

Điều đặc biệt tại Viện giám định là các bệnh nhân đều là tội phạm. Trong những lúc ức chế tinh thần, nỗi ám ảnh về tội lỗi trong họ trở lên vô cùng lớn. Khi tiếp xúc với bệnh nhân, nếu bác sĩ không khéo léo và nhẹ nhàng, ngay lập tức bệnh nhân có thể tự sát.

Nhưng cũng có nhiều trường hợp bệnh nhân luôn rình rập chờ cơ hội trốn viện. Không chỉ vậy, do là bệnh nhân tâm thần phạm tội nên trong những lúc tỉnh táo hoặc khi đã được điều trị gần khỏi, họ liên kết nhau lại để chống đối lại chính những người bác sĩ và cán bộ đã giúp đỡ họ điều trị.

Khó khăn và nguy hiểm cứ chồng chất như thế mà những người bác sĩ ở đây cứ lặng lẽ tận tâm ngày này qua ngày khác. Chính họ đang xây nên một câu chuyện diệu kì giữa cuộc đời này.

 “Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là giúp họ trở về với xã hội”

“Viện của chúng tôi luôn có phương trâm làm việc là hết lòng vì người bệnh. Hiện chúng tôi đang cố gắng để đáp ứng tốt nhất về bữa ăn và thuốc men cho người bệnh với mong muốn lớn nhất là  giúp họ trở về với xã hội” - TS Phạm Đức Thịnh, viện trưởng Viện giám định pháp y tâm thần TW, chia sẻ.

Là một bác sĩ từng ngày, từng giờ tiếp xúc với người bệnh tâm thần, bác sĩ Dương Văn Lương hiểu, cảm thông và xót xa với nỗi đau và sự mất mát về tinh thần với những bệnh nhân của mình: “Kể cả những bệnh nhân phạm tội nghiêm trọng nhưng khi đến với chúng tôi, chúng tôi coi họ là những người bệnh. Ở chỗ chúng tôi không có sự miệt thị và hà khắc. Chúng tôi chia sẻ với người bệnh. Đặc biệt, với những người phạm tội giết người, đa số họ giết người thân của mình trong khi phát bệnh nên bị chính người thân ruồng rẫy và xa lánh. Chúng ta phải hiểu cho họ. Ai cũng miệt thị họ làm sao còn con đường cho họ quay trở về”.

Trong thời gian giám định tâm thần tại Viện, đi kèm với người bệnh luôn có ít nhất 2 cán bộ công an của chính cơ quan chịu trách nhiệm về người bệnh cử đi cùng để hỗ trợ bác sĩ đề phòng nhiều trường hợp người bệnh quá hung hãn. Đại úy Phạm Văn Từ đưa một phạm nhân từ Cao Bằng xuống Viện tâm sự: “Biết các bác sĩ đã quá vất vả, chúng tôi cũng cố gắp giúp đỡ mong được phần nào”. Những khi có sự chung tay của các chiến sĩ công an, các bác sĩ cũng bớt phần lo lắng.

Nhưng khi kết quả giám định kết luận bệnh nhân mang bệnh, nhiệm vụ lúc này dồn tất cả lên vai các bác sĩ ở Viện. Họ vừa phải điều trị, trông nom và xử lí mọi tình huống. Biết bao nguy hiểm rình rập, mà họ vẫng lặng lẽ đưa từng mảnh đời về với cuộc sống. Cứ mỗi khi một bệnh nhân bước ra khỏi cánh cổng sắt của bệnh viên, họ lại cảm thấy lòng mình nhẹ nhõm. Sẽ chẳng có người bệnh nào muốn quay lại nơi ấy cũng như những người bác sĩ ban phát tấm lòng nhân ái của mình mà không bao giờ cần lấy lại.

Bác sĩ Thịnh - Giám đốc trung tâm, tâm sự: “Ước mong lớn nhất của chúng tôi bây giờ là được quan tâm hơn đến đời sống của anh em bác sĩ ở Viện. Nhất là mong muốn có một không gian rộng hơn để nhận thêm bệnh nhân mới và nâng cao đời sống người bệnh”.

Thiết nghĩ những mong ước giản dị của họ cũng hoàn toàn chính đáng. Với những gì họ đang lặng lẽ cống hiến, họ thực sự là những người bác sĩ đặc biệt. Lắng nghe đôi điều tâm sự của họ, chợt thấy lòng bình yên lạ lùng giữa bộn bề cuộc sống trong những ngày giao nhau giữa năm cũ và năm mới.

                                                                             Thế Cường