1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chuyện những nhà khoa học rà phá thuỷ lôi (kỳ 1)

(Dân trí) - Công cuộc chống Mỹ cứu nước thắng lợi, không thể không kể đến công lao to lớn của các nhà khoa học Việt Nam, trong đó có lĩnh vực rà phá thuỷ lôi, bom mìn, chống phong toả trên sông, biển.

Dân trí xin giới thiệu một trong số những tập thể các nhà khoa học đó.

Kỳ I: Chế tạo và thử nghiệm T5

Ở nơi tình báo Mỹ không ngờ

Tôi cùng PGS, KS Đoàn Nhân Lộ theo cầu thang đầu toà nhà C9 đi lên sân thượng. Những ai từng đi dọc đường Giải Phóng, qua Đại học Bách khoa Hà Nội, đến gần cổng Pa-ra-bôn, đều dễ dàng trông thấy cái cầu thang lộ thiên xoắn tít này như một nét kiến trúc thanh thoát bay lên.

Từ trên sân thượng toà nhà C9, có thể nhìn khắp công viên Thống Nhất.

- Anh có hay bơi thuyền trên mặt hồ Bảy Mẫu không? - Tôi hỏi.

- Ít thôi, anh ạ. Đâu chỉ vài ba lần, dạo đang "tìm hiểu". Về sau, những lúc rỗi rãi, tôi thường đưa nhà tôi và cậu con trai Đoàn Chiến Vinh không phải đi bơi thuyền, mà là đi dạo bộ quanh bán đảo Phong Lan. Nhà tôi thích những cây ô rô, bỏng nổ được cắt, uốn rất khéo thành hình chim, thú. Con phượng kiễng chân, dang cánh sắp bay. Con cò co chân, vươn cổ. Và thần tình hơn nữa là con nai nghiêng đôi gạc, dường như đang ngơ ngác lắng nghe tiếng xào xạc đâu đây, một chân trước co lên như muốn bỏ chạy! Tôi thì lại ưa những cây thế, tuổi ngót trăm năm. Cây si dáng phượng vũ. Cây thông dáng trực siêu. Cây bỏng nổ dáng hạc lập. Và những cây sanh dáng mẫu tử tương thân hay phụ tử tương tuỳ.

Dạo ấy, cháu Vinh còn bé, nên chả chú ý gì đến những thứ mà bố mẹ cháu ưa! Cháu chỉ mải xem cá vàng bơi, nhìn con sóc ăn bí đỏ, chuối tiêu hay bầy vẹt mổ thóc. Những con vẹt đẹp quá chừng! Mỏ đỏ như quả ớt chín, mình xanh màu mạ non, ngực hồng, hai cánh vàng nhạt, cổ đen mịn. "Con vẹt học thuộc bài lắm phải không, hở bố?"; "Sao? Con bảo gì?"; "Người ta bảo học như vẹt, nghĩa là gì, bố nhỉ?" v.v. Nó cứ hỏi miết!

Anh Lộ bỗng ngừng kể về cậu con trai đầu lòng, quay sang hỏi tôi:

- Những năm chống Mỹ, anh có lần nào dạo qua công viên Thống Nhất không?

- Có, nhưng chỉ thi thoảng thôi.

- Anh có dạo bộ về phía Vân Hồ không? Phía những cây bạch đàn thân trắng bạc kia? Ngày ấy ở đấy có dựng lên mấy gian nhà khung sắt mái bạt, với mấy chục người thợ ngồi gò tôn, cuốn những cuộn dây điện hay hàn điện. Anh có dạo qua cũng không thể nghĩ rằng đó là một bộ phận của Xưởng Đóng tàu 3 từ Hải Phòng sơ tán lên! Chính tại đấy, chúng tôi đã hướng dẫn anh em công nhân đóng những con tàu T5 phá thuỷ lôi không người lái!

Chắc anh còn nhớ, đầu năm 1973, ngay sau khi ký Hiệp định Paris lập lại hoà bình ở Việt Nam, Henry Kissinger, Phụ tá của Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon, đã sang Hà Nội. Cùng đi với ông ta có William Salivan, Phó Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao. Thăm bán đảo Phong Lan trong công viên Thống Nhất, Salivan tỏ ra thích thú những cây cảnh cắt, uốn thành hình chim, thú và ngạc nhiên khi thấy, mặc dù máy bay B-52 ném bom trải thảm Hà Nội, những người trông coi công viên vẫn chăm bón, cắt tỉa cây, hoa, nuôi sóc, vẹt, cá vàng.

Tôi nghĩ, chắc hẳn Salivan sẽ còn ngạc nhiên hơn nếu được biết: Ngay trong cái công viên êm ả này, các kỹ sư và công nhân Việt Nam đã chế tạo tàu phá thuỷ lôi không người lái và, trên mặt hồ kia, đã thử nghiệm con tàu...

Chiếc xuồng máy trên hồ Bảy Mẫu

- Anh hãy kể lai thật tỉ mỉ cuộc thử nghiệm.

- Chúng tôi hạ thuỷ con tàu ngay chỗ nhà thuyền bên đường Đại Cồ Việt. Tàu mang tên T5, tức Tháng Năm, nhân kỷ niệm 78 năm Ngày sinh Bác Hồ 19/5/1968. Chúng tôi quen gọi là tàu, nhưng thật ra nó chỉ be bé như chiếc xuồng máy bốn chỗ ngồi mà nhà thuyền vẫn cho thuê, bởi vì, nó chuyên dùng để phá thuỷ lôi trên sông lạch, nên phải thật gọn nhẹ, có thể chở bằng xe tải tới những khúc sông bị thuỷ lôi phong toả.

T5 dài khoảng 4 mét, nhưng không có chỗ ngồi, không người lái. Thân tàu trông tựa quả dưa, chung quanh là một cuộn dây điện lớn. Khi đóng mạch, cả con tàu biến thành một nam châm điện. Mũi tàu hơi hếch, còn phía lái đằm hẳn trong nước. Chính tại chỗ gốc dừa kia, chúng tôi đứng điều khiển con tàu.

Sau khi nổ máy, anh thợ máy đậy nắp con tàu, khoá chặt. Rồi dùng sào đẩy nhẹ khỏi cầu thuyền. Lúc bấy giờ, người điều khiển mới khẽ ấn nút "tiến!" trên hộp lệnh, con tàu lập tức quay chân vịt, rùng mình một cái, tiến ra xa. Người điều khiển ấn nút "rẽ phải!", thế là con tàu xăm xăm tiến về phía đảo Hoang (đảo này về sau được đặt tên là đảo Hoà Bình). Đợi cho con tàu tiến tới gần đảo, anh bấm nút "rẽ trái!", thế là nó vòng sang phía có những cột đá trắng đỡ giàn hoa ăng-ti-gôn ở bờ hồ bên kia. Đó chính là "bãi thuỷ lôi"!

Người điều khiển ấn nút "phóng từ!". Qua ống nhòm, anh thấy ngọn đèn hiệu trên tàu nhấp nháy: tàu đang chấp hành lệnh. Một tiếng nổ, cột nước dựng lên trắng xoá - tất nhiên chỉ là trong tưởng tượng! Người điều khiển ấn nút "dừng!". Rồi anh ấn nút "tắt từ!" và nút "lùi!". Con tàu quay ngược chân vịt, lùi ra xa vùng đang nổi lên sóng lớn (trong tưởng tượng). Lát sau, nó lại tiếp tục tiến vào "bãi mìn" theo lệnh của người điều khiển, phá nổ thêm một số quả thuỷ lôi nữa, rà đi quét lại nhiều lần.

Xong nhiệm vụ, con tàu lướt qua bên ngoài bán đảo Phong Lan, đảo Dừa, và trở về nhà thuyền bên đường Đại Cồ Việt. Đến gần cầu thuyền, nó lượn một vòng, rồi dừng hẳn lại. Cuộc thử nghiệm nhằm kiểm tra con tàu có ăn lái hay không, việc truyền lệnh, nhận lệnh, chấp hành lệnh qua vô tuyến điện có gì trục trặc hay không.

Những năm chiến tranh, chẳng mấy ai thuê pê-rít-xoa. Nhà thuyền vắng ngắt. Trong công viên, đây đó mấy anh bộ đội lỡ độ đường, mắc võng dưới lùm cây, nằm nghỉ. Và mấy chú bé câu cá. Chẳng ai "rỗi hơi" chú ý đến cái xuồng máy hơi khác thường trên mặt hồ Bảy Mẫu. Tình báo Mỹ cũng không ngờ...

Chuyện những nhà khoa học rà phá thuỷ lôi (kỳ 1) - 1
KS Nguyễn Hữu Bảo, giới thiệu với TBT Lê Duẩn và Bộ trưởng Bộ GTVT Phan Trọng Tuệ về tàu phá thuỷ lôi không người lái. 

Vào tuyến lửa, tìm hiểu thực tế rà phá huỷ lôi

Như tôi đã nói - lời PGS, KS Đoàn Nhân Lộ - vợ chồng tôi có đứa con trai là Đoàn Chiến Vinh. Dạo đó, đi vào vùng khu Bốn cũ là đi vào tuyến lửa. Trước hôm lên đường, tôi đạp xe về Ân Thi (Hưng Yên) thăm nhà tôi. Cô ấy là cán bộ Trường Kỹ thuật Bưu điện, sơ tán cùng trường về đấy. Thấy tôi đột ngột đến giữa trưa ngày thường, nhà tôi lo lắng hỏi:

- Có việc gì thế, hở anh?

- Ngày mai, anh vào khu Bốn.

- Đi với đoàn nào?

- Đi với anh Nguyễn Hữu Bảo, chủ nhiệm công trình T5, và một số anh em bên Bộ Giao thông - Vận tải.

Nhìn nước da xanh xao của vợ, tôi ái ngại quá:

- Em sắp "vượt cạn", thế mà anh lại phải đi xa!

- Anh vào trong ấy có lâu không?

- Đến Tết dương lịch, chưa chắc đã về... Nếu sinh con trai, em hãy đặt tên nó là Đoàn Chiến Vinh, em nhé! Anh muốn kỷ niệm chuyến đi tham gia chiến đấu ở Vinh.

- Nhưng, nếu nhỡ ra...

- Không nên nói "nhỡ ra"! Em sinh con gái cũng tốt chứ sao, thật đấy mà! Con gái thì vẫn cứ đặt tên là Vinh, nhưng lót bằng tên Oanh của em: Đoàn Thị Oanh Vinh, em ạ!

- Oanh Vinh chả có ý nghĩa gì đâu! Thôi để em nghĩ thêm. Anh trao cho em toàn quyền quyết định chữ lót của con gái nhé? Miễn sao nó mang tên Vinh để ghi nhớ chuyến đi Vinh của anh, là được chứ gì?

Ngay chiều hôm ấy, tôi rời Ân Thi, đạp xe trở lại Hà Nội. Lúc bấy giờ, cán bộ đi công tác khu Bốn được mua ở cửa hàng Phan Bội Châu một số mặt hàng "đặc biệt" như lương khô, đồ hộp Trung Quốc, và một ít muối vừng lẫn lạc rang đựng trong những cái túi nhựa trong. Tôi vẫn nhớ loại thức ăn dân dã ấy: Cứ mỗi lần chờ phà, cả bọn lại lôi mấy cái túi nhựa trong ra, lắc lắc cho lạc nổi lên trên, rồi hớt lấy ăn, cuối cùng, vào đến Vinh thì chỉ còn lại những gói muối vừng hơi... bị mặn!

Khi tôi đang ở Vinh, nhà tôi sinh con trai: cậu bé Đoàn Chiến Vinh.

(Còn nữa)

Hàm Châu