1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Chợ người” mùa APEC

(Dân trí) - Chiếc xe buýt đỗ xịch tại trạm dừng trên phố Phạm Ngọc Thạch. Một nhóm người lam lũ vội vã túa xuống xe, nhanh chóng tản về phía chân cầu Trung Tự. Họ là những người cuối cùng của “chợ người SEIYU” (lấy theo tên một siêu thị gần đó) vẫn “bám trụ” với thủ đô để tiếp tục hành nghề cửu vạn trong mùa APEC.

Tan tác chợ người

 

Cách đây chỉ hơn tháng, cứ khoảng 8 giờ đến 12 giờ mỗi ngày lại có những chuyến xe như thế dừng ở trạm mang theo những lao động đủ lứa tuổi từ các tỉnh Thanh Hoá, Nam Định, Thái Bình… lên Hà Nội tìm kế sinh nhai. Họ tụ tập dọc theo cầu Trung Tự và chờ người tới “mua”. Tuy nhiên mấy hôm nay mọi chuyện đã khác hẳn.

 

Sáng 10/11, trong bộ dạng dáo dác tìm kiếm thuê người, tôi tấp vào khu vực được mệnh danh là “chợ người” trên cầu Trung Tự. Thấy tôi có vẻ sốt ruột vì không thấy thợ đâu, bác vá xe đang nằm dài trên vỉa hè bật dậy: “Tìm người phá dỡ phải không? Dạo này công an họ làm kinh quá, tụi nó tụ tập kín đáo lắm. Cứ hỏi thằng kia kìa, nó chỉ cho”, nói rồi bác sửa xe chỉ về hướng một thanh niên có gương mặt khắc khổ đang dựa lưng vào thành cầu dáng vẻ thảnh thơi như đang đứng ngắm thành phố.

 

- “Anh cần người giúp việc à? Việc gì? Bao nhiêu người, em tư vấn luôn cho”.

 

- “Đào móng nhà, cần chừng 4 người thôi!”.

 

Chưa để tôi nói dứt câu, người này đã ngoắt tay một nhóm đang đứng ngồi vạ vật trong quán nước gần đó. Quay sang tôi, anh ta phân bua: “Anh thông cảm, đang đợt APEC, công an làm kinh quá nên bọn em phải tản mát như thế. Chằng bù cho ngày trước, ngồi rệ đít cả ngày cũng chả ai nói gì.”.

 

“Làm ăn khó khăn như thế, khách muốn gọi nhiều người thì làm thế nào?”. “Trông thế thôi, anh muốn gọi chục thằng cũng được, nhưng anh phải đợi để bọn em gọi về. Cấm là chuyện của chính quyền chứ bọn em chả thằng nào dại dột mà về nhà đâu”. “Giá cả thế nào?”. “120 nghìn”. Chưa để tôi kịp nói, anh ta lại tiếp tục “bài” APEC: “Đang đợt APEC khó khăn, ít việc, giá cả tăng cũng là đương nhiên”… 

 

Chợ người gầm cầu vượt Mai Dịch trước kia luôn là “điểm nóng” về tình trạng người lao động tụ tập đợi việc. Nhưng mấy hôm nay lại khác hẳn. Suốt đoạn đường từ ngã ba Phạm Văn Đồng - Doãn Kế Thiện đến chân cầu vượt không thấy một gương mặt thành viên nào của chợ người. Bà Kiệm bán nước gần đó chẹp miệng: “Bọn họ đi chạy APEC hết rồi. Trước đây ít hôm, ở khu vực này còn sầm uất lắm, kẻ chào người bán không thua gì phiên chợ thực sự…”.

 

Chỉ mong… chóng hết APEC

 

Đảo lên khu chợ người cầu Mai Động, cứ nhìn bề ngoài, tôi nhận định khu chợ này cũng cùng chung số phận với chợ người Mai Dịch. “Chú tìm người làm thì ra Lạc Trung mà tìm, chúng nó dạt về đấy hết rồi”, một bác xe ôm cho biết như vậy.

 

Quả đúng như vậy, ngay phía đầu đường Lạc Trung lúc này đã có 5-6 người bề ngoài lam lũ đang đứng ngồi vạ vật. Người nào người nấy đều tỏ ra mệt mỏi nhưng chỉ thoáng thấy có xe nào chạy chậm lại thì hoạt bát hẳn lên. Đây đích thị là những thành viên của chợ người cầu Mai Động.

 

Anh Nguyễn Văn Đức (ngụ tại huyện Tĩnh Gia, Thanh Hoá) một người có thâm niên gần chục năm làm cửu vạn, cũng từng trải qua không biết bao đợt ra quân của chính quyền than thở: “Không gì khổ bằng những ngày chiến dịch “dọn dẹp” trước hội nghị lớn. Cứ đến những ngày đó là anh em chúng tôi lại sơ tán mỗi đứa một nơi. Đứa thì ra Đồng Xuân gánh hàng thuê, đứa thì tìm đường sang Bát Tràng bốc cát. Nhưng nói chung mấy cái đó chỉ có thời vụ thôi vì thu nhập thấp lắm. Chỉ còn mấy anh em đây bám trụ tại điểm cũ, mong kiếm được ít tiền sống thoi thóp qua cái đợt khó khăn này. Hy vọng hết APEC chúng tôi lại được tự do hoạt động như trước”.

 

Tình trạng hoạt động thậm thụt “nửa kín nửa hở” này không chỉ diễn ra tại hai “chợ người” trên phố Phạm Ngọc Thạch, Phạm Văn Đồng. Tại hầu hết các khu chợ người trên đường Nguyễn Trãi, Nguyễn Văn Cừ, Hạ Đình, Bưởi… bề ngoài đều khá im ắng nhưng chỉ cần có người rà xe chạy dọc lề đường là có ngay những cú ngoắt tay, nháy mắt rất điệu nghệ.

 

Mánh khoé phổ biến của những người này là cắt cử riêng một người, ăn mặc càng lịch sự càng tốt đứng ra làm cò mồi kiêm luôn thoả thuận giá cả, thấy hợp giá là gọi thêm chiến hữu. Đây chính là nguyên nhân khiến chính quyền các địa phương gặp khó khăn trong việc giải toả những khu chợ tập trung lao động phổ thông - một hình ảnh không mấy đẹp mắt của thủ đô…

 

Phúc Hưng