1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Cà phê Việt ở New York

Đãi cô bạn gái vừa tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật ở New York, nhóm sinh viên VN dẫn chúng tôi tới một nơi “đặc biệt”. Đó là một quán ăn Việt ở nơi sang trọng, lịch sự nhất - số 345 đường Greenwich, bán đảo Manhattan.

Gọi là quán cho dân dã, thật ra Việt Càfê là một tổ hợp hàng ăn và phòng tranh mà mặt tiền trên 12m và sâu hun hút, phía dưới có hầm để vật tư và xe.

 

Ở đây có cà phê, trà nước và nhiều món ăn đặc sản của cả ba miền nước Việt như: chả giò, phở, chả cá, bánh bèo, cà tím nướng dầm nước mắm... Bên cạnh là gallery tranh, ảnh nghệ thuật với nhiều hoành phi, câu đối, tượng gỗ cổ, chum vại.

 

Đến đây như gặp lại ngõ cổ, đền xưa VN. Nón trắng, áo dài, cây tre, nụ cười cô gái Việt... Bàn ghế gỗ cách tân cùng với đèn lồng cũng tân cách. Bảng hiệu chỉ hai chữ giản dị, Việt Càfê.

 

Chủ quán vừa là bếp chính vừa quản lý 35 người, trong đó có bốn người Việt nấu nướng và phục vụ. Nhìn bà Cao Trần Lan khoác tạp dề, thật khó tưởng tượng người phụ nữ 52 tuổi này từng tốt nghiệp đại học ngành tin học, thạc sĩ kinh tế, từng sống ở Úc 18 năm, ở New York 15 năm và nhiều kinh nghiệm làm việc trong ngành ngân hàng.

 

Sinh trong một gia đình nề nếp có 11 con, quê gốc Hà Nội, bà Lan biết và mê nấu nướng từ nhỏ. Ở New York cũng có nhiều quán Tàu nấu món ăn Việt nhưng không hoàn toàn VN, pha chế, hương vị loạn xị.

 

Nhiều người Mỹ thường khen món ăn Việt. Du khách đến VN cũng một phần vì ẩm thực. Bà Lan muốn làm ẩm thực với mục đích giới thiệu văn hóa. Khách Mỹ ở đây có tiền, có trình độ rất cao. Bởi vậy, món bình dân nhất cũng cần có văn hóa.

 

Cái gì khó nhất và cái gì dễ nhất với bà trong nghề nhà hàng? Bà Lan cười: cái gì cũng khó. Yêu thích và xác định rõ mục đích thì sẽ làm được, nhưng cũng phải "trầy da tróc vẩy". Bà Lan đã đi khắp thế giới, tiếng Anh, tiếng Pháp và văn hóa Mỹ không lạ gì.

 

Nhưng làm thế nào để người Mỹ ấn tượng về VN khi đến đây? Bà về VN như đi chợ, chở bàn ghế, bát đĩa sang. Bố trí trang hoàng thế nào để khách Mỹ thật ấn tượng vì 90% khách ở đây là người Mỹ. Chọn cái đèn, lọ cổ đến tấm hình trên tường. Nhìn bà là biết chủ nhân rất am hiểu nghệ thuật. 

 

Vậy mà Việt Càfê phải hai năm mới khai trương được vì khu này quá sang, thiết kế lò nướng bị kiện phải sửa, phải cãi, phải thuê luật sư. Bởi một quán ăn VN tồn tại ngay đường phố sang trọng, rất nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng cư ngụ, lại do một phụ nữ VN đảm trách là xưa nay hiếm. 

 

Thế rồi Việt Càfê vẫn ra đời. Rất nhiều báo ca ngợi. The New York Times viết và chụp hình bà. “Việt Càfê là quán VN đầu tiên ở New York đúng là ẩm thực VN”. Rất nhiều khách Mỹ đến ủng hộ bà. Có bữa họ mời 90 người cùng vào quán một lúc.

 

Bà Lan không chỉ giới thiệu ẩm thực Việt mà còn tổ chức rất nhiều hoạt động sau các món ăn. Vào dịp tết âm lịch, bà tổ chức dạy, giảng giải cho một số con lai, trẻ em kiều bào bày bàn thờ, tổ chức ngâm thơ Hồ Xuân Hương, dạy đàn tranh.

 

Ba mẹ các em, kể cả Mỹ và Việt, rất cảm ơn bà.  Ngày 30-4 bà phối hợp với nhiều học giả, tổ chức xã hội chiếu phim chiến tranh VN, triển lãm ảnh VN đổi mới. 

 

Phòng tranh của bà thường xuyên giới thiệu tranh ảnh về sinh hoạt người Việt. Nhiều người Mỹ rất ngạc nhiên, xúc động chân thành thốt lên: “Tôi chỉ nghĩ VN giỏi trong đánh giặc, không ngờ ảnh và tranh rất độc đáo. Món ăn thì tuyệt vời”.

 

Bà Lan cười rất vui và tự hào. Đó là thành quả bà gặt hái được sau rất nhiều "khởi đầu nan". Riêng tiền thuê quán đã là 12.000 USD mỗi tháng, chưa kể thuế và nhiều thứ khác phải đóng góp. Vất vả nhất là phải trả lương nhân viên người Mỹ,  45.000 - 50.000 USD/năm cho mỗi người chưa chắc đã giữ được.

 

Bà Cao Trần Lan tâm sự: “Tôi mong muốn Việt Càfê sẽ làm cho người Mỹ ngạc nhiên, không chỉ vì ẩm thực mà phải là nơi tập hợp để người ta ngẫm nghĩ về một nền văn hóa độc đáo và người Việt tài hoa”.

 

Theo Tô Minh Nguyệt

Tuổi Trẻ