1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bốn anh em mồ côi và giấc mơ tới trường

(Dân trí) - Cha mất chưa đầy năm bởi căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS, mẹ cũng vội vàng ra đi. Bốn anh em Trần Văn Ninh ở thôn Ngụ Quế, Cẩm Vịnh, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh như đàn gà con mất mẹ, bơ vơ giữa dòng đời. Đứa lớn nhất mới 15 tuổi, cương quyết: Việc gì cũng làm, miễn là lương thiện, để 3 em tiếp tục được đến trường.

“Mồ côi tội lắm ai ơi!”

 

Chúng tôi về thôn Ngụ Quế lúc chiều muộn đã buông. Thôn nghèo của vùng đất Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh quạnh buồn. Trong căn nhà trống hoác lạnh lẽo hai di ảnh thờ, bên mâm cơm quá đạm bạc, em Trần Văn Tĩnh (8 tuổi) cùng bà ngoại Nguyễn Thị Quý đã gần 80 tuổi đang ngồi đợi các anh chị đi làm đồng về cùng ăn tối. Cụ Quý chỉ lên bàn thờ: “Đấy là ảnh của bố mẹ chúng nó, đều chết vì AIDS. Tôi giờ như chiếc lá vàng không biết bao giờ rơi, chỉ tội các cháu…”.

 

Năm 2000, con rể cụ Quý rời quê và Phú Quốc làm ăn. Năm 2003 anh trở về, ốm quặt ốm quẹo thời gian rồi qua đời. Đó là hậu quả của những năm đi làm ăn xa, không tránh khỏi cám dỗ của ma túy, anh bị nhiễm HIV. Nghiệt ngã hơn, anh đã truyền căn bệnh này sang vợ, một người đàn bà thuần nông, cả đời không ra khỏi luỹ tre làng.

 

Hơn một năm sau ngày chồng mất, chị Nguyễn Thị Tuyết cũng qua đời, bỏ lại bốn đứa con côi cút, không nơi nương tựa. Bốn anh em, đứa lớn Trần Văn Ninh sinh năm 1989, Trần Thị Thu sinh năm 1991, Trần Thị Hà sinh năm 1994, đứa nhỏ nhất Trần Văn Tĩnh sinh năm 1996, được bà ngoại đưa về nuôi.

 

Cụ Quý kể, giờ già yếu rồi, chân đi không vững nữa, chỉ trông coi được các cháu thôi, còn mọi việc lớn nhỏ trong nhà đều trông cậy vào cháu Ninh.

 

Là con cả trong gia đình, Ninh kiêm luôn vai trò trụ cột. Em phải bỏ học khi đang theo học lớp 9, lăn vào đời kiếm sống. Ninh bảo, để có tiền lo cho bữa ăn của bà, mình và các em, cậu vừa một mình cày cấy 5 sào ruộng bố mẹ để lại, vừa nhận làm thuê ở ngoài, ai thuê gì cũng làm. Có lần, mải khiêng đá, lại nhịn đói từ sáng đến chiều, Ninh quỵ ngay trên đống đá.

 

Tiền kiếm được em đưa cả cho bà dành dụm, chi tiêu cho gia đình và các em. Hai em Thu và Hà cũng chịu khó đi làm thêm, kiếm tiền phụ anh và bà. Thu kể, em thương anh trai một mình vất vả nên ngày nghỉ em vẫn dậy từ 5 giờ sáng, đi bộ ra thị xã Hà Tĩnh cách nhà hơn chục cây số, rửa bát hoặc nhặt phế liệu, một ngày cũng kiếm được chừng 15-20.000 đồng.

 

“Xã hội hãy thương lấy bọn trẻ”

 

Những đứa trẻ ở ngôi nhà ấy dù khó khăn vất vả nhưng rất ham học. Thu vẫn nhiều năm là học sinh giỏi, vẫn mong được đến trường hàng ngày, được vào đại học. Nhưng cuộc đời vẫn dành cho các em nhiều ánh mắt ghẻ lạnh, vì cha mẹ các em chết vì AIDS. Thời gian gần đây, mọi người cũng gần gũi với các em hơn vì bốn anh em đều đã được xã thử máu với kết quả âm tính.

 

Cụ Quý lo lắm, gần đây Ninh hay tâm sự muốn đi làm ăn xa vì ở nhà ít việc ra tiền. Cụ sụt sùi: “Nó còn trẻ người non dạ, đi xa không biết thế nào, nếu có việc gì tôi và các em nó chẳng biết trông cậy vào ai. Tôi đã gần 80, mai này nằm xuống không biết rồi đây tương lai các cháu sẽ ra sao. Tôi chỉ có nguyện vọng duy nhất xã hội hãy quan tâm, thương lấy chúng, đừng để chúng sống trong mặc cảm, khổ sở, để chúng có niềm tin vào tương lai”.

 

Bà ngoại kể, Ninh làm thuê mỗi tháng kiếm được 400 nghìn đồng, Thu với Hà làm thời vụ, mỗi ngày cũng được 5-7 nghìn đồng, còn lại cả nhà trông vào 5 sào ruộng. Cụ Quý than: “Năm nay mấy đứa trẻ chắc lại đói”. Trong nhà giờ chỉ còn cái sập gỗ là vật dụng duy nhất có giá trị, nếu bí quá thì cũng phải bán đi.

 

Ông Trần Văn Đức, Bí thư chi bộ thôn Ngụ Quế, cho hay: Các tổ chức đoàn thể của thôn, xã như Đảng ủy, Hội phụ nữ cũng đã có sự quan tâm đến các cháu nhưng cũng chỉ mức độ thôi. Một phần bởi chúng tôi không có nguồn nào cả để giúp đỡ các cháu. Nếu cứ tình trạng thế này, tôi lo nhất là chuyện học hành của các cháu sẽ không đến nơi đến chốn, tương lai các cháu cũng vì thế mà ảnh hưởng”.

 

Thái Sơn - Văn Dũng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm