1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bên bến đò Mẹ Suốt

(Dân trí) - Chúng tôi qua Bảo Ninh, quê mẹ Suốt vào một trưa hè nắng rát. Ngay gần cầu Nhật Lệ bắc qua sông Nhật Lệ (Quảng Bình) là con đường Mẹ Suốt, nơi đặt bức tượng mẹ Suốt. Hơn 40 năm trôi qua, mẹ Suốt không còn nữa, những kỷ vật gắn với hình ảnh mẹ cũng cái còn cái mất.

Con đò còn không?

 

Ngôi nhà của mẹ Suốt nằm ngay gần bến sông, được xây dựng khá khang trang. Trước đây, tại nơi này chỉ có một túp lều nhỏ. Mẹ Suốt nhiều năm phải đi ở, đến khi lấy chồng, mẹ mới bắt đầu nghề lặn lội làm nghề chèo đò ngang kiếm sống.

 

Ông Phạm Minh Khoát - Phó Bí thư, kiêm Chủ tịch xã Bảo Ninh - nhớ lại, khi còn nhỏ, ông và nhiều đứa trẻ khác thường là khách sang đò của mẹ Suốt. Trẻ con nghịch ngợm, bọn trẻ thường ăn gian, đi 5 người nhưng chỉ trả tiền 4 người. Mẹ Suốt biết giận lắm. Hồi đó, mỗi lần qua sông là phải trả mẹ 2 xu.

 

Con đò ngang của mẹ Suốt là loại đò chở được 20- 30 người. Có 2 người đưa đò, một người chèo tay, ngồi đầu mũi để chèo, còn một người ngồi sau để cầm lái. Người cùng chèo đò với mẹ Suốt là ông Chuyên và ông Đề. Cả 2 ông năm nay đều đã ở tuổi thất thập cổ lai hy.

 

Nói về con đò mẹ đã chèo năm xưa, ông Khoát buồn rầu: “Chiến tranh, rồi sau này khi giải phóng cũng không ai nhớ phải giữ lại để làm truyền thống nên con đò không còn nữa”. Hiện nay xã và tỉnh đang có dự định làm lại mô hình con đò đó. Bên bến sông, gần nhà mẹ Suốt, chúng tôi vẫn còn thấy neo bến một con đò, gần giống với con đò của mẹ năm xưa.

 

Anh Nguyễn Văn Hóa, con rể mẹ Suốt, hiện là Hiệu trưởng trường Trung học số 1 Bảo Ninh, cho biết: Kỷ vật còn để lại từ lúc mẹ Suốt chèo đò đưa bộ đội qua sông Nhật Lệ giờ chỉ còn cái nón rách, mái chèo và hũ gạo (đã đưa ra bảo tàng TƯ).

 

Mẹ Suốt mất khi nào?

 

Những năm 64-67, vùng Quảng Bình khói lửa chiến tranh rất ác liệt, hầu hết dân ở vùng này đều phải tản cư, chỉ còn bộ đội và dân quân trực chiến ở lại. Hàng ngày, mẹ Suốt đều chèo đò đưa bộ đội, thương binh, đạn dược qua sông.

 

Với việc làm dũng cảm đó, trong dịp Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 1966 tổ chức ở miền Bắc, mẹ Suốt được mời tham dự. Mẹ được chụp ảnh chung với Bác Hồ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, đại tướng Võ Nguyên Giáp... Mẹ Suốt được tuyên dương là anh hùng lao động ngành giao thông vận tải.

 

Cũng trong dịp này, nhà thơ Tố Hữu đã được gặp mẹ và hai năm sau đó (năm 1968), ông cho ra đời bài thơ xúc động Mẹ Suốt.

 

Ông Vũ Văn Hóa, con rể mẹ Suốt kể lại: “Khi bài thơ xuất hiện, mẹ tôi có được đọc. Đọc xong, bà khóc. Bà quá xúc động vì những vần thơ của Tố Hữu”.

 

Vào cuối năm 1968, khi chiến tranh trở nên ác liệt hơn, mẹ Suốt dừng chèo đò mà phải di chuyển lên vùng cao hơn, đoạn trên Phúc Hải. Trong một lần tham gia vận chuyển lương thực, mẹ Suốt hy sinh sau một loạt bom bi của địch. Mộ của mẹ được chôn ở thôn Trung Bính.

 

Những gì còn lại

 

Ông Trương Quang Giầu - nguyên Chủ tịch xã Bảo Ninh, hiện là Chủ tịch Hội Khuyến học xã - đưa chúng tôi ra chỗ bia công đức mẹ Suốt. Từ chỗ này, chúng tôi có thể nhìn thấy bức tượng mẹ Suốt ngay con đường mang tên mẹ bên kia sông.

 

Ông Giầu cho biết: “Hình ảnh mẹ Suốt được gắn với hình ảnh của Quảng Bình và Bảo Ninh. Chúng tôi cố gắng xây dựng lại những gì về mẹ Suốt cho thật có ý nghĩa”.

 

Trở lại ngôi nhà của mẹ, chúng tôi gặp cháu Trần Huy, con người con trai cả của mẹ Suốt. Trần Huy mang giấy chứng nhận là cháu ruột bà Suốt đi gõ cửa khắp nơi xin được ưu tiên điểm thi đại học nhưng chỗ nào cũng từ chối.

 

Ông Hóa đượm đôi mắt buồn: “Tôi không hiểu sao bây giờ trong sách dạy phổ thông, không còn những bài thơ như Mẹ Suốt hay Người con gái Việt Nam nữa. Người ta bỏ hết rồi, thay vào đó là những bài thơ nước ngoài rất khó hiểu”.

 

Mẹ Suốt có 3 người con (2 gái, 1 trai) và 10 cháu nội ngoại. Hầu hết các con cháu của mẹ đều phải tự bươn chải kiếm sống.

 

Từ Bảo Ninh trở ra bến đò gần chợ Hải Định, chúng tôi đứng dưới bức tượng mẹ Suốt. Bức tượng đã từng gây tai tiếng bởi bị nứt, vỡ ngay khi vừa khánh thành. Mẹ Suốt vẫn đứng đó, nhìn ra bến đò, nơi ngày xưa mẹ đưa biết bao người con qua dòng sông Nhật Lệ. “Tàu bay hắn bắn sớm trưa / Thì tui cứ việc nắng mưa đưa đò”.

 

Hiền Chi Mai