1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Vua lốp” và hành trình tìm công lý:

Bài 1: Từ kẻ tha hương trở thành ông chủ

(Dân trí) - Số phận thăng trầm của "vua lốp" Nguyễn Văn Chẩn có thể gói gọn trong hai chữ "oan nghiệt". Cuộc đời ông là cả một chuỗi bi kịch liên tiếp với ba lần vào tù ra tội đầy cay đắng. Từ hai bàn tay trắng, "vua lốp" gây dựng cơ nghiệp, trở thành người giàu có và rồi sa chân vào vòng lao lý mãi đến đổi mới, ông mới được minh oan.

"Gã" bần nông và chí làm giàu

Những năm 80, báo chí tốn không biết bao nhiêu giấy mực để nói về "vua lốp" Nguyễn Văn Chẩn. Hàng trăm bài báo viết về ông, về sự đi lên từ hai bàn tay trắng của một bần nông trở thành một tỷ phú, về nỗi oan trái của một gia đình làm giàu chân chính và đặc biệt là cuộc đấu tranh dai dẳng đòi lại công lý đến mức những lá đơn kiện chồng cao cả thước.

Chúng tôi tìm đến nhà ông trong làng Ngọc Hà (Hà Nội). Sau tất cả những thăng trầm khổ ải của đời người, "vua lốp" giờ đã ngoài 80, già yếu, những ký ức cũng phai nhạt, lúc nhớ lúc quên. Có lẽ sau bao nhiêu năm bị cuốn vào vòng lao lý, việc kiện tụng đã ngấm vào máu, nên ông vẫn lặng lẽ đọc những quyển sách luật như một thói quen trong một căn phòng nhỏ.

Sinh trưởng ở vùng quê Nga Sơn, Thanh Hoá quanh năm nghèo đói, vợ chồng cố nông Nguyễn Văn Chẩn quanh năm quần quật khuya sớm tảo tần “mặt đất lưng giời”, nhưng không bứt ra được cảnh nghèo túng. Ngày ấy, nhà ông nghèo tới mức cả nhà chỉ trông chờ vào ao rau muống xanh lè bèo tấm.

Nghèo đói, nhưng trong lòng người tá điền không thôi nung nấu ý định làm giàu, thoát khỏi cảnh bần hàn. "Muốn giàu chỉ có cách lên Hà Nội, làm cái "chi" (gì) cũng ra tiền", gã trai trẻ luôn tự nhủ lòng như thế.

Ý nghĩ "ra Hà Nội làm giàu" ngày càng ăn sâu vào tâm trí, ám ảnh cả trong những giấc ngủ, để rồi một ngày kia anh thuyết phục vợ bán bằng được cái ao. Tiền bán ao, anh mang một nửa ra Hà Nội "gây dựng cơ đồ". Đó là năm 1954, anh nhất quyết dứt áo ra đi tìm đường làm giàu, bỏ lại vợ con cơ cực ở nhà xoay trần với một nửa số tiền bán được từ ruộng rau.

Khi đó bà con trong làng kháo nhau: "Thằng Chẩn bỏ đi làm giàu rồi", không mấy ai hi vọng được gì nhiều từ anh Chẩn quê mùa chất phác.

Cơ duyên với lốp

Sau này, trong tác phẩm "Lời khai của bị can" in trên báo Văn nghệ của nhà văn Trần Huy Quang, ông Chẩn kể lại những việc mà ông cho là "tiền định". Lần đầu đặt chân đến đất kinh kỳ phồn hoa náo nhiệt, xuống ga Hàng Cỏ vào lúc trời sẩm tối, người đông như chợ, phố phường đèn điện sáng trưng, hàng quán nhiều vô kể, ông không khỏi choáng ngợp. "Giờ đi đâu?", ông tự hỏi mình. Thôi thì cứ đi, lúc nào mỏi chân thì đứng lại xem, hoặc ngồi phệt xuống vỉa hè mà nghỉ.

Bước chân vô định đưa anh nhà quê ngu ngơ tới phố Hàng Da, nơi sản xuất và bày bán các loại đồ da, đặc biệt là các loại dép lốp (một loại dép được sản xuất bằng nguyên liệu chính là lốp ôtô cũ) đang rất thịnh hành thời bấy giờ. Có năm bảy cửa hiệu vừa bày bán vừa làm dép lốp. Sau kháng chiến chống Pháp, dép lốp Bình Trị Thiên đang thịnh.

Chẩn lân la vào các quầy làm dép, học mót việc. Thợ ở đây thao tác như múa, bóc lốp cắt dép nhoay nhoáy. Nhìn thì dễ, nhưng bắt tay vào làm mới thấy không hề đơn giản. Đến một cửa hàng, còn đang vẩn vơ thì chủ hàng - sau này là bạn tâm giao với ông - cho ông tá túc và ăn uống.

"Sau này nghĩ lại, mới thấy tôi như người chết đuối, mà anh ấy là người vớt lên. Tôi mãi mãi nhớ ơn anh ấy. Tôi đang ngần ngại, tuy cùng đường nhưng cũng còn biết tự trọng. Người chủ nhà hình như hiểu nên cứ lôi tôi vào ăn cơm. Tôi ở nhà anh ấy mấy năm rồi mới mua được nhà. Đối với tôi, anh ấy lúc đầu là chủ, sau là bạn, bạn chí cốt từ bấy đến nay, năm chục năm. Nay anh ấy đã có cháu nội, cháu ngoại, hiện ở Sinh Từ", ông Chẩn nhớ lại.

Trả nghĩa làng quê

Số tiền có được từ ao rau muống cứ vơi dần từng ngày. Năm lần bảy lượt ông Chẩn xin việc mấy nơi đều bị loại vì tay nghề còn quá non yếu. Cuối cùng, ông được nhận vào làm không công ở một hiệu cuối phố.

Những công việc diễn ra hàng ngày, dần cũng trở nên đơn giản hơn. Chẩn cần mẫn không biết mệt mỏi. Ông tập bóc lốp một cách say sưa. Dần dà, bắt đầu có tay nghề và chỉ vài tháng sau, vốn tính tháo vát, biết việc, ông đã được xếp vào hàng những tay thợ có ngón nghề lão luyện nhất của xưởng làm dép. Có việc thì có tiền, không tiêu gì thì tích luỹ.

"Được sáu tháng, tôi có một ít tiền, trả tiền cơm một nửa, một nửa chịu, tôi về quê. Làng đang vụ giáp hạt, đói lắm. Tôi biếu bà con nội ngoại không sót ai, người một đồng, người vài đồng, rồi dắt díu vợ con ra Hà Nội", ông kể. Năm ấy là 1958.

Ông chủ dép lốp xứ Hà Thành

Ông Chẩn khá đông con cái, đến giờ tất cả đã trưởng thành, nhiều người đã ở tuổi trung niên. Trong ký ức của các con ông thì cha mẹ họ là hình mẫu của sự phấn đấu không mệt mỏi. Sau hơn một năm trời làm dép lốp cật lực và tiết kiệm từng đồng, hai vợ chồng  Nguyễn Văn Chẩn đã có một số vốn kha khá.

Ông mua một căn nhà nhỏ và làm xưởng sản xuất. Bấy giờ, dép của ông được đưa đi khắp hang cùng ngõ hẻm của Hà Nội, rồi lan toả khắp miền Bắc đến Hải Phòng, Quảng Ninh, vào tận Thanh Hoá, Nghệ An... Ông trở thành ông chủ dép lốp có tiếng ở Hà Nội lúc nào không hay. Những đơn hàng cứ tới tấp đưa tới, khắp nơi đặt mua. Xưởng dép phát triển vùn vụt.

Đúng lúc công việc làm ăn trở nên thuận lợi nhất, lên như diều gặp gió thì nguồn nguyên liệu lại trở nên khan hiếm. Lốp phế thải không còn dễ mua như trước. Mặc dù vậy, nhờ có "mẹo" thu mua nên nguồn hàng của ông Chẩn vẫn khá dồi dào.

Nhưng rồi thời của dép lốp cũng dần qua. Thay vì phải đi đôi dép nặng trịch, người ta chuộng loại dép tông Thái, những đôi dép nhựa Tiền phong hay dép rọ kiểu Trung Quốc. Những đôi dép lốp của ông mất dần chỗ đứng trên thị trường. Đang lao đao vì "dép với lốp" thì sự tình cờ lại đưa đẩy ông sang một lĩnh vực mới: Làm bút.

Một lần, ông phải mua chiếc bút với giá chợ giời đắt gấp ba lần so với giá phân phối ở cửa hàng. Cực chẳng đã, ông tháo chiếc bút ra nghiên cứu và nhận ra chẳng có gì là khó để làm ra nó.

Bút cũng làm ông phất lên, trở nên giàu có. Đã có một thời thứ bút mang kiểu dáng Trường Sơn bán với giá rẻ được bày ở khắp các cửa hàng bách hoá. Nhưng ông Chẩn không ngờ rằng đây chính là điểm bắt đầu cho chặng đường đời chông gai nhất ông từng biết. Chặng đường ấy dài như bất tận, trải đầy những máu lẫn nước mắt, cay đắng và xót xa.

Bài 2: Vào tù vì tội... làm giàu

Lê Bảo Trung