Ấm áp tình người Hội An
(Dân trí) - Sự kinh hoàng và sức càn quét khủng khiếp của cơn bão Xangsane vẫn là “đầu câu chuyện” của người dân phố Hội. Nhưng trong những ngày này, đi giữa lòng phố cố, du khách vẫn tìm thấy sự bình yên vốn có.
Nếu đây đó trên những ngả đường không còn những ngôi nhà bị tốc mái, những bảng hiệu xiêu vẹo và cây đa cổ thụ bật gốc nằm ngay góc chợ, người ta không thể tin rằng, chỉ mấy mươi giờ đồng hồ trước đây thôi, phố cổ vừa phải quằn mình trong cơn bão lớn.
Điều kỳ diệu nào đã níu chân du khách lại với thành phố trong những ngày bão tố? Điều gì đã khiến cho nhiều người khác xứ mới một lần đến đã vội vã trở lại để sẻ chia với phố nỗi đau Xangsane?
Không chỉ là những mái ngói cổ xưa mà rêu phong đã thở trên mảng gạch âm dương đã mấy trăm năm. Không chỉ là biển đảo Cù Lao Chàm xanh ngút ngàn với vẻ đẹp hoang dã vẹn nguyên hay những khu resort duyên dáng, hiện đại bên bờ Cửa Đại. Không chỉ là tô cao lầu hấp dẫn với những sợi vừa mềm vừa dai chẳng nơi nào có được… Thổi trong hồn phố rêu phong là tình người quá nhiều ấm áp, để du khách đến đây chỉ một lần là nhớ mãi, và cứ muốn trở lại thăm “người quen” ở phố.
Người Hội An, mặc cho bao đổi thay thăng trầm của cuộc sống, vẫn giữ nét chất phác “thiệt tình”. Có người từng nói, chẳng nơi đâu dễ tìm thấy nụ cười như ở Hội An. Trong lúc nói chuyện với chúng tôi, F.Selwyn, một du khách đến từ Tây Ban Nha đã ví von: “Đi trên đường phố Hội An, tôi bắt gặp những nụ cười bén rễ từ trong tim của những người lạ”.
Và trong những điểm du lịch hấp dẫn trên khắp dải đất hình chữ S này, Hội An vẫn là nơi có lượt du khách “quay trở lại lần thứ hai, lần thứ ba…” nhiều nhất. Du khách kể rằng, nơi đây, khi bạn cần hỏi đường, bạn sẽ được dẫn đến tận nơi cần đến. Khi bạn để quên túi du lịch ở đâu đó, hãy quay lại, nó vẫn còn nằm yên ở đó.
Theo dõi tin bão số 6, rất nhiều người nước ngoài hỏi thăm tình hình ở Hội An như hỏi về quê hương mình. Anh Đỗ Tử Thắng, chủ một cửa hàng lưu niệm và túi xách trên đường Lê Lợi cho biết: “Trong ba ngày qua, có rất nhiều bạn khách gửi e-mail về hỏi thăm gia đình tôi và phố cổ Hội An. Du khách đến rồi đi, nhưng nhiều người về nước vẫn liên lạc với chúng tôi”.
Hôm nay, những ngôi nhà cổ mấy trăm năm tuổi vẫn yên bình qua cơn bão dữ. Và người phố Hội vẫn nở nụ cười sau bao nhiêu đau thương mất mát.
Khánh Hiền
(VP đại diện miền Trung)