1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vụ kỳ án trong lịch sử tố tụng:

200 nghìn đồng và 4 tháng tù giam

(Dân trí) - Đầu năm 2000, một vụ án chấn động dư luận, gây sự chú ý không chỉ trong quần chúng nhân dân mà còn tạo sự bức xúc tại diễn đàn Quốc hội. Đó là "kỳ án" Dương Thị Nga, một phụ nữ ở xã Chiềng Sơ, huyện Sông Mã, (Sơn La) lên bệnh viện điều trị u bướu đã bị bắt về “hành vi lừa đảo” 200 nghìn đồng?.

Chiều ngày 31/12/1999, một người đàn ông đen gầy, gương mặt khắc khổ đến toà soạn báo Gia đình & Xã hội ở 138A Giảng Võ (Hà Nội) kêu oan cho vợ là Dương Thị Nga, 47 tuổi, đang đi khám khối u tại Bệnh viện K thì bị bắt, bị kết án tù giam 4 tháng chỉ vì một lời khai vu vơ rằng bà Nga có vay nợ ai đó 200 nghìn đồng.

Người đàn ông này nói vo, không mang theo một giấy tờ, một tài liệu gì nhưng dòng nước mắt ròng ròng chảy trên mặt cho tôi hiểu rằng ông đang nói sự thật.

Báo chí vào cuộc

Sáng hôm sau, Tổng biên tập Trần Quang Quý gọi tôi:

- Tòa soạn vừa tiếp nhận hồ sơ một vụ án rất lạ lùng mà theo tôi thì chúng ta nên điều tra làm rõ.

Gọi là hồ sơ vụ án nhưng vẻn vẹn chỉ có trích lục bản án hình sự của TAND quận Hoàn Kiếm, tuyên phạt bà Dương Thị Nga 4 tháng tù giam về tội: "Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của công dân". Ngoài ra, còn có 2 trang, bút tích của nhà báo Xuân Ba, ghi lại lời của ông Dương Văn Thực - chồng bà Nga (chính là người đàn ông tôi đã gặp chiều hôm qua).

Tôi cùng hai phóng viên trẻ Ngọc Đức, Huy Minh chia nhau mỗi người đi một hướng để điều tra. Tôi và Ngọc Đức vào bệnh viện K, đến Công an quận Hoàn Kiếm (nơi ra lệnh bắt khẩn cấp bà Nga, đến Viện Kiểm sát và TAND quận Hoàn Kiếm. Huy Minh tìm gặp bà Nga tại buồng giam 33, trại giam Cầu Diễn, lúc này bà Nga đang mặc áo tù số 5848.

Sự băn khoăn của luật sư

Chiều 11/1/2000, khi báo GĐ&XH đang lên khuôn kỳ đầu tiên về vụ án này thì một đồng nghiệp của chúng tôi gọi điện tới toà soạn báo tin: "TAND TP Hà Nội đã ra lệnh tạm tha bà Nga. Phải tạm tha tức là họ cảm thấy có sai lầm rồi. Sáng nay, liên ngành Công an, Kiểm sát và toà án Hoàn Kiếm đã họp rất lâu về vụ án này. Vì thế, hồ sơ vụ án có thể sẽ được sửa chữa, thậm chí được làm lại".

Thấy tình hình vụ án có chiều hướng phức tạp, chúng tôi đề nghị toà soạn mời một cố vấn pháp lý. Đó là ông Nguyễn Hồng Vinh - Tiến sĩ Luật, Kiểm sát viên cao cấp, Phó Hiệu trưởng thứ nhất, trường Cao đẳng Kiểm sát.

Sau khi đọc hồ sơ vụ án và nghe băng ghi âm của nhóm phóng viên điều tra, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vinh nói:

- Điều khiến tôi băn khoăn là tại sao bà Nga không chống án. Thường là người bị oan sẽ chống án ngay tại toà. Trong hồ sơ không có chi tiết này, hoặc là thư ký toà không ghi hoặc là Nga sợ quá, lại ít hiểu biết luật pháp nên không chống án.

Tôi đề nghị sáng mai, toà soạn phải cử phóng viên đi Hải Dương ngay để điều tra về bà Phạm Thị Lê - người đã khai là có cho bà Nga vay 200 nghìn đồng. Yêu cầu phóng viên hỏi cho được hai điều: Thứ nhất, nhân thân bà Phạm Thị Lê như thế nào, tốt hay xấu? Thứ hai, bà Lê cho bà Nga vay tiền ở đâu? Ai làm chứng?

Trong băng ghi âm của Ngọc Đức mang về, Trưởng Công an xã nhận xét bà Phạm Thị Lê là người lăng loàn, đánh chửi cả mẹ chồng và hay ăn cắp vặt vãnh, khi thì trái cây, khi thì củ khoai ngoài đồng. Còn chuyện cho vay tiền, bà Lê nói: "Tôi cho bà Nga vay tiền ngoài đường, có ai biết đâu mà làm chứng, còn người đi đường thì khối".

Nghe băng ghi âm, Tiến sĩ Hồng Vinh nói:

- Rõ rồi. Đây là vụ án không nhân chứng không vật chứng và trách nhiệm của Kiểm sát viên là rất nặng. Nhưng tôi cảm thấy vụ án này rất phức tạp. Vì thế báo chí vừa phải kiên trì, vừa phải dũng cảm.

Cuộc truy tìm chứng cứ

Ngày 13/1/2000, báo GĐ&XH đăng bài điều tra đầu tiên về vụ án này. Trong đó, báo công bố một tài liệu mới nhất mà nhóm phóng viên điều tra mới có được.

Đó là giấy xác nhận của Trưởng công an xã Chiềng Sơ, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La (nơi bà Nga đang cư trú) xác nhận rằng từ ngày 1/10/1999 đến hết ngày 13/10/1999, bà Dương Thị Nga đang có mặt tại bản Chiềng Sơ. Ngày 14/10/1999, do vết mổ bị tái phát, bà Nga mới về Hà Nội khám bệnh.

Trong hồ sơ vụ án, bà Phạm Thị Lê khai là cho bà Nga vay 200 nghìn đồng vào 3 giờ sáng, ngày 13/10/1999. Như vậy, giấy xác nhận của công an xã Chiềng Sơ là một tài liệu cực kỳ quan trọng, vì đó là một chứng cứ ngoại phạm của bà Dương Thị Nga.

Chiều 13/01/2000, khi làm việc với chúng tôi, Thẩm phán Vũ Ngọc Tuyên - Chánh án TAND quận Hoàn Kiếm nói rằng: "Chính tôi ngồi ghế Chủ toạ phiên toà xét xử vụ án Dương Thị Nga nhưng trong hồ sơ Viện Kiểm sát chuyển sang không có giấy xác nhận của công an Chiềng Sơ. Nếu có thì tôi đã cho đình chỉ ngay phiên toà đó".

Theo ông Dương Văn Thực (chồng bà Nga) thì ngày 18/10/1999, ông đã trực tiếp gặp Công an quận Hoàn Kiếm để nộp tờ giấy xác nhận nói trên. Vậy, văn bản đó chìm đi đâu?

Hai sự kiện quan trọng

Cũng trong ngày 13/1/2000 ở Hà Nội đã xảy ra hai sự kiện liên quan đến vụ án này.

Sự kiện thứ nhất - sáng 13/1/2000, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu dự Hội nghị toàn ngành Công an. Nói chuyện với Hội nghị, Tổng Bí thư đã nhắc nhở ngành Công an về vụ án Dương Thị Nga và nói: "Nếu đúng như báo chí đã nêu thì đây là một vụ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng".

Từ Hội nghị ngành Công an về, đồng chí Lê Khả Phiêu đã ghé qua Văn phòng Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Văn phòng Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh và Văn phòng Chính phủ trực tiếp gặp Thủ tướng Phan Văn Khải. Ở cả ba cơ quan nói trên, đồng chí Lê Khả Phiêu đều đề nghị phải quan tâm giải quyết thật đúng đắn vụ án này.

Chuyện này, mãi ngày 18/6/2000 tôi mới được nghe chính đồng chí Lê Khả Phiêu kể lại, khi tôi trực tiếp phỏng vấn Tổng Bí thư về công tác báo chí.

Sự kiện thứ hai - đêm 13/1/2000, 2 chiếc ôtô chở một đoàn người lên Chiềng Sơ, mời Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch xã, Trưởng Công an xã cùng 4 người hàng xóm của bà Dương Thị Nga về một ngôi nhà rất yên tĩnh ở phố Phan Đình Phùng để phỏng vấn và quay video xem bà Nga có ngoại phạm thật không? Chuyện này cũng mãi sau khi vụ án đã kết thúc chúng tôi mới biết.

Hoàng Hữu Các (còn nữa)