TPHCM:
"Xử lý" được 20.000 người nghiện ma túy mới mong kéo giảm được cướp giật
(Dân trí) - Theo Đại tá Nguyễn Sỹ Quang - Trưởng Phòng tham mưu Công an TPHCM, hầu hết các đối tượng cướp giật bị bắt trong thời gian gần đây đều là con nghiện có nơi cư trú. Nếu muốn kéo giảm tội phạm một cách bền vững, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải vào cuộc và có biện pháp tháo gỡ để đưa gần 20.000 người nghiện này vào trung tâm.
Tại kỳ họp về tình hình kinh tế - văn hóa – xã hội 3 tháng đầu năm 2016 do UBND TPHCM tổ chức, Đại tá Nguyễn Sỹ Quang – Trưởng Phòng Tham mưu, người phát ngôn Công an TPHCM cho biết, tình hình tội phạm trong quý 1/2016 giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm trước.
Theo báo cáo của Công an TPHCM, sau sự chỉ đạo quyết liệt của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng về việc Công an thành phố phải kéo giảm tội phạm một cách rõ rệt, Công an thành phố đã thực hiện ra quân, tăng cường công tác tuần tra, chốt chặn; đồng loạt tấn công tội phạm trên đường phố và các địa bàn trọng điểm.
Đại tá Nguyễn Sỹ Quang cho biết, đầu tháng tháng 3, Cảnh sát cơ động tuần tra công khai trên 18 tuyến trọng điểm và kết quả các tuyến đường này không xảy ra cướp giật.
Tỉ lệ khám phá các vụ án hình sự đạt trên 71%, trong đó khám phá các vụ cướp giật đạt 70%, trộm cắp đạt 60%...
Cũng theo đánh giá chung của Công an TPHCM thì tình hình tội phạm trên địa bàn vẫn còn nhức nhối, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân.
"Các biện pháp phòng ngừa ở xã hội, cơ sở hiện nay còn yếu kém, chưa như mong muốn. Một trong những địa bàn đang bị bỏ trống là các nhà cao tầng, chung cư cao cấp, nơi tội phạm coi là đại bản doanh để hoạt động, buôn bán, thậm chí sản xuất ma túy", Đại tá Quang nhấn mạnh.
Ông Quang cho hay, thực tiễn cho thấy các vụ cướp giật bị bắt giữ đều là do con nghiện thực hiện. Tuy nhiên các đối tượng nghiện này đều có nơi cư trú ổn định và vấn đề đặt ra ở đây là, nếu không xử lý được số người nghiện có nơi cư trú này thì việc kéo giảm tội phạm một cách lâu dài sẽ không có hiệu quả.
Về kế hoạch sắp tới, Đại tá Nguyễn Sỹ Quang cho biết sẽ mở đợt cao điểm tổng kiểm tra tại các chung cư cao cấp, khách sạn, quán bar…, vì đây là các nơi ẩn náu của các tội phạm cho vay nặng lãi, ma túy.
Bên cạnh đó, Công an TPHCM cũng đang phối hợp với Sở Thông tin - Truyền thông để tích hợp gần 10.000 camera hiện có trên địa bàn nhằm phục vụ an ninh trật tự. Đây được coi là giải pháp rất hiệu quả về đảm bảo an ninh trật tự và là giải pháp lâu dài.
Một giải pháp cũng được Công an TPHCM đề cập đến là sẽ phối hợp với Sở Thông tin - Truyền thông, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thông tin - Truyền thông yêu cầu các nhà mạng phối hợp với cơ quan chức năng thông báo mã số IMEI để “vô hiệu hóa” điện thoại khi bị cướp giật nhằm kéo giảm tình trạng cướp điện thoại ngoài đường. “Khi khóa IMEI thì điện thoại bị cướp giật chỉ còn là máy chơi game chứ không dùng được”, ông Quang lý giải.
Một vấn đề cũng không kém phần nhức nhối được Công an thành phố nhắc đến là nạn tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. “Thành phố chúng ta đang nhức nhối, phản ánh rất nhiều về vấn đề tiêu thụ tài sản. Kính xe của mình bị bẻ trộm và phải đi mua lại chính kính xe của mình là rất bức xúc. Chúng ta phải đánh mạnh vào chỗ này để tội phạm không có nơi tiêu thụ thì không có trộm cắp”, ông Quang nhấn mạnh.
Đình Thảo