1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Xét xử vụ án ở Đồng Tâm: 2 bị cáo xin chuyển đổi tội danh

Tiến Nguyên

(Dân trí) - Tự bào chữa trước tòa, các bị cáo đều thể hiện sự ăn năn, hối cải, mong muốn được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.

Sau khi đại diện Viện Kiểm sát đọc bản luận tội, các bị cáo được phép tự bào chữa cho bản thân.

Xét xử vụ án ở Đồng Tâm: 2 bị cáo xin chuyển đổi tội danh - 1
Các bị cáo tại tòa sơ thẩm.

Trước tòa, bị cáo Nguyễn Quốc Tiến thừa nhận bản thân thiếu hiểu biết pháp luật, thiếu suy nghĩ khi mua lựu đạn và làm bom xăng. Tiến cho rằng, bị cáo thường xem video ông Kình (đã chết) và những người dân họp bàn, livestreams (phát trực tiếp) kêu gọi mọi người đứng lên bảo vệ đất Đồng Sênh nên bị kích động.

“Bị cáo chơi với Uy (bị cáo Lê Đình Uy - PV), Uy gọi thì bị cáo ra chứ bị cáo không ở “Tổ đồng thuận”. Trước khi xảy ra sự việc, bị cáo không ra nhà ông Kình, không tham gia bàn bạc mua lựu đạn.” - bị cáo Tiến nói và cho rằng, bị cáo không tham gia vận chuyển bom xăng, tuýp sắt để chuẩn bị chống đối lực lượng chức năng.

Đêm xảy ra sự việc, theo bị cáo Tiến, bị cáo này say rượu nên ngủ và không biết gì. Khi lực lượng chức năng đến Đồng Tâm, bị cáo chỉ đốt đúng 1 quả pháo sáng.

Cho rằng bản thân không phải là người chủ mưu, cầm đầu, không trực tiếp thực hiện tội phạm giết người, bị cáo Nguyễn Quốc Tiến nói mình đã thành tâm sám hối, việc có mặt tại hiện trường là sai trái, tội lỗi. Bị cáo này xin Viện Kiểm sát và Tòa án xem xét hành vi của bị cáo, xin được chuyển tội danh từ “Giết người” sang “Chống người thi hành công vụ” như 19 bị cáo khác, để được sớm trở về với gia đình, chăm sóc cha mẹ già, dạy bảo các con.

Theo cáo buộc của Viện Kiểm sát, bị cáo Nguyễn Quốc Tiến là người trực tiếp đi mua 10 quả lựu đạn, chuẩn bị xăng để chống đối, tham gia họp bàn để chống đối. Trong sáng 9/1, Tiến ném bom xăng về phía công an với động cơ giết người, không cảnh sát nào chết là nằm ngoài ý muốn của bị cáo nên cũng phạm tội giết người.

Với hành vi trên, Nguyễn Quốc Tiến bị VKS đề nghị Tòa tuyên phạt từ 16-18 năm tù.

Tự bào chữa, bị cáo Nguyễn Văn Tuyển cho biết, bản thân bị cáo bị tai nạn, mù cả 2 mắt, bị thương tật ở tay. Việc bị cáo nghe theo “Tổ đồng thuận” là vi phạm pháp luật.

“Hiện nay bị cáo đã bị tạm giam 8 tháng, bị cáo rất ăn năn, hối hận. Bị cáo được các anh quản giáo và cán bộ trại giam đến động viên, bị cáo đã nhận ra được những sai trái của bị cáo.” - bị cáo Tuyển nói.

Theo lời bị cáo Tuyển, rạng sáng 9/1, Tuyển có mặt ở nhà ông Kình nhưng “không làm gì hại đến các chiến sỹ bị chết”.

“Bị cáo xin quý tòa, Viện Kiểm sát tha thứ cho bị cáo, giơ cao đánh khẽ.” - bị cáo Tuyển khẩn khoản, xin được hưởng khoan hồng, xin được chuyển đổi tội danh như nhóm 19 bị cáo khác.

Trong bản luận tội, Viện Kiểm sát cáo buộc, bị cáo Nguyễn Văn Tuyển đã cùng bị cáo Bùi Viết Hiểu lôi kéo người khác. Việc 3 cảnh sát bị đốt chết có quan hệ nhân quả với hành vi của 2 bị cáo này. Vì vậy, VKS xác định 2 bị cáo này đã phạm vào tội giết người với nhiều tình tiết tăng nặng nên cần xử lý nghiêm.

Tuy nhiên, cả 2 không trực tiếp gây ra cái chết của 3 nạn nhân; Hiểu phạm tội khi đã trên 70 tuổi, Tuyển là người tàn tật và khai báo thành khẩn nhất… nên có thể xem xét giảm nhẹ hình phạt. Từ đó, đại diện VKS đề nghị tòa tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Tuyển từ 14-16 năm tù.

Sáng nay, 10/9, phiên tòa tiếp tục với phần bào chữa của các luật sư.