Xét xử đường dây “chạy” thương binh lớn nhất tỉnh Nghệ An
(Dân trí) - Sau khi nhận tiền, hồ sơ, nhóm Tạ Thị Vân đưa các cựu chiến binh đi khám thực thể ở các bệnh viện rồi… để đấy. Cơ quan chức năng xác định với chiêu bài lừa chạy chế độ thương binh, nhóm này đã lừa đảo, chiếm đoạt gần 13 tỉ đồng của hơn 300 cựu chiến binh Nghệ An, Hà Tĩnh.
Sau nhiều ngày nghị án, sáng 3/7, TAND tỉnh Nghệ An đã ra phán quyết cuối cùng đối với đường dây chạy chế độ thương binh lớn nhất tỉnh này.
Theo cáo trạng, Tạ Thị Vân (SN 1962, trú tại thành phố Vinh, Nghệ An) có chồng công tác trong quân đội nên “nổ” mình quen biết nhiều người làm chế độ chính sách từ Trung ương đến địa phương, có thể “chạy” nâng hạng thương binh, chế độ thương binh, chất độc da cam…
Lợi dụng nhiều cựu chiến binh, thanh niên xung phong có nguyện vọng được làm thủ tục hưởng trợ cấp hàng tháng (thương binh, nhiễm chất độc hóa học) nhưng bị mất, thất lạc giấy tờ, hồ sơ, Vân đứng ra hứa sẽ “giúp đỡ”. Tin tưởng Vân có chồng công tác trong quân đội, nhiều cựu chiến binh đã đưa tiền cho Vân. Vân thu mỗi người từ 12-30 triệu đồng, tùy loại chế độ trợ cấp hàng tháng.
Vân câu kết với Hồ Thanh Tùng (SN 1958, trú xã Hưng Phú, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) đứng ra thu tiền của các cựu chiến binh, cựu TNXP. Để những người này tin tưởng giao hồ sơ và tiền, Vân và Tùng hẹn họ đến bệnh viện Quân y 4 khám thực thể để làm chế độ thương binh, làm chế độ chất độc da cam thì đến bệnh viện Ba Lan (cũ) để khám nhưng thực chất chỉ khám sức khỏe bình thường. Vân và Tùng cam đoan trong vòng 6 tháng đến 1 năm sẽ có quyết định hưởng chế độ, tuy nhiên trên thực tế hai người này sau khi thu hồ sơ, tiền của các cựu chiến binh và đưa họ đi khám thì không làm gì cả.
Biết Vân và Tùng không có khả năng làm chế độ thương binh, chất độc da cam nhưng Nguyễn Phúc Hồng (SN 1954, trú xã Nam Thái, huyện Nam Đàn, Nghệ An) đứng ra gom hồ sơ của các cá nhân có nhu cầu về cho hai người này. Hồng còn nâng giá tiền thu của các cựu chiến binh để hưởng phần chênh lệch.
Tin tưởng vào đường dây chạy thương binh này, gần 1.000 cựu chiến binh hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đã nạp hồ sơ, tiền để mong hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng. Trong đó có 5 cá nhân đứng ra gom hồ sơ, tiền của những người có nhu cầu nộp lại cho Tạ Thị Vân, Hồ Thanh Tùng hoặc Nguyễn Phúc Hồng. Tuy nhiên, chỉ có 321 cựu chiến binh làm đơn tố cáo hành vi của nhóm đối tượng này ra cơ quan cảnh sát điều tra.
Cơ quan điều tra xác định, từ năm 2012-2014, nhóm bị cáo này đã lừa đảo chiếm đoạt gần 13 tỉ đồng của các cựu chiến binh, cựu TNXP. Trong đó, Tạ Thị Vân phải chịu trách nhiệm hình sự đối với số tiền chiếm đoạt gần 10,5 tỉ đồng; Hồ Thanh Tùng phải chịu trách nhiệm hình sự đối với số tiền gần 13 tỉ đồng; Nguyễn Phúc Hồng phải chịu trách nhiệm hình sự đối với số tiền hơn 5,5 tỉ đồng.
Ngày 20/10/2016, Tạ Thị Vân bị bắt giữ khi đang lẩn trốn tại Hà Nội. Cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An đã tách hành vi của Tạ Thị Vân thành một vụ án và đưa ra xét xử vào ngày 5/2/2018. Với tội lừa đảo chiếm đoạt của 95 nạn nhân với số tiền 3,7 tỉ đồng, Vân bị tuyên phạt 14 năm tù.
Đến ngày 8/3/2018, Hồ Thanh Tùng bị bắt giữ theo lệnh truy nã. Tháng 10/2018, Nguyễn Phúc Hồng cũng sa lưới. Từ lời khai của Tùng và Hồng cũng như các chứng cứ thu thập được, cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An tiếp tục khởi tố Tạ Thị Vân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Xem xét vai trò, vị trí của từng bị cáo trong vụ án, HĐXX tuyên phạt Tạ Thị Vân 13 năm tù, tổng hợp bản án đang thi hành, bị cáo phải chịu mức án 27 năm tù; Hồ Thanh Tùng 19 năm tù; Nguyễn Phúc Hồng 12 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. HĐXX cũng buộc các bị cáo phải bồi hoàn toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt cho các cựu chiến binh, cựu TNXP nói trên.
Hoàng Lam