Xét xử vụ cháy chợ phố Hiến: Bị cáo khai bơm nước do sự chỉ đạo của lãnh đạo công ty
(Dân trí) - Cơ quan tố tụng xác định vụ cháy chợ phố Hiến (Hưng Yên) là do chập điện đường dây dẫn điện của máy bơm nước làm cháy lớp vỏ cách điện, sau đó cháy lan ra xung quanh làm thiệt hại hàng chục tỉ đồng.
Sáng nay, 25/8, TAND TP Hưng Yên, (tỉnh Hưng Yên), mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử vụ cháy chợ phố Hiến (tỉnh Hưng Yên) xảy ra hơn một năm trước. Liên quan đến vụ án vụ cháy chợ phố Hiến, có 191 bị hại, nhưng tại phiên tòa sáng nay chỉ có 2 bị hại đến tham dự phiên tòa.
Bị cáo Đào Ngọc Hậu (53 tuổi, trú tại phường Quang Trung, TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên), nguyên Phó trưởng Ban quản lý chợ phố Hiến bị cơ quan tố tụng cáo buộc và truy tố đưa ra xét xử về tội “vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy” (theo khoản 3, Điều 240 Bộ Luật hình sự).
Theo cáo trạng của Viện KSND TP Hưng Yên, khoảng 21h ngày 19/3/2014, anh Nguyễn Văn Thư (37 tuổi, trú tại phường Minh Khai, TP Hưng Yên) là nhân viên bảo vệ chợ phố Hiến đang đi kiểm tra khu vực được phân công là khu phía nam chợ phố Hiến thì nghe tiếng chuông báo cháy từ trong chợ. Anh Thư chạy về bốt gác, thấy đèn báo cháy có tín hiệu báo cháy.
Anh Thư chạy lên phòng Ban quản lý chợ báo cáo Hậu về sự việc này. Hậu lấy chìa khóa chợ 1 và chợ 2 rồi cùng với anh Thư mở cửa chính chợ phố Hiến thì thấy bên trong đã cháy. Cả Hậu và anh Thư đều hô hoán và dùng bình chữa cháy để đập lửa song không được nên đã điện báo cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy. Đến 3h ngày 20/3/2014, lực lượng phòng cháy và chữa cháy mới dập tắt được đám cháy
Đại diện VKS giữ quyền công tố tại tòa.
Quá trình điều tra, Viện Khoa học hình sự (Bộ CA) kết luận, nguyên nhân xảy ra vụ cháy chợ phố Hiến là do chập điện đường dây dẫn điện của máy bơm nước làm cháy lớp vỏ cách điện, sau đó cháy lan ra xung quanh. Cơ quan điều tra xác định, sau khi nhận chìa khóa bàn giao từ nhân viên bảo vệ, Hậu đã ngắt cầu dao điện của chợ 2, nhưng chưa ngắt cầu dao điện của chợ 1 dẫn đến việc máy bơm nước đặt tại ki ốt số 1 vẫn hoạt động bơm nước làm cháy lớp vỏ cách điện, sau đó cháy lan ra xung quanh và gây ra vụ cháy chợ.
Thiệt hại về tài sản trong chợ 2 tầng phố Hiến bao gồm nhà chợ CP1 và nhà chợ CP2 là hơn 27 tỷ đồng. Còn về thiệt hại tài sản của các tiểu thương trong chợ phố Hiến, theo trình bày của các tiểu thương, con số lên tới gần 67 tỷ đồng; còn theo báo cáo của Phòng Kinh tế, UBND tỉnh Hưng Yên ước tính là hơn 40 tỷ đồng.
Về trách nhiệm dân sự, 191 tiểu thương kinh doanh tại chợ phố Hiến yêu cầu bồi thường tổng số tiền hơn 60 tỷ đồng; còn thiệt hại đối với chợ phố Hiến thì Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Hoàng Phát không đề nghị gì.
Trước đó, tháng 3/2015, TAND TP Hưng Yên đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án này. Theo đó, bị cáo Hậu kêu oan và cho rằng, tại cuộc họp trước đó, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Hoàng Phát là ông Bùi Hồng Kỳ đã chỉ đạo bị cáo thực hiện bơm nước ngoài giờ quy định, và việc bơm nước này đã diễn ra hơn một tháng.
Một số nhân chứng khác cũng đồng quan điểm với bị cáo Hậu khi cho rằng, việc bơm nước vào ban đêm là theo chỉ đạo của lãnh đạo công ty chứ bị cáo Hậu không tự ý bơm nước như cáo trạng nêu.
Các nhân chứng là bảo vệ của chợ Phố Hiến đều khai có việc chỉ đạo của ông Bùi Hồng Kỳ. Trong đó, ông Nguyễn Quốc Phong, nguyên Phó trưởng Ban quản lý chợ Phố Hiến (đã nghỉ việc sau khi xảy ra vụ cháy) và ông Lưu Văn Thu, Ca trưởng bảo vệ cũng làm đơn gửi lên Tòa án xác nhận, có việc chỉ đạo của công ty như trình bày của bị cáo Hậu.
Trước những lời khai này, HĐXX của phiên xử trước đã trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung để làm rõ nội dung này.
Chiều nay, 25/8, HĐXX TANDTP Hưng Yên tiếp tục làm việc.
Tuấn Hợp