Vung triệu “đô” để “chạy án” tử cho chồng
Lo lắng về việc chồng và anh chồng sẽ bị án tử hình về hành vi giết người, Đỗ Thị Phương cùng em gái chồng đã bỏ ra hơn 1,1 triệu USD để “chạy án”. Oái oăm thay, việc “chạy án” không những không thành, người đàn bà này còn liên tiếp lâm vào cảnh tù tội.
Hôm qua (13-8), TAND TP Hà Nội đã đưa Đỗ Thị Phương (tức Phường, SN 1971, trú ở đường Hữu Nghị, TP Móng Cái, Quang Ninh) ra xét xử theo tội “Đưa hối lộ”, theo điểm a, khoản 4, Điều 289-BLHS. Dính líu đến hành vi của vợ Nguyễn Tiến Chung (tức Chung Linh Hột – một trong những “trùm” giang hồ Quảng Ninh đã bị kết án tử hình về tội giết người) còn có: Mạc Văn Nam (SN 1965, ở tổ 42, phường Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) bị xem xét về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và Phạm Trọng Du (SN 1952, nguyên Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Nam Cường) cùng Phạm Anh Tuấn (SN 1974, trú ở khu 2, phường Thanh Bình, TP Hải Dương, Hải Dương) đều bị cáo buộc theo tội “Môi giới hối lộ”.
Liên quan tới vụ án này, ngày 16-8-2011, Đỗ Thị Phương đã bị TAND quận Long Biên xử phạt 8 tháng tù giam về tội “Bắt giữ người trái pháp luật”. Nạn nhân bị bắt giữ là Phạm Anh Tuấn, cũng là một trong bốn bị cáo ở phiên tòa diễn ra hôm qua. Nguyên do là sau khi “chạy án” không thành, Phương đã thuê người bắt giữ Tuấn để đòi lại tiền chạy chọt.
Tài liệu truy tố các bị cáo thể hiện, giữa năm 2009, anh em Nguyễn Tiến Chung và Nguyễn Tiến Phương (ở Quảng Ninh) can án vào một vụ án giết người. Quá trình hai “trùm” giang hồ đất mỏ bị điều tra, Đỗ Thị Phương rất lo sợ chồng và anh trai chồng bị áp dụng mức án cao nhất nên đã tìm cách “chạy” để thoát khỏi án tử hình. Với ý đồ đó, tháng 9-2009, Phương cùng em gái chồng tên Nguyễn Thị Hằng (hiện đang bỏ trốn) đã tìm gặp Phạm Trọng Du nhờ “đạo diễn” án từ. Ngoài 1,5 tỷ đồng “lót tay”, em chồng Phương sau đó đã 2 lần chuyển thêm cho Du với tổng cộng 600.000 USD nữa để chạy tội. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền từ người thân Chung Linh Hột, Du mới nhận ra đối tượng không thể làm được việc đó. Vì thế mà toàn bộ số tiền nhận “chạy án” sau này đã được Du trả làm nhiều lần cho gia đình Phương, trong đó có cả 1 tỷ đồng ở giai đoạn đối tượng bị điều tra.
Quyết tâm “chạy án” bằng được nên ngay sau khi Du “đầu hàng”, Phương tiếp tục tìm đến nhờ cậy Phạm Anh Tuấn. Sở dĩ Tuấn dám nhận “chạy án” cho anh em Chung Linh Hột là do ngay trước đó, đối tượng này đã quen biết Mạc Văn Nam. Trong con mắt Tuấn thời điểm ấy, Nam là một cán bộ công tác trong ngành tư pháp và là một người đầy uy lực vì có những mối quan hệ “khủng khiếp”. Thế nhưng sau khi vụ án bị phát giác, Nam hiện nguyên hình là một kẻ lưu manh, bịp bợm đầy chuyên nghiệp. Vì trong thời gian bỏ trốn vào TP Hồ Chí Minh, đối tượng đã gây ra hàng loạt vụ lừa đảo cũng với thủ đoạn “chạy chọt”.
Trong quá trình Phương, Tuấn và Nam bàc bạc với nhau, mặc dù không lần nào các đối tượng thống nhất giá “chạy án” là bao nhiêu, song trên thực tế tính đến tháng 12-2009, Phương đã phải xuất ra tổng cộng 500.000 USD. Đó là không kể khoản tiền 500 triệu đồng người đàn bà này cùng em chồng đưa cho Tuấn để lo tìm luật sư và chi phí cho việc ăn, ở đi lại. Trong số hàng trăm nghìn đô la Mỹ của Phương, khi thì Nam trực tiếp nhận, khi thì Tuấn nhận, rồi chuyển cho “đối tác”. Vậy nhưng quá trình điều tra, chỉ có đủ cơ sở để quy kết Mặc Văn Nam đã chiếm đoạt hơn 3,5 tỷ đồng của người thân Chung Linh Hột. Số tiền còn lại, mặc dù Tuấn khai đều chuyển hết cho Nam, nhưng lại không có tài liệu gì để kiểm chứng.
Quá trình xét xử, 3/4 bị cáo bất ngờ phủ nhận lời khai tại cơ quan điều tra với lý do bị hoảng loạn nên “khai bừa”, đồng thời cho rằng bản thân không phạm tội như nội dung bản cáo trạng quy kết. Đặc biệt là về các lần giao nhận tiền “chạy án”, lời khai giữa các bị cáo có nhiều điểm rất vênh nhau. Ngoài những vấn đề này, HĐXX cũng nhận thấy cần thiết phải củng cố thêm chứng cứ, tài liệu thì mới đủ cơ sở để kết tội Đỗ Thị Phương và các bị cáo liên quan có phạm tội như truy tố hay không. Vì vậy, sau một ngày xét xử, TAND TP Hà Nội quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.