Bình Phước:
Vụ thảm sát 6 người: Dựng lại hiện trường vụ án?
(Dân trí) - “Có những vụ án hiện trường không phải dựng lại nếu không có mâu thuẫn, cũng có nhiều vụ án cần phải dựng lại hiện trường, thực nghiệm điều tra. Đó là biện pháp nghiệp vụ mà tùy tính chất từng vụ án cụ thể” – Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến cho biết.
Vụ thảm sát 6 người trong một gia đình vừa xảy ra tại Bình Phước có thể đánh giá là vụ án đặc biệt nghiêm trọng nhất từ trước đến nay bởi sự tàn ác, dã man của hung thủ. Công tác điều tra phá án được thực hiện hết sức khẩn trương do một Ban chuyên án chỉ đạo với sự tham gia của những lực lượng hùng hậu, tinh nhuệ nhất, dày dặn kinh nghiệm nhất.
Quá trình điều tra, thu thập chứng cứ tại hiện trường và lấy lời khai hung thủ đã hoàn tất. Đến chiều 11/7, đại diện Ban chuyên án khẳng định giai đoạn truy xét vụ án đã làm xong và chuyển sang giai đoạn tố tụng.
Dư luận đang quan tâm vụ án này có dựng lại hiện trường như những vụ trọng án khác?
Liên quan đến vấn đề này, PV Dân trí đã đặt câu hỏi với Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (C45) Bộ Công an sau cuộc họp báo thông tin về vụ án “Giết người cướp tài sản” do hai nghi can trực tiếp gây ra là Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến diễn ra vào chiều 11/7 tại trụ sở Công an huyện Chơn Thành (tỉnh Bình Phước).
PV: Dự kiến khi nào dựng lại hiện trường vụ án này thưa Thiếu tướng?
Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến: Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra và Viện kiểm sát sẽ thống nhất với nhau. Có những vụ hiện trường không phải dựng lại nếu không có mâu thuẫn, cũng có nhiều vụ án cần phải thực nghiệm điều tra. Đó là biện pháp nghiệp vụ mà tùy tính chất các vụ án cụ thể.
PV: Với vụ thảm sát 6 người có cần dựng lại hiện trường không thưa Thiếu tướng?
Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến: Đến thời điểm này công tác trinh sát, truy xét của Ban chuyên án đã dừng lại và chuyển sang các thủ tục tố tụng khác. Đến giai đoạn này sẽ có sự giám sát của Viện kiểm sát. Các yêu cầu đấy (thực nghiệm hiện trường – PV), cơ quan điều tra và Viện kiểm sát sẽ thống nhất trao đổi, có thể mời tòa án, cấp xét xử cùng nghiên cứu những vấn đề gì cần phải thực nghiệm, có vấn đề gì cần phải dựng hiện trường thì dựng lại hiện trường chứ không nhất thiết vụ án nào cũng phải dựng lại hiện trường, không nhất thiết vụ án nào cũng phải thực nghiệm điều tra.
PV: Xin cảm ơn Thiếu thiếu tướng.
Trung Kiên – Công Quang
(Email: trungkien@dantri.com.vn)