Vụ “quan tài diễu phố”: Tòa tuyên huỷ án sơ thẩm
(Dân trí) - Sau 1 ngày tiến hành xét xử phúc thẩm vụ “quan tài diễu phố”, HĐXX phúc thẩm Toà Tối cao đã chính thức tuyên huỷ kết quả bản án sơ thẩm được TAND tỉnh Vĩnh Phúc xử trước đó dành cho các bị cáo trong vụ án giết người vào đêm 14/3/2013.
Quyết định hủy bản án của HĐXX phiên toà phúc thẩm dựa trên yêu cầu của vị đại diện Viện kiểm sát và Luật sư bào chữa cho bị hại, bị cáo.
Theo đó, đại diện VKSND cho rằng, hồ sơ vụ án giết người xảy ra tại phường Hội Hợp, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc có rất nhiều bút lục bị tẩy xoá, sửa nội dung, kèm đó là nhiều biên bản có liên quan đến vụ án không phải do các điều tra viên vụ án lập và nhiều bút lục lời khai người liên quan không có chữ ký của điều tra viên.
“ Nhiều bản tự khai của bị cáo bị truy tố về tội giết người được chép ra từ biên bản lấy lời khai mà điều tra viên thực hiện. Lời khai các bị cáo trùng lập nhau biểu hiện của sự sao chép. Ngoài ra, mặc dù lời khai của các bị cáo bị truy tố về tội giết người có mâu thuẫn, nhưng không được cơ quan tố tụng tiến hành xác minh” - Vị đại diện VKS giữ quyền công tố tại phiên toà nhận định.
Với những dấu hiệu biểu hiện vi phạm tố tụng nghiêm trọng về qui trình điều tra, tố tụng nên đại diện VKS đã đề nghị HĐXX phiên phúc thẩm trả lại hồ sơ vụ án để điều tra, làm sáng tỏ lại từ đầu.
Tham dự phiên toà với tư cách người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nạn nhân Nguyễn Tuấn Anh, luật sư Lê Thị Oanh cho rằng, VKS không phân công và không có quyết định cử Kiểm sát viên tham gia điều tra vụ án nên tất cả các hoạt động điều tra của cơ quan điều tra nhằm làm sáng tỏ vụ án thông qua việc giám định, lấy lời khai của bị can, nhân chứng, người có liên quan, khám nghiệm hiện trường đều không có giá trị.
Theo luật sư, Kiểm sát viên tham gia khám nghiệm hiện trường vụ án không đúng chức vụ, quyền hạn. Dẫn chứng tại bút lục số 38 đến 47 ghi: 3 kiểm sát viên đều không có quyết định phân công giám sát vụ án, đồng thời cũng không phải là Viện trưởng hay Phó viện trưởng VKSND đúng cấp.
Nữ luật sư dẫn giải thêm, ngay cả việc lập lý lịch căn cước đối với các bị cáo không chính xác đối với các bị cáo Phùng Mạnh Tuấn, Phùng Đắc Tú, Nguyễn Văn Tình, Nguyễn Văn Định
Cụ thể, bị cáo Phùng Đắc Tú khai có tới 3 ngày tháng năm sinh khác nhau mà không biết chính xác là ngày tháng năm sinh nào. Hay bị cáo Nguyễn Văn Định có cả ngày tháng năm sinh là ngày 28/10/2013, tức là bị bắt khi chưa sinh ra.
Luật sư còn cho rằng, ngay cả số lượng mẫu thu và mẫu gửi đi giám định không thống nhất, mẫu gửi đi nhiều hơn mẫu thu. Việc xác định nồng độ cồn trong máu của Nguyễn Tuấn Anh là không chính xác. Kết quả mô bệnh học làm căn cứ xác định nạn nhân chết ngạt nước không đúng... chứng cứ thu thập đã không được xem xét, đánh giá trong mối liên hệ tổng thể của vụ án.
Đáng chú ý là khi khai nhận ngay tại phiên tòa phúc thẩm, 2 bị cáo Phùng Mạnh Tuấn và Phùng Đắc Tú đã khai rằng do bị đánh bắt buộc phải khai không đúng sự thật, được điều tra viên chép lời khai của các bị cáo khác
Tại toà, Luật sư Oanh đã chỉ ra những sai phạm trong quá trình tiến hành tố tụng, tuyên án của cấp xét xử sơ thẩm. Thứ nhất là không giải quyết yêu cầu trả lại hồ sơ điều tra bổ sung theo yêu cầu của gia đình bị hại. Trước khi mở phiên sơ thẩm, gia đình bị hại có đơn yêu cầu làm rõ một số tình tiết trong vụ án cũng như yêu cầu Hội đồng xét xử trả lại hồ sơ, dựng lại hiện trường nhưng đều bị bỏ qua.
Luật sư Oanh cũng đề nghị HĐXX phiên toà phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm, trả lại hồ sơ vụ án để điều tra lại từ đầu để làm sáng tỏ vụ án, không vì quan hệ “này nọ” mà bỏ lọt tội phạm.
Kết thúc phần tranh tụng, Chủ tọa phiên tòa đã thay mặt HĐXX yêu cầu các bị cáo nói lời sau cùng. Cả 6 bị cáo bị truy tố về tội “giết người” đều mong muốn được xem xét giảm nhẹ hình phạt để có cơ hội làm lại cuộc đời.
Chiều cùng ngày, sau khi HĐXX tiến hành nghị án, ông Hà Tiến Triển, Thẩm phán - Chủ toạ phiên toà xét xử phúc thẩm đã công bố đề nghị của vị đại diện VKS và luật sư là có cơ sở. Theo đó, Chủ toạ phiên toà đã tuyên huỷ kết quả bản án sơ thẩm do HĐXX Toà án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc xử trước đó, đồng thời trả hồ sơ vụ án để điều tra lại từ đầu.
Cách đây khoảng 6 tháng, HĐXX TAND tỉnh Vĩnh Phúc đã mở phiên sơ thẩm với các tội danh “giết người, che giấu tội phạm, không tố giác tội phạm”.
Sau 2 ngày xét xử, HĐXX sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Phùng Đắc Tú và Đặng Quốc Tú lãnh án tù chung thân; bị cáo Phùng Mạnh Tuấn tử hình; bị cáo Nguyễn Văn Bình 12 năm tù; bị cáo Nguyễn Văn Tình 18 năm tù; bị cáo Nguyễn Văn Định 20 năm tù; Nguyễn Duy Hiệp 2,5 năm tù và Nguyễn Anh Tuấn 3 năm tù.
Sau phiên toà sơ thẩm, các bị cáo phạm tội “giết người” đã gửi đơn kháng cáo lên Toà Tối cao vì cho rằng bản án sơ thẩm đã tuyên dành cho các bị cáo là quá nặng
Còn đại diện phía gia đình bị hại cũng đã gửi đơn kháng án vì cho rằng tòa án cấp sơ thẩm đã bỏ lọt tội phạm, cùng đó là việc bồi thường của các bị cáo đối với gia đình là chưa tương xứng tổn thất về vật chất, tinh thần đối với gia đình bị hại.
Quốc Đô