Vụ kiện Công an Đồng Nai: Đổi 9.110 ngày oan sai lấy 47 triệu đồng?
(Dân trí) - 5 người mang thân phận bị can 9.110 ngày nhưng Công an Đồng Nai chỉ đồng ý bồi thường số tiền 47 triệu đồng cho mỗi người.
Giữa năm 1994, tại xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai xảy ra vụ án Giết người và Cướp tài sản. Công an vào cuộc xác định đây là vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng.
Ngày 10/8/1994, Công an tỉnh Đồng Nai bắt tạm giam ông Lê Đức Bình (55 tuổi), Nguyễn Huy Tuấn (46 tuổi), Lê Xuân Thắng (51 tuổi), Nguyễn Văn Giang (46 tuổi) và Lê Xuân Duẩn (48 tuổi, ngụ tỉnh Thanh Hóa).
Quá trình điều tra không chứng minh được hành vi phạm tội của những người trên nên ngày 18/11/1994, VKSND tỉnh Đồng Nai ra quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam bị can.
Mang thân phận bị can hơn 2 thập kỷ
22 năm sau, vụ án tưởng chừng như bị lãng quên. Khi con của một người bị oan làm hồ sơ thi vào đại học thì bị trục trặc, bởi không có căn cứ xác minh bố mình đã được đình chỉ bị can. Từ đây, những người này bắt đầu có đơn gửi các cơ quan tố tụng yêu cầu giải quyết vụ án.
Ngày 12/9/2018, VKSND tỉnh Đồng Nai có công văn gửi Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh cùng cấp về việc phối hợp giải quyết yêu cầu bồi thường oan sai trong vụ án Giết người và Cướp tài sản xảy ra vào năm 1994 tại huyện Xuân Lộc.
Công an tỉnh Đồng Nai làm việc với các đương sự có để xác định lý do tại sao vụ án xảy ra năm 1994 nhưng đến 22 năm sau mới yêu cầu. Đồng thời, nhà chức trách làm việc với ông Nguyễn Phi Tiến (nguyên điều tra viên thụ lý vụ án) để làm sáng tỏ một số vấn đề có liên quan.
Tại buổi làm việc, cả 5 người này khẳng định không nhận được quyết định đình chỉ bị can, chỉ nhận được quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam. Tại thời điểm làm việc chỉ còn ông Tuấn và ông Thắng còn giữ quyết định và cung cấp cho cơ quan điều tra. Ngược lại, ông Tiến xác nhận đã giao quyết định đình chỉ bị can cho 5 người này nhưng không lập biên bản giao nhận.
Căn cứ vào biên bản buổi làm việc trên và hồ sơ lưu trữ tại phòng hồ sơ Công an tỉnh Đồng Nai, nhà chức trách xác định không có cơ sở xác định ông Tiến đã bàn giao quyết định đình chỉ bị can cho 5 người trên.
Từ đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai bàn giao "giấy minh oan" cho 5 nạn nhân. Qua đó, chấm dứt những năm tháng mang thân phận bị can của ông Tuấn và 4 người khác trong vụ án.
Công an tỉnh Đồng Nai chỉ đồng ý bồi thường 47 triệu đồng
Sau khi được minh oan, ngày 11/11/2019, các ông Lê Đức Bình, Lê Xuân Thắng, Lê Xuân Duẩn, Nguyễn Huy Tuấn và Nguyễn Văn Giang có đơn yêu cầu cơ quan tố tụng bồi thường thiệt hại vật chất, tinh thần từ ngày bị bắt giam đến ngày nhận được quyết định đình chỉ bị can.
Sau khi tiếp nhận đơn yêu cầu trên, các bên đã có buổi thương lượng. Tại buổi làm việc, Công an tỉnh Đồng Nai xác định ông Tuấn và 4 người khác bị tạm giam từ ngày 10/8/1994 đến ngày 18/11/1994 (98 ngày). Mức lương vùng tại nơi những người này sống là 3.710.000 đồng/tháng và mỗi tháng sẽ có 26 ngày công, như vậy thu nhập của mỗi người bị oan là 142.692 đồng/ngày.
Từ đó, nhà chức trách xác định thu nhập bị mất trong thời gian bị tạm giam của những người này là 13.983.816 đồng/người.
Về tổn thất tinh thần, Công an xác định những người này được hưởng 33.186.230 đồng. Như vậy, mỗi người bị oan sai trong vụ án này được nhà chức trách bồi thường tổng số tiền 47.170.046 đồng.
Không đồng ý với cách tính trên, luật sư cho rằng ông Tuấn và 4 thân chủ của mình bị mất thực tế bị mất từ ngày bị tạm giam đến ngày nhận quyết định chỉ là 9.110 ngày (tương ứng 24 năm 11 tháng 20 ngày).
Về tổn thất tinh thần luật sư xác định thân chủ mình bị tạm giam từ ngày 10/8/1994 đến ngày 10/12/1994 (120 ngày) và tổn thất tinh thần do không nhận được quyết định đình chỉ bị can từ ngày 11/12/1996 đến ngày 31/7/2019 (tương ứng 22 năm 7 tháng 20 ngày). Từ đó, luật sư đề nghị Công an tỉnh Đồng Nai bồi thường cho mỗi người bị oan sai số tiền hơn 2,6 tỷ đồng.
Do 2 bên không tìm được tiếng nói chung trong việc bồi thường thiệt hại nên ông Tuấn và 4 người khác cùng khởi kiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai yêu cầu bồi thường số tiền hơn 13 tỷ đồng (cho 5 người).
Người đại diện cho các nạn nhân cho rằng việc Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật để bồi thường cho người bị oan là không đúng. Bởi vì, sau khi được thả tự do, 5 người trong vụ án này vẫn đang mang thân phận bị can, vẫn thuộc đối tượng bị truy nã.
Ngoài ra, người đại diện cho rằng việc cơ quan điều tra Đồng Nai không đồng ý bồi thường cho người oan sai các chi phí đi lại khiếu nại, thuê luật sư... là chưa phù hợp với quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 28 Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước năm 2017.
Hiện vụ án đang được TAND tỉnh Đồng Nai thụ lý giải quyết.