Vụ kiện con heo nái sổng chuồng

Con heo nái động dục sổng chuồng, sau đó được phát hiện trong chuồng nhà hàng xóm. Hai phiên tòa phán quyết trái chiều khiến khổ chủ phải đệ đơn yêu cầu xử giám đốc thẩm

Tòa Dân sự TAND Tối cao và VKSND Tối cao vừa hồi âm về việc đã nhận đơn yêu cầu xử giám đốc thẩm vụ án tranh chấp tài sản giữa nguyên đơn là bà Đỗ Thị Gái (SN 1964) và bị đơn là bà Nguyễn Thị Thọ (SN 1963, cùng ngụ thôn Đoàn Kết, thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk). Vụ Kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự (Vụ 5), VKSND Tối cao đang tiếp nhận vụ việc.

Ảnh lớn: Chuồng heo, nơi con heo nái của bà Gái sổng chuồngBỗng dưng mất heo
Ảnh lớn: Chuồng heo, nơi con heo nái của bà Gái sổng chuồngBỗng dưng mất heo

Rạng sáng 5-5-2012, con heo nái của bà Gái động dục sổng chuồng, bà Gái đi tìm nhiều nơi nhưng không thấy. Đến ngày 21-5-2012, được hàng xóm “chỉ điểm”, bà Gái phát hiện con heo của mình trong chuồng nhà bà Thọ.

Nhiều lần sang thỏa thuận xin đem heo về nhưng bà Thọ không đồng ý, bà Gái mời chính quyền địa phương tới lập biên bản, ghi rõ trong thời gian chờ cơ quan chức năng giải quyết, các bên liên quan không được di chuyển con heo đi nơi khác. Tuy nhiên, đến ngày 10-7-2012, bà Thọ nói con heo đã chết nên gọi người vào bán tháo.

Lý giải về nguồn gốc con heo, bà Gái cho rằng cuối năm 2011, bà đã mua con heo này của anh Lê Thái Trãi (sống cùng tổ dân phố), sau đó nó đẻ được 12 con. Việc này được anh rãi và nhiều người dân sống gần nhà bà Gái xác nhận.

Bà Thọ lại nói con heo này do bà đổi một cặp heo tơ của em trai là anh Nguyễn Văn Báu (ở xã Buôn Tría, huyện Lắk). Khi anh Báu chở heo tới đổi, có vợ và cháu anh Báu chứng kiến.

Ảnh nhỏ: Bài thơ “Bây giờ heo ở nơi đâu?” được đề tên tác giả: Tập thể tổ dân phố Đoàn Kết
Ảnh nhỏ: Bài thơ “Bây giờ heo ở nơi đâu?” được đề tên tác giả: Tập thể tổ dân phố Đoàn Kết

Mỗi cấp phán một kiểu

Sau nhiều lần chính quyền địa phương hòa giải bất thành, bà Gái gửi đơn kiện lên TAND huyện Lắk. Ngày 29-7-2012, TAND huyện Lắk mở phiên tòa sơ thẩm. Sau khi xem xét các chứng cứ và lời khai, HĐXX kết luận con heo nái trong chuồng nhà bà Thọ là của bà Gái, yêu cầu bà Thọ trả cho bà Gái số tiền 4,1 triệu đồng tương ứng với giá trị con heo.

Thất bại ở “hiệp 1”, bà Thọ rời tòa án với lời tuyên bố: “Tôi sẽ thắng ở tòa phúc thẩm”. Nói là làm, ngay sau đó, bà Thọ kháng cáo lên TAND tỉnh Đắk Lắk. Ngày 12-11-2012, TAND tỉnh Đắk Lắk xét xử phúc thẩm nhận định cấp sơ thẩm có nhiều sai sót như “không yêu cầu cơ quan thú y xác định heo đã có thai hay chưa, thuộc loại heo lai gì, có bao nhiêu vú?”. Nay heo đã chết, HĐXX không có cơ sở vững chắc để kết luận con heo là của bà Gái, bác đơn kiện của bà Gái, yêu cầu bà Gái nộp tiền án phí và chi phí định giá con heo.

Kiến nghị xem xét thấu đáo vụ việc

Cho rằng TAND tỉnh Đắk Lắk xét xử thiếu công tâm, cuối năm 2012, bà Gái làm đơn xin xử giám đốc thẩm. Ngay sau đó, đại diện MTTQ, Hội Phụ nữ thôn Đoàn Kết và hàng chục người dân đã gửi đơn kiến nghị tới TAND Tối cao, VKSND Tối cao đề nghị xem xét thấu đáo vụ việc. Đơn kiến nghị cho rằng HĐXX phúc thẩm không khách quan, áp đặt, không cho nhân chứng phát biểu ý kiến. Người dân ở tổ dân phố Đoàn Kết còn sáng tác một bài thơ lục bát nói về chuyện con heo nái sổng chuồng.

Theo CAO NGUYÊN
Người lao động