Vụ con trai đánh bố bầm dập, gãy xương sườn: Có thể phạt tù đến 3 năm
(Dân trí) - Tối 13/12, thạc sĩ, luật sư Nguyễn Vinh Diện - Trưởng văn phòng luật sư (VPLS) Vinh Diện và Cộng sự nêu quan điểm với PV Dân trí về vụ việc “Con trai đánh bố bầm dập, gãy xương sườn” được Báo điện tử Dân trí phản ánh.
Theo luật sư Nguyễn Vinh Diện, hành vi của Nguyễn Văn Tới đã vi phạm đạo lý uống nước nhớ nguồn, gây bất bình, phẫn nộ trong nhân dân.
“Hành vi của Nguyễn Văn Tới không chỉ xâm phạm đến sức khỏe của người khác mà còn vi phạm truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn, báo hiếu cha mẹ của dân tộc ta. Tới dùng gậy đánh cha mình đã vi phạm các tình tiết định khung tăng nặng là dùng hung khí nguy hiểm quy định tại điểm a và gây thương tích đối với cha của mình quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 104 BLHS 1999”, LS Diện nói.
Cũng theo luật sư Diện, nếu các trường hợp khác chỉ gây thương tích sau khi giám định 6% thì có thể không phải bắt tạm giam. Nhưng trường hợp của ông Nguyễn Võ N. bị con đánh đập có thể nói là tàn nhẫn nên cơ quan cảnh sát điều tra đã lệnh bắt Tới là điều cần thiết.
Ngày 22/11/2017, Tới đã dùng hung khí đánh cha mình phải nhập viện.
Trước băn khoăn của phóng viên về việc nạn nhân bị mẻ bánh chè, gãy 1 xương sườn, mẻ xương ống, người bầm tím nhưng kết quả giám định thương tật chỉ 6% liệu có chính xác, luật sư cho rằng nạn nhân có quyền đề nghị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Hưng Nguyên trưng cầu giám định lại.
Ông Nguyễn Võ N bị con trai hành hung suốt một thời gian dài
Luật sư Nguyễn Vinh Diện cũng cho rằng, cần làm rõ có hay không đồng phạm trong vụ việc này. “Theo tôi, cơ quan cảnh sát điều tra cũng cần điều tra làm rõ bà Phan Thị H. (vợ ông N.) có đồng phạm với Tới hay không để bảo đảm vụ án được khách quan, tránh việc bỏ lọt tội phạm”, luật sư nói.
Trước đó, Báo điện tử Dân trí đã có một số bài viết phản ánh, ngày 22/11/2017, ông Nguyễn Võ N. (58 tuổi, ở xóm 4, xã Hưng Lợi, Hưng Nguyên) đã bị con trai là Nguyễn Văn Tới đánh bị thương nặng.
Sau đó, ông N. được người thân đưa đi bệnh viện cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán, ông N. bị đánh mẻ bánh chè, gãy 1 xương sườn, mẻ xương ống, người bầm tím…
Theo Công an xã Hưng Lợi, đây không phải lần đầu ông N. bị Tới bạo hành, mà đã từng bị con đánh nhiều năm liền nhưng im lặng không tố cáo.
Đối tượng bị bắt giam tại nhà riêng
Được biết, vợ của Tới chứng kiến cảnh chồng ngược đãi cha đẻ, không chịu nổi cũng đã bỏ nhà đi không về. Cuối tháng 7/2017, vợ ông N. và Tới đã đuổi ông ra khỏi ngôi nhà 2 tầng đang sinh sống sang căn nhà hoang cũ gần đó để ở.
Nguyên nhân là do ngày 22/11, bà Phạm Thị H. (57 tuổi - vợ ông N.) bị mất số tiền 5 triệu đồng nên nghi ông N. lấy. Tối cùng ngày, Tới đi làm về biết chuyện đã đánh đập cha mình.
Ngày 12/12, Trung tâm Pháp Y tỉnh Nghệ An đã có kết luận giám định pháp y về thương tích của ông Nguyễn Võ N. Theo đó, ông N. bị tổn hại sức khỏe do thương tích gây nên tại thời điểm giám định là 6%.
Ông N. bị bắt ở trong căn nhà hoang...
Trong khi đó, mẹ con Tới vẫn thoải mái ngủ trong căn nhà 2 tầng.
Và chiều ngày 13/12, cơ quan cảnh sát điều tra CA huyện Hưng Nguyên đã ra quyết định bắt tạm giam đối với Nguyễn Văn Tới (30 tuổi, trú xóm 4, xã Hưng Lợi) về tội “Cố ý gây thương tích”.
Cụ thể, cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam 2 tháng đối với Nguyễn Văn Tới để tiếp tục điều tra làm rõ.
Điều 104 Bộ luật Hình sự quy định về tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.
Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác là hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác dưới dạng thương tích hoặc tổn thương khác thể hiện qua dấu vết để lại trên cơ thể hoặc không thể hiện bằng dấu vết để lại trên cơ thể.
Hành vi của người phạm tội là hành vi gây ra thương tích hoặc tổn thương khác, tỷ lệ thương tật là căn cứ để xác định tội phạm. Người phạm tội dùng hung khí nguy hiểm như súng, dao găm, gạch ngói, gậy gộc… hoặc có những tính chất khác.
Mục đích của người phạm tội là gây thương tích cho người khác và mong muốn hậu quả xảy ra và người phạm tội thực hiện với lỗi cố ý.
Một đặc điểm đáng chú ý là: Hành vi cố ý gây thương tích có thể dẫn đến hậu quả chết người thì đây vẫn là tội Cố ý gây thương tích và hậu quả chết người chỉ là điều không mong muốn và là lỗi vô ý. Đây chính là điểm khác với tội giết người, vì tội giết người là mục đích muốn giết người và mong muốn hậu quả người đó phải chết.
Nội dung cụ thể:
“Điều 104. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;
b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;
c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;
d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
...
Nguyễn Duy