Vụ cô giáo Lê Thị Dung: Vì sao kháng cáo không được chấp nhận?
(Dân trí) - Hội đồng xét xử nhận định cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo Lê Thị Dung về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không oan.
Chiều tối 13/6, Hội đồng xét xử (HĐXX) phúc thẩm (Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An) tuyên phạt bị cáo Lê Thị Dung (52 tuổi, cựu Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Giáo dục nghề nghiệp (GDTX-GDNN) huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) 15 tháng tù, giảm so với bản án 5 năm tù mà cấp sơ thẩm đã tuyên trước đó.
Các nội dung kháng cáo của bị cáo không được HĐXX phúc thẩm chấp nhận.
Cụ thể, đối với nội dung kháng cáo cũng như tại phiên tòa, bị cáo Dung và các luật sư bào chữa cho rằng cấp sơ thẩm có nhiều vi phạm về tố tụng, HĐXX nhận định, mặc dù cấp sơ thẩm có một số vi phạm, nhưng không ảnh hưởng đến bản chất của vụ án.
Tòa cấp phúc thẩm chỉ rõ, trong các năm học 2014-2015 và năm học 2015-2016, đối với nội dung bí thư chi bộ và đi học cao học, bị cáo Lê Thị Dung đã được thanh toán lần thứ nhất từ nguồn ngân sách. Bị cáo tiếp tục kê khai quy đổi các hoạt động này theo quy chế chi tiêu nội bộ thành tiết dạy để tính tiền thừa giờ để thanh toán lần 2, cũng từ nguồn ngân sách, không phải là từ nguồn tiết kiệm của đơn vị.
Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt Lê Thị Dung về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không oan.
HĐXX phúc thẩm nhận định không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo cho rằng không phạm tội cũng như đề nghị hủy bản án sơ thẩm, tuyên hai bị cáo không phạm tội, trả tự do cho các bị cáo, đình chỉ giải quyết vụ án như bị cáo Dung và người bào chữa đưa ra tại phiên tòa.
Chủ tọa phiên tòa chỉ rõ, theo nghiệp vụ kế toán thì để thanh toán (lần 2) tiền thừa giờ (tổng số tiền hơn 44,7 triệu đồng) trong các năm học 2014-2015 và 2015-2016 từ việc quy đổi các nội dung bí thư chi bộ, học cao học, tập huấn và nhận tiền vào cuối các năm học thì kế toán phải lập các chứng từ hàng tháng; sau đó, cuối năm được quyết toán và thanh toán một lần.
Việc Lê Thị Dung chỉ đạo Nguyễn Thị Hương - kế toán Trung tâm GDTX huyện Hưng Nguyên lập chứng từ kế toán, thanh toán tiền thừa giờ (lần 2) đối với các nội dung bí thư chi bộ, học cao học, tập huấn cho Lê Thị Dung, từ đó Lê Thị Dung hưởng lợi số tiền trên là hành vi phạm tội có tính liên tục, kéo dài.
Do đó, HĐXX phúc thẩm xác định các bị cáo Lê Thị Dung, Nguyễn Thị Hương phạm tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo quy định tại khoản 1 Điều 356 Bộ luật Hình sự.
Quá trình điều tra, xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, bị cáo đã khai nhận đầy đủ về việc xây dựng quy chế, kê khai quy đổi để được thanh toán, số tiền đã nhận, đúng với các tài liệu có tại hồ sơ vụ án. Điều này thể hiện bị cáo đã thành khẩn khai báo về hành vi phạm tội của mình, do đó có căn cứ áp dụng tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm s, khoản 1, Điều 51 Bộ luật Hình sự đối với bị cáo.
"Việc tòa án cấp sơ thẩm không xem xét áp dụng tình tiết giảm nhẹ này cho bị cáo là thiếu sót, cần rút kinh nghiệm", chủ tọa cho hay.
Ngoài ra, quá trình công tác, bị cáo Dung có nhiều thành tích xuất sắc nên được hưởng thêm các tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm v, khoản 1 và khoản 2, Điều 51 Bộ luật Hình sự.
Từ các phân tích trên, HĐXX nhận định tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt bị cáo 5 năm tù là quá nghiêm khắc. HĐXX cấp phúc thẩm quyết định sửa bản án sơ thẩm, xử phạt bị cáo Lê Thị Dung mức án như trên.