Vợ đoạt mạng chồng sau lễ thôi nôi con
Những tháng ngày vui vẻ đã biến mất khi cô vợ không kiềm chế được cơn nóng giận, vung tay đoạt mạng chồng sau lễ thôi nôi của con.
Nghèo khó sinh bất hòa
Nhờ sự mai mối, năm 2012, Phạm Thị Tứ (SN 1993) nên duyên vợ chồng với anh Nguyễn Tố Trung (SN 1984, ngụ cùng xã Hành Thuận, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi). Sau đám cưới, vợ chồng đưa nhau vào TP.HCM, chồng làm thợ sắt, vợ làm công nhân may ở huyện Bình Chánh.
Tháng 6/2013, đứa con trai đầu tiên ra đời. Dù cực nhọc hơn trước, nhưng vợ chồng hạnh phúc vì có thêm tiếng cười con trẻ. Cuối tháng 5/2014, họ đưa con về quê như đã dự tính. Cũng trong thời gian này, Tứ lần thứ hai mang thai.
Tiệc thôi nôi được anh em nội ngoại, bè bạn kéo đến chúc tụng. Tuy nhiên chính trong ngày vui đó, Trung biết được tin vợ đã tự ý đi phá thai, dù trước đó Trung ra sức khuyên can năn nỉ vợ đừng phá bỏ. Vậy là cuộc vui biến thành “cuộc chiến” giữa vợ chồng.
Sau lễ thôi nôi, vợ chồng Tứ trở lại Sài Gòn đi làm ăn. Trưa 6/8/2014, Trung cầm thẻ ATM của vợ đi kiểm tra tài khoản, phát hiện trong thẻ có số dư 1,1 triệu đồng. Cho rằng đây là số tiền thiếu minh bạch, Trung về phòng trọ gằn giọng truy vấn vợ.
Dù được vợ giải thích đó là số tiền trợ cấp thất nghiệp sau kỳ nghỉ sinh nhưng Trung vẫn không tin, mà cho rằng vợ giấu tiền để tiêu riêng. Hai bên “khẩu chiến” om sòm xóm trọ. Giận vợ, Trung dắt xe ra khỏi phòng rồi bế đứa con theo, nói “sẽ về quê sinh sống”. Tứ chạy tới giành con với chồng, bị tát nhiều cái vào mặt, đuổi ra khỏi nhà.
Buồn tủi cộng uất ức, cô gái lên gác xếp quần áo nói bỏ đi nơi khác. Trung đi theo đá vào lưng vợ. Tứ cho rằng khi đó ôm con bên tay trái, còn tay phải cầm dao Thái Lan dài 30cm với ý định nếu chồng giành con thì mình sẽ tự tử.
Thấy vợ cầm dao, Trung chạy tới bếp lấy chày đâm tiêu lao vào giành con. Trong lúc giằng co, Trung cầm chày đập vào đầu vợ nhiều cái khiến Tứ đau đớn. Không làm chủ được bản thân, người vợ vung dao đâm một nhát chí mạng vào ngực trái chồng.
Nạn nhân lảo đảo chạy qua phòng trọ bên cạnh nhờ người đưa đi cấp cứu. Tứ đi theo ra trạm xá xã Vĩnh Lộc B xem xét tình hình. Khi được nhân viên y tế ở đây cho biết vết thương quá nguy hiểm, cần phải chuyển lên bệnh viện Chợ Rẫy cứu chữa, thì Tứ không lên bệnh viện, mà quay về phòng trọ thay quần áo dính máu, lấy con dao hung khí rửa sạch, cất vào chỗ cũ.
Cô gái ở lại nhà trọ cho tới lúc công an xuất hiện, đưa về trụ sở.
Vụ án đã hai lần đưa ra xét xử, nhưng đều phải hoàn trả hồ sơ để làm rõ động cơ giết chồng của Tứ, bởi vụ án này không có nhân chứng trực tiếp, mà chỉ nghe qua lời khai nhận của Tứ, nhưng kết quả điều tra vẫn không có gì mới. Bị can do đang nuôi con nhỏ nên được tại ngoại.
Mất cả tình thông gia
Phiên sơ thẩm xét xử vụ án diễn ra vào một ngày cuối tháng 8/2015. Đi cùng Tứ là người cha khắc khổ mới lặn lội từ Quảng Ngãi vào. Một số người thân bị hại cũng không ngại đường sá xa xôi vào tham dự phiên tòa.
Bị cáo ngồi ở hàng ghế trên cùng, mặt cúi gằm, sau lưng là bao ánh mắt của phía gia đình chồng. Dù ngồi cùng nhau nhưng hai bên sui gia không nhìn mặt nhau, không chuyện trò hỏi han gì.
Tại tòa, Tứ gửi lời xin lỗi gia đình chồng. Cô lí nhí khai: “Dù tui đã giải thích cho chồng nghe về nguồn gốc của số tiền đó, nhưng anh không tin mà còn chửi bới, đánh tát tui rồi ôm con qua gửi một chị ở phòng bên cạnh.
Tui sợ anh đưa con về quê, nên chạy qua bế con về. Lúc tui lên gác xếp đồ, anh ấy xông vào đấm đá. Quá đau, tui xuống nhà vừa ôm con, vừa cầm con dao dọa nếu anh ấy giành con thì sẽ tự tử. Bị đập ba cái vào đầu, choáng váng, tui đâm chồng một nhát vào ngực”.
Lời khai của Tứ bị chủ tọa đặt nghi vấn: Vừa bế con nhỏ, vừa cầm dao sắc bén mà không hề sợ nguy hiểm tới con hay sao? Bị cáo muốn tự tử, sao không thực hiện, lại bế con theo làm gì?
Đại diện cho gia đình bị hại đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo mức án nghiêm khắc, bồi thường tiền mai táng phí và tổn thất tinh thần. Về cháu bé, gia đình bên nội đòi nuôi mà không yêu cầu bị cáo phải cấp dưỡng.
Trong phần bảo vệ cho gia đình bị hại, vị luật sư liên tục truy vấn, cho rằng bị cáo “quá khôn ngoan, xảo quyệt, máu lạnh” đến mức quay lại phòng trọ thay quần áo, rửa hung khí. “Bị cáo chỉ chú ý đến việc tiêu hủy vật chứng vụ án, mặc cho chồng đang hấp hối ở bệnh viện”, luật sư nói.
Vị luật sư này còn phân tích về những điều kiện tốt hơn từ phía gia đình chồng; những khó khăn của bị cáo và bên nhà Tứ; nhằm thuyết phục bị cáo tự nguyện giao con cho nhà chồng nuôi. Tứ vẫn nhất quyết không chịu, đề nghị tòa để con cho mình nuôi.
Phiên tòa khép lại với bản án 18 tháng tù dành cho bị cáo. Về vấn đề nuôi con, tòa không giải quyết, bởi không thuộc thẩm quyền. HĐXX cũng giải thích cho gia đình bị hại biết quyền nuôi con thuộc về cha mẹ cháu bé, chứ những người khác không có quyền tranh giành./.
Theo Hoàng Quý
Pháp luật Việt Nam