1. Dòng sự kiện:
  2. Nam shipper bị đánh tử vong
  3. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  4. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Vị tướng của đại ngàn

Cuộc đời của ông đã quen với đời sống quân ngũ, nỗi nhớ bản làng những ngày cùng ăn cùng ở, nhớ những cánh rừng một thời lăn lội gió sương, nhớ cái cười hoang dã của người già làng… đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời binh nghiệp của ông.

Ông có một giọng cười không lẫn vào đâu được, khiến người nghe như nhẹ nhõm tâm hồn, lòng thảnh thơi trước những bộn bề lo toan. Một buổi trống lịch công tác hiếm hoi của Trung tướng KSor Nham - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật (Bộ Công an), cho tôi cơ hội ghi lại những câu chuyện về cuộc đời binh nghiệp, vốn là thứ quý báu nhất mà ông trân trọng cất giữ trong sâu thẳm miền nhớ.

Khi bản làng có anh

Xuất thân trong gia đình giàu truyền thống cách mạng, cha ông là KSor Ní - Cán bộ tham gia tổng khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945. Sau giải phóng miền Nam, cụ là Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai. Sau khi nhập tỉnh thành Gia Lai - Kom Tum, cụ làm Chủ tịch UBND tỉnh.

Noi gương cha, anh chị em trong gia đình KSor Nham đều ham học, sau này trở thành những cán bộ lãnh đạo nòng cốt ở Trung ương và địa phương. Anh trai đầu là KPă Phương - Cán bộ hưu trí. Tiếp đến là KSor Phước, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai, hiện nay là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng - Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội. Và chị gái KSor H'Nham - cán bộ hưu trí.

KSor Nham lớn lên, tự hào mang hai dòng máu, Gia Rai và Ba Na (mẹ ông là Nguyễn Thị Chín, người Ba Na Bình Định, tập kết ra Bắc năm 1954). KSor Nham được sinh ra trên đất Bắc (ngày 30/4/1960), nơi đã nuôi dưỡng tuổi thơ của ông những ngày đất nước còn chìm trong khói lửa chiến tranh. Khi cha có lệnh phải đi Nam, anh em ông vào học trường cán bộ dân tộc miền Nam. Năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông quay trở về quê cha.

Không biết từ bao giờ, khát khao được làm người lính Công an đã thẩm thấu vào ước mơ của KSor Nham. 16 tuổi, ông nằng nặc xin cha đi làm Công an nhưng cha từ chối vì muốn con tập trung vào việc học.

Trung
tướng KSor Nham.


Trung tướng KSor Nham.

Suốt một năm ấp ủ giấc mơ, thuyết phục cha, cuối cùng, tháng 10/1976, KSor Nham được thỏa nguyện mặc bộ quân phục người chiến sĩ Công an. Nhiệm vụ đầu tiên của chiến sĩ KSor Nham là làm trinh sát. Tháng 12/1976, KSor Nham được cử tăng cường về xã Nhơn Hòa (huyện Chư Prông cũ, nay là huyện Chư Sê, Gia Lai).

Tuổi trẻ tràn đầy lý tưởng và hoài bão, trinh sát KSor Nham thường lặn lội xuống các bản làng, để được gần dân. Tình hình Gia Lai - Kom Tum lúc bấy giờ vô cùng khó khăn, phức tạp, FULRO hoạt động vũ trang manh động. Trong gian khổ, hiểm nguy ông lại thấy cuộc đời làm Công an có cái gì đó hấp dẫn hơn, ông miệt mài với những chuyến công tác xuống cơ sở.

Thời gian đã tích lũy cho ông những bài học xương máu, tôi rèn thêm ý chí, bản lĩnh của người chiến sĩ Công an. Năm 1988, KSor Nham được điều về làm Phó Công an huyện Auyn Pa. Khi ấy, ông mới 28 tuổi. Phụ trách An ninh, ông cùng Ban chỉ huy Công an huyện bố trí theo hai hướng trọng điểm trên địa bàn huyện, phân loại đối tượng theo tuyến, địa bàn, thắt chặt quản lý, nắm bắt tình hình. Tháng 1/1989, KSor Nham chuyển về làm Phó phòng Bảo vệ An ninh nội bộ. Khi Gia Lai tách tỉnh, ông được bổ nhiệm vị trí Trưởng phòng. Lúc bấy giờ, Phòng An ninh nội bộ có nhiệm vụ xây dựng phong trào quần chúng ở các cơ quan, bảo vệ an toàn tuyến đường điện 500KV...

KSor Nham - Anh hùng Núp

Năm 1995, đoàn làm phim "Đất nước đứng lên" về Gia Lai tìm kiếm diễn viên chính đóng vai Anh hùng Núp. KSor Nham có một người bạn quen biết đạo diễn bộ phim, trong buổi  hàn huyên tâm sự, nghe vị đạo diễn than thở về việc tuyển lựa vai Anh hùng Núp, ông bạn của KSor Nham nói liền: "Tôi có một người rất hợp để đóng vai chính, để tôi giới thiệu".

Như bắt được vàng, đoàn làm phim liên lạc ngay với KSor Nham. Vừa nhìn thấy Ksor Nham, đạo diễn đã thoáng giật mình bởi phong thái và dáng dấp của ông có một sự tương đồng gần như là tuyệt đối với Anh hùng Núp. Một cuộc họp của hội đồng nghệ thuật đưa ra, nhanh chóng chốt diễn viên chính. Được lãnh đạo Bộ Công an đồng ý cho đóng phim, KSor Nham bắt tay vào nghiên cứu kịch bản.

Chưa bao giờ đóng phim, và khi ấy điện ảnh về làng là một sự kiện gì đó vô cùng lạ lẫm với bà con vùng núi. Bản thân KSor Nham ngoài học thuộc lời thoại trong kịch bản còn phải thể hiện làm sao nổi bật lên phong thái, hình tượng vị anh hùng của quê hương Tây Nguyên. Một lợi thế tuyệt vời chính là Anh hùng Núp và  cha của KSor Nham rất thân thiết với nhau. Là người cùng làng, KSor Nham hiểu rất rõ về cuộc đời Anh hùng Núp, KSor Nham vẫn hay gọi thân mật là bác Núp. Trước khi đóng phim, đoàn làm phim có đến xin ý kiến bác Núp, được bác gật đầu ngay.

Nụ cười của vị tướng trở thành nét
đẹp thân thương trong lòng người dân Tây Nguyên.

Nụ cười của vị tướng trở thành nét đẹp thân thương trong lòng người dân Tây Nguyên.

Yêu cầu đạo diễn đưa ra rất khắt khe, diễn viên chính phải tập đi tập lại nhiều lần. Trung tướng KSor Nham cho biết: "Cái khó nhất trong việc thể hiện thần thái của Anh hùng Núp là nụ cười. Diễn viên phải cười làm sao thật tự nhiên, để toát lên cái thần thái oai hùng một con người của núi rừng. Hơn hai tháng tham gia các cảnh quay xung quanh ngôi làng Công Hoa, cảnh chạy trong rừng phải đi chân đất, mà dưới đất là những gốc cây lổn ngổn vừa dọn xong nên có lúc đâm toác bàn chân.

Trung tướng KSor Nham bảo, phải hóa thân vào nhân vật, phải quên đi cuộc sống hiện tại, bởi hình tượng Anh hùng Núp là một huyền thoại của đồng bào Tây Nguyên trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Điểm nhấn xuyên suốt trong bộ phim "Đất nước đứng lên" là cảnh Anh hùng Núp quyết tâm bắn thằng Pháp để chứng minh cho bà con thấy rằng: "Giặc Pháp không phải là Yiàng. Bị bắn, nó cũng chảy máu". Đồng thời làm nổi bật được nét văn hóa cộng đồng trong các buôn làng.

Đóng xong phim, ông trở về với công việc thường nhật của người Trưởng phòng An ninh. Nhưng điều đọng lại sau đó là bà con thấy KSor Nham ngoài đời hay gọi ông là "anh Núp". Và, bức tượng Anh hùng Núp thời trẻ đã lấy nguyên mẫu Trung tướng KSor Nham.

Vẫn mãi là chiến sĩ Công an

KSor Nham lần lượt được đề bạt chức Phó Giám đốc Công an tỉnh phụ trách An ninh rồi Giám đốc Công an tỉnh. Gia Lai ngày ấy tiềm ẩn nhiều phức tạp, một số nhóm đối tượng phản động nổi lên đòi hỏi công tác An ninh phải bám sát địa bàn, nắm bắt đối tượng Fulro cộm cán từ Mỹ về Tây Nguyên âm mưu xây dựng lực lượng quần chúng cực đoan nhằm chống phá chính quyền.

Lực lượng Công an toàn tỉnh Gia Lai phải đưa ra những phương án đấu tranh vừa khôn khéo vừa quyết liệt. Trên cương vị Giám đốc công an tỉnh, đồng chí KSor Nham đã kịp thời xin chủ trương của Thường trực Tỉnh ủy, nhanh chóng, triển khai các kế hoạch làm vô hiệu hóa âm mưu của thế lực cầm đầu FULRO. Thực hiện vận động quần chúng, nói cho đồng bào hiểu, giảng cho đồng bào nghe. Và, bài học lớn nhất lực lượng Công an tích lũy được trong vấn đề giải quyết FULRO chính là bài học gần dân, làm sao để đồng bào có cảm tình với Công an, tin tưởng cán bộ.

Là người con Gia Rai, lớn lên và trưởng thành trên mảnh đất Tây Nguyên, nơi nắng và gió đã ngấm vào màu da, mạch máu, hơn ai hết, ông hiểu được nỗi lòng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Ở họ, luôn một lòng hướng về Đảng, như dòng suối chảy mãi về nguồn.

Trung
tướng KSor Nham thường xuyên xuống cơ sở thăm hỏi bà con.


Trung tướng KSor Nham thường xuyên xuống cơ sở thăm hỏi bà con.

Tháng 6/2004, ông được bầu làm Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai. Bao nhiêu năm mang trên mình bộ sắc phục người Công an, say mê cháy bỏng với nghiệp An ninh, khi chuyển sang làm "ông Hội đồng", KSor Nham không thôi trăn trở. Vẫn biết đó là trách nhiệm của tổ chức giao phó và sự tin yêu của người dân, nhưng ông luôn có một tình yêu máu thịt với ngành Công an. Cuộc đời của ông đã quen với đời sống quân ngũ, nỗi nhớ bản làng những ngày cùng ăn cùng ở, nhớ những cánh rừng một thời lăn lội gió sương, nhớ cái cười hoang dã của người già làng… đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời binh nghiệp của ông.

Tháng 12/2006, ông được Bộ Công an tiếp nhận trở lại và giữ cương vị Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần (nay là Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật). Một lần nữa, khát vọng cháy bỏng được làm Công an với ông đã trở thành hiện thực.

Từ ngày ông về TP HCM làm việc, thì người vợ vẫn ở lại quê hương Gia Lai, gắn bó với nghề y. Bà hiện là Giám đốc Trung tâm Giám định y khoa tỉnh Gia Lai. Là một Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần Kỹ thuật (Bộ Công an), Trung tướng KSor Nham ít có thời gian về thăm gia đình ở TP Pleiku. Bù lại những ngày cuối tuần, người vợ lặn lội từ phố núi xuống thăm chồng. Niềm tự hào của một vị tướng, chính là đã góp một phần nhỏ bé của mình cho sự bình yên phồn thịnh của quê hương Gia Lai và đảm bảo vững chắc công tác Hậu cần, Kỹ thuật cho lực lượng Công an.

Theo Ngọc Thiện

Cảnh sát toàn cầu