1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Vì sao gia đình không làm đơn xin giảm án cho Hồ Duy Hải?

(Dân trí) - Gia đình Hồ Duy Hải không làm đơn gửi Chủ tịch nước xin giảm án cho Hồ Duy Hải mà tiếp tục gửi đơn kêu cứu gửi các cơ quan chức năng và cung cấp thêm chứng cứ mới trong vụ án.

Vì sao gia đình không làm đơn xin giảm án cho Hồ Duy Hải? - 1

Gia đình tiếp tục hành trình kêu oan cho Hồ Duy Hải. 

Ngày 19/5, trao đổi với PV Dân trí, đại diện gia đình Hồ Duy Hải cho biết: "Gia đình tôi không làm đơn xin Chủ tịch nước giảm án cho Hồ Duy Hải mà tiếp tục kêu oan đến các cơ quan chức năng. Vừa qua, gia đình cũng đã gửi thêm một bằng chứng mới chứng minh hung thủ là người thuận tay trái, trong khi đó Hải lại thuận tay phải".

Theo gia đình Hồ Duy Hải, vừa qua gia đình khá thất vọng khi Hội đồng thẩm phán giám đốc thẩm đã ra quyết định bác bỏ kiến nghị hủy toàn bộ hai bản án kết tội Hồ Duy Hải, điều tra lại vụ án của Viện kiểm sát tối cao.

Sau phiên tòa giám đốc thẩm, gia đình và luật sư Trần Hồng Phong (Đoàn luật sư TPHCM, người hỗ trợ pháp lý, kêu oan cho Hồ Duy Hải) đã rà soát lại hồ sơ vụ án và đã phát hiện thêm một tình tiết ngoại phạm của Hồ Duy Hải. Cụ thể, đó là cơ chế hướng vết cắt trên cổ hai nạn nhân cho thấy hung thủ sát hại hai nữ nhân viên phải là người thuận tay trái. 

"Trong khi đó, Hồ Duy Hải là người thuận tay phải. Trong các bản khai, khi thực nghiệm điều tra và kết luận trong Kết luận điều tra, Cáo trạng và các bản án (sơ thẩm, phúc thẩm) đều thể hiện Hải từ vị trí phía trước, dùng tay phải cầm dao cắt cổ hai nạn nhân. Điều này chắc chắn sẽ không thể gây ra được hướng vết cắt như ghi nhận trên thi thể hai nạn nhân. 

Nếu tình tiết hung thủ là người thuận tay trái được kiểm chứng và xác định thì đây chính là một chứng cứ ngoại phạm quan trọng của tử tù Hồ Duy Hải. Khái niệm “ngoại phạm” ở đây là sự không liên quan đến hành vi giết người", đại diện gia đình Hồ Duy Hải nhấn mạnh.

Vì sao gia đình không làm đơn xin giảm án cho Hồ Duy Hải? - 2

Hồ Duy Hải 

Như Dân trí đã đưa tin, trong các ngày từ 6-8/5/2020, TAND tối cao (trụ sở tại Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã mở phiên tòa Giám đốc thẩm xét xử vụ án hình sự đối với bị cáo Hồ Duy Hải (SN 1985, ở quận 5, TPHCM) phạm tội "Giết người" và "Cướp tài sản". 

Chiều 8/5/2020, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã bác kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, giữ nguyên bản án phúc thẩm có hiệu lực từ ngày 28/4/2009, tuyên phạt Hồ Duy Hải tử hình về tội "Giết người" và "Cướp tài sản".

Ngay khi Hội đồng thẩm phán TAND tối cao công bố quyết định trên, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, vẫn còn cơ hội xem xét lại quyết định này.

Cụ thể, theo điều 404 Bộ luật tố tụng hình sự, khi có căn cứ xác định quyết định của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà Hội đồng thẩm phán TAND tối cao không biết được khi ra quyết định đó, nếu Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị, Chánh án TAND tối cao đề nghị thì Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao phải mở phiên họp để xem xét lại quyết định đó.

Trường hợp Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu thì Chánh án TAND tối cao có trách nhiệm báo cáo Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao để xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao.

Trường hợp Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị thì Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao mở phiên họp xem xét kiến nghị đó.

Trường hợp Chánh án TAND tối cao đề nghị thì báo cáo Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao mở phiên họp xem xét đề nghị đó.

Xuân Hinh