1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Vì sao đại gia Trần Quí Thanh không đồng ý trả 194 tỉ đồng?

(Dân trí) - Ông Trần Quí Thanh cho rằng số tiền 194 tỉ đồng bị cấp sơ thẩm thu hồi không liên quan tới vụ án. Ngoài ra, ông Thanh cũng cho rằng cấp sơ thẩm vi phạm tố tụng nghiêm trọng.

Chiều 13/12, TAND cấp cao tại TPHCM mở phiên tòa xét xử phúc thẩm đối với bị cáo Phạm Công Danh (sinh năm 1965, cựu Chủ tịch HĐQT ngân hàng VNCB, tập đoàn Thiên Thanh) cùng đồng phạm về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Vi phạm tố tụng

Bản án sơ thẩm tuyên buộc ông Trần Qúi Thanh phải hoàn trả lại cho CB số tiền hơn 194 tỉ đồng được xem là vật chứng vụ án liên quan đến hành vi cố ý là trái của Phạm Công Danh cùng đồng phạm.

img_2542

Các bị cáo tại tòa.

Ông Trần Quí Thanh cho rằng số tiền 194 tỉ đồng bị cấp sơ thẩm thu hồi không liên quan tới vụ án. Số tiền này là giao dịch dân sự của Phạm Thị Trang trả cho Trần Ngọc Bích, số tiền này do Hồ Thị Phương chuyển vào tài khoản của ông Trần Quí Thanh tại Eximbank. Không có căn cứ xác định tiền này xuất phát từ hành vi phạm tội của Phạm Công Danh. Bên cạnh đó, ông Trần Quí Thanh chũng cho rằng số tiền 194 tỉ đồng không phải là vật chứng của vụ án, không được thu giữ và bảo quản theo quy định trong các giai đoạn tố tụng.

Về tố tụng, ông Trần Quí Thanh cho rằng cấp sơ thẩm vi phạm tố tụng nghiêm trọng. Trong kết luận điều tra, cáo trạng không đề cập đến việc thu hồi số tiền này. Tại phiên toà sơ thẩm, đại diện Viện kiểm sát cũng không đề nghị HĐX X thu hồi số tiền này. Toà sơ thẩm tuyên thu hồi số tiền 194 tỉ đồng nhưng không cho ông Trần Quí Thanh được trình bày, tranh luận mà chi căn cứ vào lời khai từ một phía tại phiên tòa để đưa ra phán quyết.

Ngoài ra, ông Trần Quí Thanh cho rằng bị cáo Phạm Công Danh bị truy tố về hành vi rút 6.123 tỉ đồng từ ngân hàng Xây dựng để trả cho 3 ngân hàng Sacombank, TPBank và BIDV.Tại phiên toà sơ thẩm, đại diện Viện kiểm sát đề nghị thu hồi số tiền 6.123 tỉ đồng Phạm Công Danh rút từ ngân hàng Xây dựng để trả cho Sacombank, TPBank và BIDV, vì có nguồn gốc từ hành vi phạm tội. Tuy nhiên, Toà sơ thẩm không thu hồi vì cho rằng số tiền 6.123 tỉ đồng được trả cho 3 ngân hàng Sacombank, TPBank và BIDV là hợp  pháp. Trong khi, giao dịch của ông Trần Quí Thanh là hợp pháp, không có nguồn gốc từ hành vi phạm tội nhưng lại bị thu hồi.

Có nguy cơ gây thiệt hại tài sản của nhà nước

Tiếp đó, đại diện CB (tiền thân VNCB) cho rằng việc thu thập, đánh giá chứng cứ và áp dụng pháp luật ở cấp sơ thẩm chưa phù hợp, chưa toàn diện, có nguy cơ gây thiệt hại tài sản của nhà nước do số tiền này sau khi hạch toán tăng vốn điều lệ lên 7.500 tỉ đồng thì 4.500 tỉ đồng đã trở thành vốn chủ sở hữu của VNCB.

Báo cáo tài chính đã được kiểm toán của VNCB tại thời điểm 31/12/2013 cho thấy lỗ lũy kế hơn 11.000 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu âm hơn 8.000 tỉ đồng. Theo CB, đến thời điểm khởi tố vụ án, vốn chủ sở hữu của VNCB âm hơn 18.000 tỉ đồng, tổng nợ phải trả là hơn 38.000 tỉ đồng, tổng tài sản là 16.745 tỉ đồng.

Như vậy xét về vốn chủ sở hữu số tiền 4.500 tỉ đồng không còn, xét về tài sản thì tổng tài sản nhỏ hơn rất nhiều so với nợ phải trả.

Hồ sơ cho thấy các bị cáo Phạm Công Danh, Phan Thành Mai trực tiếp chỉ đạo VNCB tăng vốn điều lệ khi chưa được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, khoản tiền 4.500 tỉ đồng được sử dụng để tạo nguồn cho các hành vi vi phạm pháp luật tiếp theo, một phần để kinh doanh rồi bị thua lỗ.

Do đó, các bị cáo trong vụ án này có vai trò trực tiếp điều hành, sử dụng 4.500 tỉ đồng nên phải tự chịu trách nhiệm về việc mất vốn, vì thế VNCB hay CB không phải kế thừa trách nhiệm trong việc trả lại số tiền cho cổ đông vì cổ đông góp vốn chính là các bị cáo, pháp nhân do các bị cáo đã lập ra đã chuyển 4.500 tỉ đồng vào VNCB để sử dụng cho các lần phạm tội kế tiếp.

CB cho rằng bản án sơ thẩm nhận định trong số tiền 4.500 tỉ đồng có hơn 2.371 đồng tỉ từ khoản vay của BIDV và TPbank là vật chứng của vụ án, được xem như đã thu hồi.

Xuân Duy