1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Vì đâu họ giết con?

“Hổ dữ không nỡ ăn thịt con”, ông bà ta nói vậy nhưng thời gian qua liên tục xảy ra các vụ cha mẹ giết con gây xôn xao trong dư luận. Điều gì đang xảy ra?

Lại thêm vụ mẹ giết con. Hôm 17-10, người mẹ 25 tuổi ở huyện Nhà Bè, TP HCM dùng gối đè con 1 tuổi cho đến chết rồi dùng dây điện siết cổ tự tử.

Bị cáo N.A.K sau phiên tòa

Bị cáo N.A.K sau phiên tòa

Quá đau lòng!

Người mẹ sau đó được cứu qua khỏi cơn nguy kịch. Người chồng chẳng hiểu tại sao vợ lại đoạt mạng sống của chính con mình!

Theo TS Ngô Xuân Điệp, Trưởng Khoa Tâm lý học Trường ĐH KHXH&NV TP HCM, nguyên nhân cơ bản dẫn đến những sự việc đau lòng đó chính là do cuộc sống “cơm không lành, canh không ngọt” của các cặp vợ chồng, từ đó nảy sinh nhiều mâu thuẫn, những bế tắc không có lối thoát. Xét về mặt đạo đức và pháp luật, đó là những hành vi vô nhân tính, man rợ, không thể chấp nhận được và buộc phải bị trừng phạt. Chỉ vì sự ích kỷ, nhỏ nhen, muốn trả thù người bạn đời, họ đã chọn giải pháp giết con - tài sản quý giá nhất của vợ chồng - để thỏa nỗi ấm ức, làm đối phương đau khổ. Đó là động cơ đê hèn, không thể tha thứ.

Nhưng nếu nhìn dưới góc độ nhân văn, kẻ gây án thường bị nỗi bức xúc, thiệt thòi dồn nén lâu ngày, bức bí trong cuộc sống, trong khi họ thiếu kỹ năng sống, không tìm được người để chia sẻ... đã dẫn đến việc cảm xúc lấn át lý trí và hành động tiêu cực, đi trái với đạo đức con người.

“Khi con người không thể vượt qua được những cú sốc, những nỗi đau dồn nén thì đều có nguyên nhân sâu xa từ những bí bách trong gia đình và các mối quan hệ của họ. Ngoài ra, sự suy thoái về đạo đức, luôn đặt cái tôi của mình lên trên hết cũng là nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội của những đối tượng này” - TS Ngô Xuân Điệp đúc kết.

Bột phát nhất thời, ăn năn cả đời

Còn theo TS Trương Văn Vỹ, giảng viên xã hội học tội phạm Trường ĐH KHXH&NV TP HCM, ở xã hội nào, thời đại nào cũng vậy, mọi chuyện đều có thể xảy ra. Điều đáng quan tâm là thời gian gần đây, số vụ cha mẹ bạc đãi, sát hại con cái xảy ra liên tiếp đã nói lên một điều rằng người ta ngày càng vô cảm, lạnh nhạt và bình thường hóa sự việc. Điều này thực sự rất nguy hiểm.

Ở góc độ xã hội học tội phạm, đa số các vụ giết con thường xảy ra do đứa con có nguồn gốc không chính đáng hoặc là kết quả của một mối tình không mong đợi. Cũng có những người giết con để người bạn đời phải đau khổ, dằn vặt mãi mãi. Gần đây, một số cặp vợ chồng trẻ hành hạ con do có liên quan đến ma túy...

TS Trương Văn Vỹ băn khoăn: “Đáng nói là, thường khi trẻ đã bị xâm hại về thể chất thì pháp luật mới vào cuộc để giải quyết hậu quả của những vụ án đau lòng. Pháp luật chưa phát huy vai trò rất quan trọng là răn đe, ngăn ngừa”.

Từng nhiều lần xét xử các vụ án cha, mẹ giết con, luật sư Nguyễn Thị Thu Thủy (nguyên Phó Chánh Tòa hình sự TAND TP HCM) suy tư: “Nhiều lần đọc hồ sơ các vụ đánh đập, giết trẻ em, tôi rất căm giận người gây án nhưng suy nghĩ lại thì thấy họ cũng là nạn nhân của vụ việc. Đáng thương hơn cả chính là người thân ruột thịt của họ phải sống cuộc đời còn lại trong dằn vặt, đau khổ. Đứa trẻ đâu có tội tình gì? Những người làm cha mẹ giết con rồi tự sát với ý định chết cùng con nhưng khi ra vành móng ngựa thì khóc than, xin được sống, được chuộc lại lỗi lầm do mình gây nên… Một đứa con đã mất đi, phải chuộc lại bằng cách nào đây?”.

Theo luật sư Thủy, ở một số vụ án điển hình cho thấy những người phạm tội do bị áp lực cuộc sống đè nặng, những dồn nén, bực tức kéo dài, áp lực về xã hội phải là một người cha, người mẹ lo cho con có cuộc sống đầy đủ... Cũng có khi những người trẻ gánh vai trò làm cha mẹ khi chưa đủ hành trang, kinh nghiệm sống khiến họ suy nghĩ chưa đến nơi đến chốn. Bên cạnh đó, có những đứa con ngỗ nghịch, chửi cha mắng mẹ khiến cha mẹ không kiềm chế được tức giận dẫn đến gây án…

“Mỗi vụ án là một bi kịch gia đình, một nỗi đau riêng mà những người thụ lý vụ án và xét xử như chúng tôi, từ khi đọc hồ sơ cho đến kết thúc vụ án, phải trằn trọc, suy nghĩ rất nhiều” - luật sư Thủy tâm sự.

Nước mắt muộn màng

Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, cũng không có anh chị em ruột thịt, sau một thời gian ra nước ngoài sinh sống, ông N.A.K (SN 1959) trở về Việt Nam. Ông gặp và chung sống như vợ chồng với bà T.T.T.X (SN 1982), có với nhau 2 người con. Sau gần 10 năm chung sống, do có nhiều mâu thuẫn, họ chia tay, bà X. nuôi con, ông K. thỉnh thoảng về thăm, đưa con đi chơi.

Ngày 4-1-2014, ông K. đến nhà bà X. xin phép dẫn cháu N.H.P (SN 2009, con trai thứ hai) đi chơi, sau đó thuê khách sạn nghỉ lại. Gần sáng, ông K. bỗng nảy sinh ý định giết chết con rồi tự sát để làm bà X. ân hận, đau khổ. Sau khi dùng gối đè lên mặt cháu P. cho đến khi tắt thở, ông K. viết thư tuyệt mệnh rồi dùng dao tự đâm mình nhưng được nhân viên khách sạn phát hiện, đưa đi cấp cứu.

Tại tòa, vị chủ tọa hỏi: “Bị cáo về nhà bà X. với mục đích gì?”. Ông K. mếu máo: “Tôi nhớ con nên về thăm và đưa con đi chơi...Con trai tôi ngoan lắm, đi chơi cứ líu lo “bố ơi, bố à”. Cháu rất thương tôi mà tôi cũng rất thương con...”. “Yêu thương con như vậy, lý do gì bị cáo lại dùng chính con mình để giải quyết mâu thuẫn của người lớn?”. Ông K. lắc đầu, những giọt nước mắt cứ thế tuôn rơi. “Tôi ân hận lắm. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ cha con tôi chết thì vợ tôi sẽ đau khổ, dằn vặt vì bả đã ruồng bỏ tôi. Không ngờ con tôi chết, còn tôi lại sống... Những ngày tháng trong trại giam, hình ảnh con trai cứ ám ảnh khiến tôi nhiều lúc chỉ muốn chết cho xong...” - ông K. nức nở.

Bị tuyên chung thân, thoát án tử nhưng đôi mắt ông K. đầy u buồn. Những ám ảnh tội lỗi sẽ tiếp tục đeo bám ông đến hết cuộc đời.

Tâm Như

 

Báo động con sát hại cha

Mới nhất là vụ Đặng Hùng Phương ở Vĩnh Long giết cha ruột của mình là ông Đặng Văn Rô chỉ vì mâu thuẫn rồi đưa thi thể lên TP HCM phi tang. Trước đó cũng đã xảy ra nhiều vụ con giết cha.

TAND tỉnh Hậu Giang vừa mở phiên tòa phúc thẩm và đã chấp nhận kháng cáo giảm án từ 8 năm còn 6 năm tù đối với bị cáo Nguyễn Thiện Tâm (SN 1986, ngụ xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) về tội “Cố ý gây thương tích dẫn đến chết người”. Nạn nhân chính là ông Nguyễn Văn Sĩ (SN 1965), cha ruột của Tâm. Nguyên nhân dẫn đến sự việc đau lòng này là vì vào một buổi trưa cuối tháng 7-2013, sau khi đi nhậu về, ông Sĩ chửi bới Tâm một cách thậm tệ. Tâm phản ứng lại nên bị ông Sĩ dùng cưa đưa lên cổ Tâm, nói: “Hôm nay, tao cứa mày”. Tâm dùng tay gạt ngang khiến ông Sĩ té ngửa xuống nền nhà. Do ông Sĩ tiếp tục dùng chân đạp vào bụng Tâm nên Tâm đã dùng gạch dần vào mu bàn tay của cha, kèm theo câu nói: “Tui dần cho mai mốt ông hết đi bẻ cam”. Được đưa đi bệnh viện sau đó nhưng ông Sĩ đã tử vong.

Tại phiên tòa sơ thẩm lẫn phúc thẩm, bị cáo Tâm tỏ ra ăn năn hối cải và cho rằng mình không có định giết cha nhưng do hằng ngày bị cha bạo hành, cộng với việc hôm xảy ra vụ án, ông Sĩ đe dọa giết Tâm nên người con này không kiềm chế được cơn nóng. Mẹ bị cáo cũng van xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho con mình. Bởi theo bà, do ông Sĩ sống gia trưởng, hành hạ vợ, con nên mới xảy ra kết cục đau lòng như thế.

Trước đó không lâu, cũng tại xã Phú Tân, đã xảy ra vụ án con giết cha gây rúng động dư luận suốt thời gian dài. Nạn nhân là ông Nguyễn Văn Khương (SN 1952), còn hung thủ là Nguyễn Văn Út (SN 1992). Mới học hết cấp 1, Út nghỉ ngang rồi tụ tập bạn bè chơi bời lêu lổng. Giữa tháng 1-2013, Út kéo bạn bè về nhà ăn nhậu rồi ca hát, nhảy múa gây náo động cả xóm. Người anh khuyên Út dừng nhưng Út lại gây hấn rồi xảy ra cự cãi. Ông Khương khuyên nhủ thì bị Út xô té. Biết tính côn đồ của con, vợ ông Khương khuyên chồng sang nhà hàng xóm lánh mặt. Tuy nhiên, đi được một đoạn thì ông Khương quay trở lại để trị tội nghịch tử. Thấy cha quay về, Út chạy ra đánh mạnh vào mặt ông Khương và xô ông ngã xuống đường lộ. Bỏ mặt cha nằm bất động bên đường, Út thản nhiên vào nhà ngủ. Ông Khương tử vong sau đó ít phút vì bị chấn thương sọ não. Bị cáo Út sau đó lãnh án tù 11 năm.

Luật sư Nguyễn Văn Đức (Văn phòng Luật sư Vạn Lý, TP Cần Thơ), nhìn nhận: Phần lớn hành vi con giết cha, mẹ đều mang tính chất bột phát, do trạng thái tinh thần bị kích động mạnh. HĐXX thường tuyên mức án cao nhất của khung để răn đe, giáo dục chính bị cáo lẫn những người có nguy cơ phạm tội.

Công Tuấn

 
Theo Như Tâm - Phạm Dũng
Người lao động