Tuyên dương “Hiệp sĩ giao thông”
Thượng tá Lê Đức Đoàn là một trong 52 gương Hiệp sĩ giao thông điển hình của đợt phát sóng thứ 2 chương trình radio thực tế “Total - Hiệp sĩ giao thông” do Ủy ban ATGT quốc gia, kênh VOV giao thông (khu vực miền Bắc), Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM tổ chức ngày 6/12.
Chương trình “Total - Hiệp sĩ giao thông” nhằm hưởng ứng năm An toàn giao thông – năm 2012 của Chính phủ, nằm trong mục tiêu chung của toàn xã hội đó là “vì một giao thông an toàn”, thông qua việc vinh danh, cổ động những công dân Việt Nam có đóng góp tích cực cho an toàn giao thông cũng như nâng cao ý thức giao thông của người điều khiển phương tiện.
Giữa rừng xe nườm nượp qua cầu Chương Dương, dưới cơn gió lạnh buốt từ mặt sông Hồng lên, Thượng tá Lê Đức Đoàn bắt đầu một ngày làm việc căng thẳng trên cây cầu huyết mạch dẫn vào thành phố như từ 15 năm nay anh vẫn làm.
Kể từ khi được vinh danh công dân ưu tú Thủ đô, anh được nhiều người tham gia giao thông biết đến hơn, nên luôn thấy mình phải cố gắng phấn đấu hơn nữa. Hơn 30 năm công tác trong lực lượng Công an thì có tới 15 năm Thượng tá Lê Đức Đoàn được phân công nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông ở chốt phía Nam cầu Chương Dương.
Từ khi được nhận danh hiệu “công dân ưu tú”, cuộc sống, công việc của anh có khác trước không?” – tôi hỏi. Giọng khàn khàn, anh Đoàn dí dỏm: “Công việc vẫn thế, chỉ là tôi được nhiều người nhận ra thôi”. Anh kể cho chúng tôi nghe nhiều mẩu chuyện vui như có lần đưa con gái đến trường ở Học viện Ngoại giao, vừa dừng xe thì một bác bán hàng nước gần đấy reo lên: “Ô bác Đoàn ở cầu Chương Dương”.
Hoặc khi đang đứng phân luồng trên cầu, người dân qua lại nhận ra thì gật đầu, bắt tay. Có người ở Hải Phòng, Hưng Yên đến Hà Nội khi qua đây thấy anh đang làm nhiệm vụ còn dừng xe xuống xin chụp cùng anh vài kiểu ảnh làm kỷ niệm.
Trung tuần tháng 11 vừa rồi, trên đường đi làm về, nghe thấy tiếng tri hô “cướp, cướp” của một cô gái bị giật túi xách trên đường Cao Bá Quát – Hoàng Diệu anh đã vứt xe chạy bộ đuổi theo tên cướp. Sau 15 phút chạy khắp vườn hoa Lênin, tên cướp đã bị anh khóa tay. Vừa đúng lúc ấy, người dân chạy đến, họ nhận ra anh ngay và kêu lên: “Bác Đoàn bắt cướp” rồi chẳng ai bảo ai, một tràng vỗ tay vang lên.
“Mọi cử chỉ, tác phong của mình đều được nhân dân chú ý, nên phải luôn giữ gìn hình ảnh người Cảnh sát giao thông đẹp trong mắt mọi người. Tôi cảm thấy người dân có phần rất thiện cảm với sắc phục màu vàng” – anh Đoàn chia sẻ. Anh quan niệm rằng, không bao giờ đặt cho mình tiêu chí hay danh hiệu phải đạt được. Nhưng bản thân luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, phục vụ nhân dân vô điều kiện, được nhân dân yêu mến – đó chính là lẽ sống của anh.
Công việc của anh không phải là các chuyên án lớn như ở các đơn vị nghiệp vụ khác, mà đó chỉ là công việc hết sức dung dị và đời thường, nhưng anh quan niệm, mình phải có trái tim, không vô cảm trước công việc, trước nhân dân và trước đồng loại. Là công dân ưu tú Thủ đô, anh Đoàn nhận thấy mình phải cần mẫn hơn, hăng say và nhiệt tình hơn với công việc.
Nhận tin mình được vinh danh là Hiệp sĩ giao thông, anh Đoàn khá bất ngờ. Theo Ban tổ chức chương trình, lý do anh Đoàn được nhận danh hiệu này là tuy tuổi đã cao nhưng anh vẫn luôn xông xáo không chỉ trong vai trò công việc của mình mà còn nhiệt tình cứu người và xe cộ gặp nạn. Những đóng góp của anh đã được ghi nhận và thính giả bình chọn.
Các tập thể, cá nhân được tuyên dương trong chương trình “Total – Hiệp sĩ giao thông” ngày 6/12 là những người có đóng góp lặng thầm trong việc xây dựng, giữ gìn trật tự đường phố và bảo đảm ATGT trên cả nước. Nhiều tấm gương tiêu biểu như Hiệp sĩ giao thông Phạm Công Xuân ở Bình Dương với nghĩa cử tự chế xe máy hút đinh, tự nguyện đi hút đinh hàng ngày và vá xe miễn phí cho người bị nạn “đinh tặc” trên đường. Hay Hiệp sĩ giao thông Hồ Văn Điều, ở xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An tám năm làm công việc dắt trẻ qua đường đến trường và về nhà an toàn.
Ở tỉnh Lạng Sơn có 2 công dân được nhận danh hiệu Hiệp sĩ giao thông khi mà họ đều tự vay tiền xây cầu bắc qua sông cho bà con đi lại thuận tiện. Đó là ông Chu Văn Thi, người lái đò nghèo ở Lương Tháp, xã Nhạc Kỳ, huyện Văn Lãng tự vay tiền xây cầu bắc qua sông Kỳ Cùng và anh Phan Văn Hưng tự nguyện dành dụm, gom góp vốn liếng của gia đình được gần 100 triệu đồng để cùng bà con xây cầu bê tông bắc qua con sông Bắc Khê, thôn Bản Châu, xã Tân Tiến, huyện Tràng Định…