1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Tướng Hồ Sỹ Tiến kể hậu trường phá hai “thảm án”

Vụ trọng án ở Bình Phước tuy xảy ra sau vụ ở Nghệ An nhưng lại được phá án trước. Đã có người nói rằng, gia đình nạn nhân ở Bình Phước là đại gia nên công an tập trung điều tra, còn vụ ở Nghệ An là vùng heo hút nên không ai quan tâm.

Tướng
Hồ Sỹ Tiến trả lời báo chí về kết quả điều tra vụ thảm án ở Bình Phước.

Tướng Hồ Sỹ Tiến trả lời báo chí về kết quả điều tra vụ thảm án ở Bình Phước.

Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng Cục CSĐT Tội phạm về trật tự xã hội (C45), Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an cho biết, ông cảm thấy buồn vì điều đó và cho rằng những người nói như vậy là những người chưa hình dung và thấu hiểu được những khó khăn, vất vả của các cán bộ, chiến sĩ đã trực tiếp tham gia quá trình phá án.

Tướng
Hồ Sỹ Tiến cùng các chiến sĩ hình sự lội suối vào hiện trường vụ thảm sát ở Nghệ
An

Tướng Hồ Sỹ Tiến cùng các chiến sĩ hình sự lội suối vào hiện trường vụ thảm sát ở Nghệ An

Ngủ rừng, ăn lương khô, uống nước suối để phá án

Chỉ chưa đầy 24 tiếng sau khi ông xuất hiện, nghi phạm vụ sát hại dã man 6 người trong gia đình ở Bình Phước đã phải lộ diện. Còn vụ sát hại bốn người ở Nghệ An tưởng chừng như rơi vào bế tắc cũng đã được đưa ra ánh sáng khi Thiếu tướng Hồ sỹ Tiến trực tiếp băng rừng, lội suối tới hiện trường sau hơn nửa tháng. Chia sẻ về những áp lực trong công việc, Thiếu tướng cho hay, trước mỗi vụ án nghiêm trọng, lực lượng tham gia đấu tranh cũng bị áp lực nhiều, không chỉ áp lực từ dư luận mà vì cả những hậu quả mà vụ án gây ra. “Nhiều người từng nói với tôi, Công an Việt Nam cái gì cũng làm được, vụ án nào cũng thành công, miễn là có quyết tâm. Tôi coi đó như một lời động viên và luôn dựa vào đó để phấn đấu”, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến chia sẻ.

Tội phạm hiện nay ngày càng hoạt động có tính chất manh động hơn, bạo lực hơn, đặc biệt là tội phạm đang có xu hướng trẻ hóa. Theo thống kê thì lứa tuổi thành niên, vị thành niên chiếm 70-80%. Để ngăn chặn tình trạng này, công tác phòng ngừa vô cùng quan trọng. Chúng ta phải đặc biệt quan tâm đến việc phòng ngừa chứ không phải đến khi tội phạm xảy ra rồi mới lo xử lý hậu quả.

Trong việc này, không phải một mình ngành Công an làm được, mà lực lượng công an là đi đầu để toàn dân tham gia phòng chống tội phạm, còn rất cần đồng bộ các ngành, các cấp, các đoàn thể xã hội phải vào cuộc”.

Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến

 

Tuy nhiên, cũng có những khi việc đấu tranh phá án gặp nhiều khó khăn, lại không được dư luận cảm thông, chia sẻ. Hỏi những lúc như thế ông có cảm thấy buồn không, đôi mắt ông chùng xuống. Rít một hơi thuốc thật dài, đầy suy tư, ông chia sẻ: “Vừa qua, xảy ra hai vụ trọng án ở Nghệ An và Bình Phước làm chết 10 người trong hai gia đình, vụ ở Bình Phước tuy xảy ra sau nhưng lại được phá án trước. Có nhiều người nói rằng, công an điều tra là vì mục đích nọ kia, vụ Bình Phước xảy ra ở thành phố, gia đình nạn nhân là “đại gia” nên công an tập trung điều tra, còn Nghệ An xảy ra ở vùng quê hẻo lánh nên không ai quan tâm. Nói vậy là không hiểu chúng tôi. Vì với mỗi vụ án xảy ra đều được tiến hành điều tra, nhưng do tính chất khác nhau nên có vụ sớm tìm ra thủ phạm, vụ khác thì lâu hơn. Mặt khác, vụ Bình Phước xảy ra ở đồng bằng, có điện thoại liên lạc và nhiều điều kiện thuận lợi nên công tác điều tra cũng dễ dàng hơn, công tác chỉ đạo từ lãnh đạo Bộ hay Tổng cục Cảnh sát đến các điều tra viên dễ hơn, có khi chỉ cần gọi điện thoại. Riêng vụ Nghệ An thì muốn truyền đạt ý kiến của chỉ huy đến trinh sát nằm trong bản thì phải chờ người ta đi từ trong bản ra, nghe báo cáo mới chỉ đạo được. Nếu có việc cần chỉ đạo ngay thì mình phải lặn lội vào hiện trường để gặp anh em truyền đạt trực tiếp, không thì phải cho người vào gọi để anh em ra vì ở đây hoàn toàn không có sóng điện thoại. Muốn truyền đạt ý kiến có khi mất cả ngày trời”.

Trong vụ trọng án ở Nghệ An, Thiếu tướng Tiến cho biết, việc điều tra vô cùng khó khăn, đến hiện trường thì chỉ biết “hỏi” cây, “hỏi” suối và vài cái chòi không người ở. Bởi hiện trường hoàn toàn không có nhân chứng, trong khi đó, bản Phồng - nơi xảy ra vụ án lại biệt lập ở một nhánh rừng. Việc giao tiếp với người trong bản cũng khó khăn vì không có trinh sát nào nói và hiểu được tiếng dân tộc của họ… Từ hiện trường xảy ra vụ án đến khu dân cư gần nhất cũng phải đi mất 20 phút, về đến bản thì mất một tiếng rưỡi đường rừng. Các trinh sát phải tự mang theo lương khô, mì tôm để ăn trong thời gian đó, nước không đủ uống thì uống nước suối… Điều kiện sinh hoạt vô cùng khó khăn, gian khổ nhưng có lẽ ít người thấu hiểu.

Tướng
Hồ Sỹ Tiến chỉ đạo điều tra điều tra vụ thảm án ở Bình Phước.

Tướng Hồ Sỹ Tiến chỉ đạo điều tra điều tra vụ thảm án ở Bình Phước.

Cả đời gắn với điều tra, có án là lên đường

Vào ngành Công an từ năm 1975, đến năm 1981, ông về Phòng CSĐT Công an Hà Nội, sau đó chuyển xuống làm Trưởng Công an quận Cầu Giấy, rồi về Cục CSĐT Tội phạm về trật tự xã hội làm việc đến bây giờ. Kể về quá trình làm việc của mình, vị Thiếu tướng trải lòng: “Có lẽ cả đời mình chỉ gắn với điều tra. Đây là một nghề không cho mình được chủ động. Với lính hình sự chúng tôi, cứ có án là lên đường, đến hiện trường ngay lập tức chứ không có chuyện để ngày mai cũng được. Có những khi đang ăn dở bữa cơm cùng gia đình, đang dự buổi liên hoan tất niên ở cơ quan hay đang trong những ngày nghỉ lễ, Tết, cứ nhận được tin án là chúng tôi bỏ lại tất cả để đi”, vị Thiếu tướng trải lòng.

Khi được hỏi về cảm xúc mỗi lần phá án thành công, với tính cẩn trọng của người lính hình sự, ông chia sẻ, chưa vội nói đến khi phá được án, mà ngay từ ban đầu khi nhận được tin về vụ án và đến hiện trường, cảm giác của chính những người lính hình sự là thấy vô cùng khủng khiếp. Nhưng trước cảnh dã man, tàn bạo mà hung thủ gây nên thì lực lượng công an lại càng quyết tâm sớm tìm ra chúng để đưa ra trừng trị trước pháp luật.

Thiếu tướng Tiến cho biết, điều tra phá án là cả một quá trình đầy khó khăn, vất vả, nên khi phá được án thì cảm xúc cũng rất khó tả. Từng tham gia hàng trăm vụ án, vụ án nào phá xong cũng đem lại nhiều cảm xúc đan xen, buồn vui lẫn lộn. “Vui vì kẻ phạm tội bị bắt và phải chịu sự trừng trị, vui vì anh em trinh sát đi điều tra nằm vùng cả tháng với những điều kiện hết sức khó khăn, gian khổ, chỉ khi đối tượng bị bắt họ mới được về với gia đình. Nhưng bên cạnh niềm vui ấy, hậu quả mà mỗi vụ án luôn để lại trong chúng tôi những nỗi day dứt khó có thể quên”, Thiếu tướng Tiến tâm sự.

Nhớ lại vụ sát hại bốn người trong gia đình ở Nghệ An mới đây, vẻ mặt của tướng Hồ Sỹ Tiến chùng xuống khi nhắc đến ông Bình - người sống sót duy nhất trong gia đình nạn nhân. Ông Bình sinh được 7 người con nhưng không giữ được ai, đứa con nào sinh ra rồi cũng mất, chỉ duy nhất anh Thọ là con út sống sót, mới sinh được đứa cháu nội 8 tháng tuổi. Nhưng cuối cùng anh Thọ cùng vợ con và mẹ già cũng bị giết chết. “Đây là hoàn cảnh rất đáng thương khiến tôi suy nghĩ nhiều. Nhớ hôm vào hiện trường, tìm đến nhà nạn nhân để xin thắp nén hương nhưng trong nhà không có nổi một nén hương, cũng không có cả bàn thờ để thờ cúng các nạn nhân xấu số”, vị Thiếu tướng ngậm ngùi.

Tướng
Hồ Sỹ Tiến kể phút bắt giữ nghi phạm vụ thảm án ở Nghệ An

Tướng Hồ Sỹ Tiến kể phút bắt giữ nghi phạm vụ thảm án ở Nghệ An

“Đầu tàu” của những vụ án lớn

Hầu hết các đại án được phá trong những năm vừa qua đều ghi lại dấu ấn của lực lượng cảnh sát hình sự mà Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến là người đứng đầu chỉ huy. Hỏi ông có nhớ đã tham gia và chỉ đạo bao nhiêu chuyên án, ông lắc đầu và cho biết vì quá nhiều, không thể nhớ nổi. Tuy vậy, trong sự nghiệp điều tra phá án của mình, ông vẫn nhớ những dấu ấn đặc biệt trong những vụ án không thể nào quên.

Bên cạnh hai vụ trọng án sát hại cùng lúc nhiều người ở Bình Phước và Nghệ An, nhớ lại vụ án Lê Văn Luyện gây rúng động dư luận cuối tháng 8/2011 khi hung thủ ra tay sát hại cả gia đình chủ tiệm vàng ở Bắc Giang, trong đó có cháu bé 18 tháng tuổi, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến cho biết, ông nhớ nhất khoảng thời gian truy bắt Luyện khi sát thủ này trốn sang Trung Quốc. Thời gian đó, ông trực tiếp lên Lạng Sơn để chỉ huy mũi trinh sát truy lùng đối tượng. Biết Lê Thành Nghi (chú rể của Luyện) là người đưa Luyện bỏ trốn, Thiếu tướng Tiến đã thuyết phục ông Nghi tìm cách đưa Luyện trở về chịu tội. “Tôi đã giải thích và thuyết phục ông Nghi nhiều lần, khi ông Nghi nói không có tiền, tôi đã đưa tiền cho ông ấy đi lại. Cuối cùng ông này đã tìm cách đưa Luyện về quy án”.

Từ Lục Nam, Bắc Giang, nơi Ban chỉ đạo chuyên án đặt trụ sở về Hà Nội chưa đầy trăm cây số, nhưng có lúc 5 ngày, Thiếu tướng Tiến chưa về nhà, quần áo cũng không đủ thay. Đêm 31/8, rạng ngày 1/9/2011, khi sát thủ Lê Văn Luyện bị bắt giữ, đưa về Trại tạm giam Công an tỉnh Bắc Giang, gần 4h sáng, nhiều người vẫn nghe thấy giọng nói sang sảng của ông trong phòng hỏi cung đối tượng…

“Hay như khoảng thời gian súng bắn đạn hoa cải rộ ở các tỉnh: Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh…, các đối tượng dùng súng thanh toán nhau rất nhiều, an ninh trật tự xã hội bị đảo lộn. Chúng tôi đã đề xuất lãnh đạo Bộ Công an, Tổng cục Cảnh sát xác lập chuyên án đấu tranh với nhóm tội phạm này. Sau đó với sự phối hợp, các đơn vị đã tiến hành bắt được 79 đối tượng đưa ra xét xử. Đặc biệt, sau chuyên án, lãnh đạo Bộ Công an và Tổng cục Cảnh sát đã tham mưu, đề xuất việc ban hành và cho ra đời Pháp lệnh quản lý vũ khí. Đây là dấu ấn quan trọng góp phần ổn định tình hình trật tự lúc bấy giờ”, Thiếu tướng Tiến kể.

Theo Hoài Thu

Báo Giao thông vận tải