Tử tù đào tẩu, cán bộ trại giam bị xử lý ra sao?
(Dân trí) - Theo phân tích của luật sư Tạ Anh Tuấn, căn cứ sai phạm của cán bộ trại giam trực tiếp quản lý, cán bộ này có thể phải chịu trách nhiệm về tội “Thiếu trách nhiệm để người bị giam, giữ trốn” hoặc bị truy cứu với vai trò đồng phạm của tội “Trốn khỏi nơi giam, giữ”.
Cần làm rõ sai phạm của cán bộ trực tiếp quản lý
Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án để điều tra vụ 2 tử tù trốn khỏi nơi giam giữ tại Trại tạm giam T16 Bộ Công an.
Cơ quan CSĐT - Công an TP Hà Nội đã phát lệnh truy nã đặc biệt trên phạm vi toàn quốc đối với Lê Văn Thọ (tức Thọ “sứt”, SN 1980, trú tại xã Thanh Sơn, Thanh Hà, Hải Dương) và Nguyễn Văn Tình (SN 1989, trú tại xã Đông Xuân, Quốc Oai, Hà Nội).
Nhận định về vụ việc 2 tử tù đào tẩu khỏi trại giam, luật sư Tạ Anh Tuấn - Trưởng văn phòng luật sư Bách Gia Luật và Liên Danh (Đoàn luật sư Hà Nội) - cho rằng, đây là một sự cố hy hữu, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Hành vi bỏ trốn khỏi nơi giam giữ của 2 đối tượng đã phạm tội “Trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang bị dẫn giải, đang bị xét xử”. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 311 Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009.
“Đối với trách nhiệm của cán bộ trực tiếp quản lý phạm nhân (quản giáo) bỏ trốn, cần căn cứ vào kết quả điều tra làm rõ nội dung sự việc và sai phạm của cán bộ trực tiếp quản lý để có hình thức xử lý phù hợp.” - Trưởng văn phòng luật sư Bách Gia Luật và Liên Danh cho hay.
Theo phân tích của luật sư Tạ Anh Tuấn, nếu cán bộ trực tiếp quản lý đã làm hết trách nhiệm của mình mà người bị giam, giữ vẫn trốn được thì không phải là thiếu trách nhiệm và không phải là hành vi phạm tội.
Tùy theo tính chất mức độ sai phạm, quản giáo có thể bị xử lý kỷ luật theo quy định của ngành hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 301 Bộ luật Hình về tội “Thiếu trách nhiệm để người bị giam, giữ trốn”.
Đối với tội danh trên, quản giáo phải đối mặt với mức án đến 7 năm tù. Thậm chí, nếu phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, quản giáo có thể phải chịu mức án tới mười năm tù.
“Nếu trường hợp có sự cấu kết, thông đồng từ các đối tượng đang bị giam, giữ hoặc giữa các đối tượng thân quen bên ngoài với các quản giáo để cho phạm nhân bỏ trốn, quản giáo sẽ phải chịu trách nhiệm đồng phạm về tội “Trốn khỏi nơi giam, giữ” theo Điều 311 Bộ luật Hình sự.” - luật sư Tuấn phân tích.
Ngoài ra, theo luật sư Tuấn, nếu các đối tượng bên ngoài có sự thông đồng bằng lợi ích vật chất với các cán bộ quản lý giam giữ để cho các đối tượng bỏ trốn thì cơ quan điều tra sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Đưa hối lộ” theo Điều 289 và tội “Nhận hối lộ” theo Điều 279 Bộ luật Hình sự.
Tử tù bị biệt giam, cùm chân
Theo luật sư Tạ Anh Tuấn, hình phạt tử hình là hình phạt nghiêm khắc nhất trong hệ thống hình phạt pháp luật hình sự Việt Nam. Tử hình chỉ được quy định áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng và theo một trình tự pháp lý rất chặt chẽ.
Do tính chất đặc biệt nghiêm trọng của hình phạt tử hình nên sau khi bản án của tòa án có hiệu lực pháp luật, không có kháng nghị Giám đốc thẩm hay tái thẩm và Chủ tịch nước bác đơn xin tha án tử hình, tử tù sẽ phải chấp hành bản án. Án tử hình sẽ được thi hành bằng hình thức tiêm thuốc độc theo quy định của luật Thi hành án hình sự hiện hành.
Trại giam nơi giam giữ người bị kết án tử hình phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về việc quản lý, giam giữ theo Luật thi hành án hình sự 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Cụ thể, Thông tư 39/2012/TT-BCA quy định về quản lý, giam giữ người bị kết án tử hình nêu rõ: “Trại tạm giam phải tổ chức khu vực riêng để giam người bị kết án tử hình và phải có biển ghi rõ là khu giam người bị kết án tử hình. Buồng giam người bị kết án tử hình phải được xây dựng kiên cố (theo mẫu thống nhất của Bộ Công an), bảo đảm đủ ánh sáng, có cùm chân và được trang bị phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ để theo dõi, giám sát.”.
Sau khi tòa án đã xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo mức án tử hình thì Giám thị trại tạm giam phải làm thủ tục điều chuyển ngay người bị kết án tử hình vào buồng giam tại khu vực giam người bị kết án tử hình.
“Xét về mặt tâm lý tội phạm, phạm nhân bị kết án tử hình hình thường có tâm lý tiêu cực và một số cố tìm mọi cách bỏ trốn khởi nơi giam giữ để giành lại sự sống. Một số tử tù có nhiều tiền án, tiền sự nên có nhiều kinh nghiệm để đối phó, chống đối và dùng mọi thủ đoạn với các cơ quan pháp luật trong việc giam giữ.
Hệ thống các trại giam trên toàn quốc được Bộ Công an trang bị nhiều thiết bị công nghệ cao để quản lý việc giam giữ. Tuy nhiên, nhân tố con người vẫn là chủ yếu, chỉ một sơ xuất nhỏ do lơ là, chủ quan có thể dẫn tới hậu quả khôn lường bởi những thủ đoạn tinh vi của tội phạm.” - luật sư Tạ Anh Tuấn nhận định.
Điều 301. Tội thiếu trách nhiệm để người bị giam, giữ trốn
1. Người nào trực tiếp quản lý, canh gác, dẫn giải người bị giam, giữ mà thiếu trách nhiệm để người đó trốn gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội để người bị giam, giữ về một tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng trốn hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng, thì bị phạt tù hai năm đến bảy năm.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm.
4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.
Điều 311. Tội trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang bị dẫn giải, đang bị xét xử
1. Người nào đang bị giam, giữ, đang bị dẫn giải hoặc đang bị xét xử mà bỏ trốn, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng vũ lực đối với người canh gác hoặc người dẫn giải.
Tiến Nguyên