Trốn trại 22 năm, bị bắt vì… quên đổi tên vợ
(Dân trí) - Trốn khỏi nơi giam giữ, Phan Thanh Lan yên tâm sống dưới vỏ bọc của cán bộ ban hòa giải thôn với cái tên Phan Thanh Phượng. Tuy nhiên, gã đã chủ quan khi quên không đổi tên cho vợ. Từ manh mối này, lực lượng truy nã khẳng định Phan Thanh Phượng chính là đối tượng trốn lệnh truy nã suốt 22 năm qua.
Ép bạn cùng buồng giam đục tường trốn trại
Phan Thanh Lan (SN 1956, trú tại xã Diễn An, Diễn Châu, Nghệ An) được biết đến là đối tượng trộm cắp chuyên nghiệp. Vào thời điểm những năm 90 của thế kỷ trước, những món đồ mà Lan “thó” của người dân không có giá trị nhiều nhưng tần suất thường xuyên khiến người dân xung quanh khu vực Lan sống hết sức hoang mang. Cũng bởi tính “tắt mắt” nên Lan bị phạt tù.
Ra tù, Lan không sửa đổi tính nết mà tiếp tục hành nghề đạo chích. Khi ăn trộm một chiếc xe đạp của người dân, Lan bị công an bắt giữ, chuyển đến Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An để phục vụ điều tra.
Lan được bố trí ở cùng buồng tạm giam với Nguyễn Sỹ H, Hoàng Trọng T., Trần Xuân L. và Đào Văn Đ. Ngay từ khi nhập trại, Lan đã nung nấu kế hoạch trốn khỏi nơi giam giữ nên đặc biệt chú ý và nắm được quy luật hoạt động, tuần tra của cán bộ quản giáo.
Lan mang kế hoạch đào tẩu bàn với Nguyễn Sỹ H. – đối tượng đang bị tạm giam phục vụ điều tra hành vi cố ý gây thương tích. Thấy H. có vẻ lưỡng lự, Lan hỏi thì được biết H. dùng súng quân dụng bắn vào chân khiến một người bị trọng thương. “Tội của mày chí ít cũng 18-20 năm tù, ở trong này có mà rũ xương. Tốt hơn hết là trốn đi, tao đã nghiên cứu kỹ quy luật hoạt động của cán bộ quản giáo rồi, yên tâm đi”, Lan nói với H. Nghe bùi tai, H. gật đầu đồng ý.
Kế hoạch trốn khỏi nơi giam giữ của Lan được Hoàng Trọng T. và Trần Xuân L. ủng hộ. Duy chỉ có bị can Đào Văn Đ. không đồng ý. Sợ bị lộ, Lan và Nguyễn Sỹ H. ép Đ. phải theo.
Mấy lần được đi ra khỏi buồng tạm giam, các đối tượng đã tranh thủ giấu được một sợi dây thép gai chừng 6cm và một mẩu mảnh chai. Chiều ngày 18/12/1993, khi các quản giáo cho phạm nhân về buồng giam sau buổi lao động, Lan nháy mắt cho đồng bọn thực hiện kế hoạch khoét tường trốn trại.
Theo phân công của Lan, Nguyễn Sỹ H. có nhiệm vụ hát thật to và liên tục đạp chân vào phản gỗ, tường để tạo tiếng động nhằm không để cán bộ Trại tạm giam và các can, phạm nhân ở buồng xung quanh biết việc khoét tường. L. có nhiệm vụ xé màn, chăn, quần áo bện thành dây thừng, phục vụ cho việc bật tường trốn ra ngoài. Lan, Đức và T. có nhiệm vụ thay nhau đào tường.
Sau khi dò tìm được một khu vực tường yếu, các mạch vữa bị mủn, cả ba bắt đầu thay nhau khoét tường. Đào gần 2 tiếng thì hình thành một lỗ vừa đủ được một người chui lọt, lần lượt từng người thoát ra ngoài. Lan phân công các đối tượng còn lại “công kênh” nhau để vượt tường dây thép gai ra khỏi khu vực Trại tạm giam, người trèo được lên trước thòng sợi dây được L. bện trước đó xuống để người còn lại nắm lấy, kéo ra ngoài.
Sau khi thoát ra khỏi nơi giam giữ, mỗi người một ngã. Riêng Phan Thanh Lan “dạt” vào miền Nam.
Bị phát hiện vì… quên đổi tên cho vợ
Hành vi trốn khỏi nơi giam giữ của Phan Thanh Lan và đồng bọn bị Công an tỉnh Nghệ An phát lệnh truy nã toàn quốc. 4 đồng bọn trong chuyến vượt ngục của Lan lần lượt bị bắt giữ, thi hành án và làm lại cuộc đời thì Phan Thanh Lan vẫn một dấu hỏi lớn đối với những người làm công tác truy nã tội phạm.
Lan “dạt” vào miền Nam, trốn chui trốn nhủi ở nhiều nơi trước khi về huyện Ninh Hòa (Khánh Hòa). Khi cuộc sống tương đối ổn định, Lan bắn tin cho vợ và con vào. Lợi dụng sự lỏng lẻo trong công tác quản lý nhân khẩu của địa phương, Lan làm lại chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu mới với cái tên Phan Thanh Phượng, sinh năm 1958 (Lan có người em trai tên Phan Thanh Phương, cũng năm sinh như trên. Không loại trừ khả năng Phan Thanh Lan dùng chứng minh thư nhân dân của em, chấm thêm dấu đổi Phương thành Phượng).
Lan yên tâm sống với vỏ bọc mới của mình và tạo được uy tín đối với người dân xung quanh nên được bầu vào ban hòa giải của thôn. Tuy nhiên, gã chỉ lo đổi tên cho mình mà không đổi tên cho vợ. Chính sự chủ quan này khiến Phan Thanh Lan phải chấp nhận tra tay vào còng sau 22 năm trốn chạy.
Khi Lan tưởng quá khứ của mình đã hoàn toàn bị lãng quên thì các chiến sỹ Phòng cảnh sát truy nã tội phạm (PC52 - Công an tỉnh Nghệ An) vẫn âm thầm với công việc truy bắt của mình. Sau nhiều thời gian xác minh thông tin, lực lượng truy nã phát hiện ở xã Ninh Hiệp (huyện Ninh Hòa, Khánh Hòa) có đối tượng giống với đặc điểm nhận dạng của Phan Thanh Lan. Sau khi củng cố chứng cứ, ban chuyên án truy bắt Phan Thanh Lan được thành lập.
Đại úy Nguyễn Khánh Sơn – (Đội trưởng đội 2, PC52) tổ trưởng tổ truy bắt kể: “Sàng lọc tất cả những người có quê ở Nghệ An sinh sống tại Ninh Hiệp, chúng tôi thấy nổi nên đối tượng Phan Thanh Phượng. Tên, năm sinh đã được thay đổi nhưng vợ của đối tượng cũng tên N., trùng với tên vợ của Lan. Sau khi âm thầm thu thập chứng cứ, đối chiếu với tài liệu lưu giữ tại Công an tỉnh Nghệ An, chúng tôi khẳng định đối tượng Phan Thanh Phượng chính là Phan Thanh Lan – kẻ đang bị truy nã hơn 20 năm qua”.
Ngày 18/12/2015, khi vợ con đã ra ngoài, chỉ mình Phan Thanh Lan ở nhà, sau khi bố trí các vị trị chốt chặn đề phòng đối tượng tẩu thoát, tổ truy bắt bước vào nhà, đọc lệnh bắt giữ đối tượng theo lệnh truy nã. Ban đầu, Phan Thanh Lan lớn tiếng khẳng định mình là Phan Thanh Phượng, công an đã bắt nhầm. Tuy nhiên, khi lực lượng truy bắt đưa ra các bằng chứng thuyết phục, Phan Thanh Lan phải ngoan ngoãn tra tay vào còng trước sự ngỡ ngàng của hàng xóm láng giềng.
“Khi biết tin Phan Thanh Lan đang mắc trọng bệnh (gan, thận, dạ dày – PV), chúng tôi đã tác động với gia đình ngoài này vận động Lan về đầu thú để hưởng lượng khoan hồng của pháp luật, tuy nhiên Lan không đồng ý quay về. 22 năm trốn chạy, kinh tế khó khăn, các con của Lan cũng không được học hành đến nơi đến chốn, đứa con đầu của Lan (sinh ở Nghệ An) sau khi chuyển vào Khánh Hòa với bố cũng không được đến trường”, đại úy Nguyễn Khánh Sơn cho hay.
Đối tượng Phan Thanh Lan đã được PC 52 – Công an Nghệ An bàn giao cho Cơ quan cảnh sát điều tra (PC44 - Công an tỉnh Nghệ An) để điều tra theo thẩm quyền.
Hoàng Lam