1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Trộm đột nhập, chủ nhà có quyền phòng vệ, bắt giữ?

Hải Nam

(Dân trí) - Luật sư cho biết pháp luật cho phép người dân được quyền bắt người phạm tội quả tang, tuy nhiên phải biết rõ đó là người đang thực hiện hành vi phạm tội, cụ thể ở đây là đang trộm cắp tài sản.

Đầu tháng 11/2021, TAND huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, tuyên phạt bị cáo Trần Danh Hùng (SN 1967) 5 năm tù về tội "Cố ý gây thương tích". Cơ quan tố tụng cáo buộc ông Hùng đã dùng hung khí tấn công Đinh Bá Hai khi nạn nhân lẻn vào nhà của bị cáo để trộm vịt.

Đầu tháng 1/2022, Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) khởi tố 2 bị can sau khi 2 người này mật phục, đánh tử vong một người trộm chó. Hai bị can bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội "Giết người".

Sau nhiều vụ việc và điển hình như 2 vụ án nêu trên, người dân nên làm gì và được phép làm gì khi đối mặt với kẻ trộm?

Theo luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, đối mặt với kẻ trộm, đặc biệt là khi kẻ trộm đột nhập vào nhà và có hung khí, là một tình huống rất nguy hiểm. Vì vậy, để đối phó với tình huống này không hề dễ, đòi hỏi phải có kỹ năng và sự hiểu biết nhất định về mặt pháp lý.

"Khi phát hiện có người lạ đột nhập, chúng ta chưa thể khẳng định ngay đó là trộm mà cần phải kiểm tra, xác minh xem họ người ngay hay kẻ gian. Trong trường hợp đó là kẻ gian, chúng ta cần hô hoán, gọi người giúp đỡ. Hành động này cũng sẽ khiến kẻ trộm dao động", luật sư Cường đưa ra lời khuyên.

Trộm đột nhập, chủ nhà có quyền phòng vệ, bắt giữ? - 1

Luật sư Đặng Văn Cường. (Ảnh: Hải Nam).

Dưới góc độ pháp lý, ông Cường cho biết pháp luật cho phép người dân được quyền bắt người phạm tội quả tang, tuy nhiên phải biết rõ đó là người đang thực hiện hành vi phạm tội, cụ thể ở đây là đang trộm cắp tài sản.

"Khi đó người dân có quyền không chế, bắt giữ, thậm chí có thể gây thương tích nếu không còn cách nào khác để bắt giữ đối tượng. Trong trường hợp sử dụng vũ lực như một cách cần thiết này, thì pháp luật cho phép và thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự theo Điều 22 Bộ luật Hình sự năm 2015, quy định về Phòng vệ chính đáng", Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp phân tích.

Giải thích về Điều 22, luật sư Cường cho biết việc phòng vệ được xác định tại 2 trường hợp "chính đáng" hoặc "không chính đáng".

"Phòng vệ chính đáng được loại trừ trách nhiệm hình sự phải là hành vi chống trả một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của người khác. Hành vi xâm phạm đó phải đang diễn ra và việc sử dụng vũ lực để chống trả một cách cần thiết phải là ở mức độ tương xứng. Khi đối tượng không còn nguy hiểm nữa, hoặc tình huống nguy hiểm không còn thì không được phép sử dụng vũ lực", ông Cường nói.

Trong khi đó, phòng vệ "không chính đáng" là: Hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng mà gây thương tích hoặc gây thiệt mạng đến tính mạng của đối tượng. Lúc này, người thực hiện hành vi sẽ bị xử lý về tội "Cố ý gây thương tích" do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc "Giết người" do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

"Pháp luật không cho phép sử dụng một hành vi vi phạm pháp luật để đáp trả lại một hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi trộm cắp tài sản, thậm chí cướp tài sản là hành vi vi phạm pháp luật, nhưng không vì thế mà nạn nhân có quyền gây thương tích hoặc sát hại đối tượng gây án một cách trái pháp luật", ông Cường nói.

"Nguyên tắc cơ bản là phải đảm bảo an toàn cho bản thân và những người khác. Chúng ta được phép tấn công để bắt giữ, triệt tiêu vũ lực của đối tượng nhưng khi đối tượng không còn nguy hiểm nữa thì không được phép gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của chúng. Việc bắt giữ phải đảm bảo an toàn, nhanh chóng và giao nộp cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định pháp luật", Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp kết luận.