1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Quảng Nam:

Triệt phá đường dây lưu hành tiền giả có liên quan đối tượng người Trung Quốc

(Dân trí) - Các đối tượng mua tiền giả của một đối tượng người Trung Quốc rồi tản về các địa phương để tiêu thụ. Sau khi tiêu thụ được hàng chục triệu đồng tiền giả, các đối tượng bị người dân phát giác, trình báo công an.

Ngày 1/6, Công an tỉnh Quảng Nam đã công bố thông tin triệt phá một đường dây tàng trữ, lưu hành tiền giả số lượng lớn trên địa bàn nhiều tỉnh thành và có liên quan đến đối tượng người Trung Quốc.

Đối tượng Nguyễn Văn Hòa và Đinh Thị Tuyết
Đối tượng Nguyễn Văn Hòa và Đinh Thị Tuyết

Theo hồ sơ điều tra, đầu tháng 5/2016, đối tượng Đào Văn Cần (SN 1989, trú xã Đào Xá, huyện Phú Bình, Thái Nguyên) lên tỉnh Đắk Lắk tìm việc làm. Tại đây, Cần gặp và quen biết với Nguyễn Văn Tuân (SN 1981, trú cùng xã Đào Xá, huyện Phú Bình, Thái Nguyên). Sau đó Tuân rủ Cần đi tiêu thụ tiền giả.

Đối tượng Nguyễn Thị Nguyệt
Đối tượng Nguyễn Thị Nguyệt

Thông qua Tuân, Cần làm quen với Nguyễn Văn Hòa (SN 1968, trú xã Kim Chân, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh). Sau khi bàn bạc, Cần đồng ý tiêu thụ tiền giả cho Hòa và ăn chia theo tỷ lệ 50:50. Hòa đưa cho Cần 20 triệu đồng tiền giả để mang đi tiêu thụ trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Sau khi tiêu thụ gần hết số tiền giả này, Cần chuyển cho Hòa 10 triệu đồng tiền thật. Sau đó Cần tiếp tục nhận của Hòa 20 triệu đồng tiền giả gồm 100 tờ tiền polymer mệnh giá 200 ngàn đồng. Cầm tiền xong, Cần rủ anh ruột của mình là Đào Văn Ninh (SN 1981) xuống Quảng Nam tiêu thụ.

Đối tượng Nguyễn Văn Tuân
Đối tượng Nguyễn Văn Tuân

Ngày 13/5, khi đến Quảng Nam, cả 2 ở nhà một người quen tại thôn Hưng Lộc (xã Bình Định Nam, huyện Thăng Bình) để tìm cách tiêu thụ tiền giả. Ngày 15/5, Ninh và Cần đi xe máy đến chợ Vinh Huy (xã Bình Trị, huyện Thăng Bình) tiêu thụ hết 5 tờ tiền giả mệnh giá 200 ngàn đồng.

Nghi ngờ 2 thanh niên mua hàng bằng tiền giả nên các tiểu thương chợ Vinh Huy đã gọi điện báo cơ quan công an.

Đối tượng Chu Thị Oanh
Đối tượng Chu Thị Oanh

Nhận được tin báo của người dân, Công an huyện Thăng Bình nhanh chóng truy bắt được 2 đối tượng Đào Văn Cần, Đào Văn Ninh và thu giữ tang vật gồm 102 tờ tiền polyme giả mệnh giá 200 ngàn đồng, trong đó thu giữ của Cần 91 tờ.

Tại cơ quan điều tra, Cần khai nhận số tiền giả trên anh ta nhận từ Nguyễn Văn Hòa để đi tiêu thụ.

Card điện thoại mua bàng tiền giả
Card điện thoại mua bàng tiền giả

Điều tra mở rộng vụ án, ngày 18/5, tại thị xã Gia Nghĩa (tỉnh Đắc Nông), lực lượng Công an tỉnh Quảng Nam đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối với Nguyễn Văn Hòa và Đinh Thị Tuyết (SN 1984, trú xã Quỳnh Châu, Quỳnh Lưu, Nghệ An), thu giữ 35 tờ tiền polymer giả mệnh giá 200 ngàn đồng. Hòa thừa nhận số tiền nằm trong số tiền 100 triệu đồng mà y đã mua của một người tên Oanh với tỷ lệ 40:60 rồi giao lại cho Cần và Tuân đi thiêu thụ.

Tiếp đó, lực lượng PA92 Công an tỉnh Quảng Nam tiếp tục bắt khẩn cấp đối tượng Nguyễn Văn Tuân và Nguyễn Thị Nguyệt (SN 1982, trú xã Nhã Lộng, huyện Phú Bình, Thái Nguyên), thu giữ 21 tờ tiền polymer giả mệnh giá 200 ngàn đồng. Qua đấu tranh, Tuân cũng khai nhận đã nhận của Hòa 50 triệu đồng giả để đi tiêu thụ và ăn chia theo tỷ lệ 50:50.

Tiền giả thu giữ trên người đối tượng Chu Thị Oanh
Tiền giả thu giữ trên người đối tượng Chu Thị Oanh

Ngày 19/5, xác định đối tượng Chu Thị Oanh (tên gọi khác là Chu Thị Vanh, SN 1969, trú tại xã Vĩnh Quang, TP Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng) từ Cao Bằng vào Đắk Nông để tiêu thụ tiền giả, khi đối tượng vừa xuống xe khách, lực lượng công an đã ập đến bắt giữ.

Khám xét người Oanh, lực lượng công an phát hiện và thu giữ 200 triệu đồng tiền polymer giả mệnh giá 200 ngàn đồng. Oanh là đối tượng chính trong đường dây tàng trữ, lưu hành tiền giả này.

Qua đấu tranh, Oanh khai nhận số tiền giả trên mua từ một người tên A Mỉng (người Trung Quốc) với số tiền 25 triệu đồng. A Mỉng mang số tiền giả trên bằng đường tiểu ngạch từ Trung Quốc sang giao Oanh tại Cao Bằng.

Cơ quan công an đã áp dụng nhiều biện pháp để truy bắt A Mỉng nhưng do đối tượng này đang sống ở Trung Quốc nên chưa xác định được nhân thân, lai lịch nên chưa xử lý được.

Do vụ án liên quan đến nhiều đối tượng, trong đó có đối tượng người nước ngoài nên cơ quan điều tra Công an tỉnh Quảng Nam mong muốn nhận được nhiều thông tin cũng như phương thức, thủ đoạn của các đối tượng để tiếp tục điều tra, mở rộng; đồng thời cơ quan công an cũng mong người dân cảnh giác.

Hiện vụ án đang được lượng Công an tỉnh Quảng Nam tiếp tục điều tra, mở rộng để làm rõ.

Công Bính

Triệt phá đường dây lưu hành tiền giả có liên quan đối tượng người Trung Quốc - 7