Tranh cãi về 725 tỷ đồng gian lận trong thu phí cao tốc TPHCM - Trung Lương
(Dân trí) - Tại tòa, cựu Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường xác định việc Công ty Yên Khánh lắp các phần mềm can thiệp (dẫn đến thất thoát 725 tỷ đồng như cáo trạng đề cập) là sai hợp đồng.
Ngày 17/12, TAND TPHCM tiếp tục ngày thứ 4 phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án sai phạm mua bán quyền thu phí tại cao tốc TPHCM - Trung Lương, liên quan đến bị cáo Đinh La Thăng, ông Nguyễn Hồng Trường (nguyên Bộ trưởng và Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải) và 18 bị cáo khác.
Trong phiên xử hôm nay, các luật sư thẩm vấn để làm rõ hành vi phạm tội của các bị cáo theo cáo trạng truy tố cũng như làm rõ hơn 725 tỷ đồng tiền thu phí cao tốc được cáo trạng xác định là thất thoát nhà nước.
Trả lời câu hỏi của luật sư, bị cáo Dương Tuấn Minh (nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Cửu Long) trình bày: "Theo các văn bản Bộ Giao thông vận tải trình đến lần thứ 4 thì dự án bán quyền thu phí cao tốc TPHCM - Trung Lương là đấu giá. Chúng tôi nhận trách nhiệm bán quyền thu phí và có trách nhiệm đôn đốc Công ty Yên Khánh nộp tiền theo hợp đồng đã ký với số tiền 2.004 tỷ đồng là không thay đổi".
Luật sư hỏi: "Nếu doanh thu cao hơn 2.004 tỷ đồng, thì số tiền cao hơn thuộc về Yên Khánh hay Cửu Long?". Bị cáo Minh trả lời: "Chúng tôi chỉ làm đúng theo hợp đồng là đôn đốc Công ty Yên Khánh phải nộp đủ hơn 2.004 tỷ đồng theo hợp đồng. Còn việc thu phí thực tế nhiều hay ít là việc của Công ty Yên Khánh".
Tương tự, bị cáo Nguyễn Hồng Trường, trình bày: "Dự án bán quyền thu phí cao tốc TPHCM - Trung Lương trước đây theo hướng dẫn của Bộ Tài chính là đấu thầu nhưng sau này là đấu giá vì thế nên mới không lập Hội đồng định giá".
Ngoài ra, ông Trường cũng khai mối quan hệ giữa Công ty Yên Khánh và Tổng công ty Cửu Long sau khi ký hợp đồng mua bán quyền thu phí là đôn đốc Công ty Yên Khánh phải đóng đủ tiền trúng đấu giá và nộp tiền phạt chậm đóng. Ngoài ra, theo ông Trường khai, số tiền Công Ty Yên Khánh thu được bao nhiêu thì các cơ quan thẩm quyền có trách nhiệm kiểm tra giám sát chứ không phải toàn quyền thu bao nhiêu là thu.
"Tổng công ty Cửu Long phải kiểm tra việc Công ty Yên Khánh thu phí đường bộ. Việc thu phí phải đúng quy định pháp luật. Việc Công ty Yên Khánh lắp các phần mềm can thiệp là sai hợp đồng", cựu Thứ trưởng trình bày.
Tương tự, bị cáo Phạm Văn Diệt (điều hành Công ty Yên Khánh theo chỉ đạo của Út "trọc") khai theo hợp đồng, Công ty Yên Khánh được quyền thu phí 5 năm và đóng lại cho Công ty Cửu Long số tiền 2.004 tỷ đồng. Việc lời lỗ do Công ty Yên Khánh chịu.
Để trả lời luật sư về việc xác định giá trúng quyền thu phí cao tốc hơn 2.004 tỷ đồng là thấp hay cao, đại diện Bộ Tài chính nêu Bộ Tài chính không có thẩm quyền xác định giá thấp hay cao.
Về thiệt hại hơn 725 tỷ đồng, đại diện Bộ Giao thông vận tải tham gia phiên tòa cũng trả lời với luật sư rằng đối với dự án này hợp đồng đã ký 5 năm và Bộ Giao thông vận tải đã thu đủ số tiền hơn 2.004 tỷ đồng theo hợp đồng.
"Việc xác định có thất thoát hay không, Bộ Giao thông vận tải không có chức năng xác định có hay không việc thất thoát, và sẽ tôn trọng phán quyết của tòa", đại diện Bộ Giao thông vận tải trả lời.
Ngược lại, đại diện Công ty Yên Khánh cho rằng số tiền 725 tỷ đồng là tiền của công ty và đề nghị HĐXX trả lại.
Tiếp đó, luật sư bào chữa cho bị cáo Đinh Ngọc Hệ hỏi bị cáo để làm rõ tội danh chức vụ lợi dụng quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.
Hồ sơ vụ án dự án nhà ở thấp tầng tại 164 Khuất Duy Tiến (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) do Công ty Licogi 13 làm chủ đầu tư. Theo quy định của công ty, giá bán biệt thự (rộng 143,5m2) là 18 tỷ đồng theo giá thị trường năm 2013. Đinh Ngọc Hệ đã lợi dụng chức vụ để yêu cầu Công ty Licogi 13 bán rẻ căn biệt thự cho Hệ.
Tại tòa, bị cáo Hệ phủ nhận cáo buộc và cho rằng vào thời điểm năm 2013, thị trường bất động sản giảm mạnh, ông mua căn nhà từ Công ty Licogi 13 với giá đắt hơn giá thị trường nên không có việc tác động tới những người liên quan để mua nhà giá rẻ.