Hà Nội:
Trả hồ sơ, điều tra bổ sung vụ chiếm đoạt hơn 22 tỷ đồng
(Dân trí) - TAND cấp cao tại Hà Nội vừa xét xử phúc thẩm, tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ về Viện KSND TP Hà Nội điều tra bổ sung vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với số tiền theo cáo buộc là 22 tỷ đồng và 17.000 USD.
Mạo danh Giám đốc ký hợp đồng chuyển nhượng?
Trước đó, bản án sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Nguyễn Đình Bang (SN 1951, trú tại phường Hàng Mã, Hoàn Kiếm, Hà Nội) 16 năm tù; Nguyễn Huy Khang 18 năm tù cùng với tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Bản án sơ thẩm năm 2016 thể hiện, Công ty TNHH Công nghiệp Trường Sinh (Cty Trường Sinh) do ông Nguyễn Trung Thực, bà Nguyễn Thị Tơ thành lập từ năm 1998. Năm 2005, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) cấp sỏ đỏ cho Cty mảnh đất hơn 6.000 m2 tại Khu công nghiệp Bắc An Khánh để xây dựng nhà máy sản xuất sữa đậu nành. Do thiếu vốn, ông Thực vay ông Nguyễn Kim Hải - Giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển nông nghiệp và Dịch vụ (Adisco) số tiền 1,7 tỷ đồng.
Năm 2007, ông Thực ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và nhà xưởng trên đất diện tích 3.170 m2 cùng vốn góp tại Cty Trường Sinh cho ông Duy Đức Tuấn (trú tại huyện Từ Liêm cũ) và ông Nguyễn Đình Bang. Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh sửa đổi cho Cty Trường Sinh với thành viên mới là ông Bang và ông Tuấn. Ông Bang là người đại diện theo pháp luật. Kể từ năm 2008, quyền sử dụng hơn 6.000 m2 đất tại Khu công nghiệp Bắc An Khánh là cổ phần chung của Cty Trường Sinh và Cty Adisco.
Từ việc mua bán, chuyển nhượng dự án này đã dẫn tới vụ án lừa đảo. Với vai trò Giám đốc Cty Trường Sinh, Nguyễn Đình Bang tạo dựng quyết định cho Nguyễn Huy Khang thực hiện hành vi lừa đảo. Cụ thể, Nguyễn Đình Bang đã làm xác nhận thể hiện Nguyễn Huy Khang sở hữu 80% cổ phần tại Dự án An Khánh và làm hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng hơn 3.000 m2 đất và tài sản trên đất tại dự án này cho Khang...
Năm 2010, qua các mối quan hệ, Khang gặp ông Thái Khắc Toàn, Phó Giám đốc Cty Huy Phát. Khang tự nhận là Giám đốc Cty Trường Sinh và đặt vấn đề huy động vốn vào dự án đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại dịch vụ và nhà ở cao cấp An Khánh. Khang gợi ý, nếu ông Toàn góp 18 - 22 tỷ đồng, Cty Huy Phát sẽ được tham gia dự án.
Ông Toàn được Bang và Khang cho xem mọi giấy tờ liên quan và dẫn đi xem nhà xưởng ở khu An Khánh. Tin tưởng, ông Toàn ký hợp đồng góp vốn, chuyển 19 tỷ đồng vào tài khoản của Bang và đưa 3 tỷ đồng cùng 17.000 USD tiền mặt cho Khang.
Trả hồ sơ, điều tra bổ sung
Tại bản án phúc thẩm số 683/2017/HSPT, HĐXX nhận định, trong hồ sơ vụ án cũng như kết quả thẩm vấn tại phiên tòa không có tài liệu nào cho thấy số tiền 19 tỷ đồng chuyển vào tài khoản của Bang, số tiền 3 tỷ đồng và 17.000 USD chuyển cho Khang có nguồn gốc từ tài khoản của Cty Huy Phát. Cấp sơ thẩm không thu thập đầy đủ chứng cứ để xác định đúng nguyên đơn dân sự của vụ án này là điều tra chưa đầy đủ.
Về nội dung đơn tố cáo của anh Thái Khắc Toàn, tòa phúc thẩm nhận định, các lời khai của anh Toàn tại Công an quận Đống Đa có nhiều điểm mâu thuẫn với các lời khai tại CQĐT - Công an TP Hà Nội và mâu thuẫn với các chứng cứ có tại hồ sơ vụ án, nhưng những mâu thuẫn này không được đề cập xử lý.
Do đó, chưa có cơ sở vững chắc để xác định quan hệ giữa anh Toàn và bị cáo Khang là quan hệ vay nợ cá nhân và được bảo đảm dưới hình thức góp vốn hay là quan hệ góp vốn để thực hiện dự án và quan hệ này có liên quan gì đến vai trò đồng phạm của bị cáo Nguyễn Đình Bang trong vụ án này hay không.
Về vấn đề liên quan đến thủ đoạn gian dối của các bị cáo nhằm chiếm đoạt tài sản như bản án sơ thẩm đã tuyên, HĐXX phúc thẩm nhận thấy, dự án nhà ở và khu thương mại nhà ở Bắc An Khánh là dự án có thật, hiện dự án vẫn đang tồn tại và chưa bị thu hồi.
Việc bị cáo Khang tự xưng là Giám đốc Cty Trường Sinh để ký kết hợp đồng góp vốn với anh Thái Khắc Toàn, anh Toàn có lời khai không thống nhất khi nói là biết, khi nói là không. Bị cáo Khang lại khẳng định là anh Toàn biết vì khi soạn thảo và ký kết hợp đồng thì có đầy đủ tài liệu về việc này, văn phòng luật sư là do anh Toàn chọn. Lời khai của anh Toàn sau này luôn khẳng định là không biết nhưng cấp sơ thẩm không tiến hành đối chất là chưa đầy đủ.
Đối với số tiền 3 tỷ đồng và 17.000 USD anh Toàn khai chuyển cho bị cáo Khang, Khang không thừa nhận, Bang nói không biết gì về số tiền này. Không có tài liệu nào thể hiện có việc giao nhận giữa Toàn và Khang. Bản thân anh Toàn khai cũng rất mâu thuẫn.
Cấp sơ thẩm cho rằng việc anh Binh (con trai bị cáo Khang) ủy quyền cho chị Phương (người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án) thanh toán trả cho Toàn 22 tỷ đồng và 17.000 USD là chứng cứ chứng minh cho việc Toàn giao cho Khang 17.000 USD và 3 tỷ đồng, trong khi đó, Khang bị giam giữ không liên lạc với bên ngoài, không ủy quyền cho Binh.
Về ý thức đồng phạm của Bang trong vụ án này để cùng Khang lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bản án sơ thẩm đánh giá Bang là người giúp sức cho Khang. Tuy nhiên, HĐXX phúc thẩm nhận định, Bang và Toàn không có mối quan hệ quen biết nhau. Việc Khang và Toàn ký hợp đồng góp vốn, Bang không biết và không được ai thông báo cho biết.
Việc chuyển tiền vào tài khoản cho Bang không ai báo trước cho Bang. Số tiền này là tiền Khang mua cổ phần của Bang tại Cty Trường Sinh và trả nợ cho Bang. Sau khi nhận tiền chuyển nhượng, Bang giao giấy tờ gồm sổ đỏ, con dấu cho Khang, Toàn để hoàn tất thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh.
Trong hồ sơ không có tài liệu nào thể hiện Khang, Bang cùng bàn bạc, thống nhất ý chí để cùng thực hiện hành vi phạm tội.
Cũng theo HĐXX phúc thẩm, bản án sơ thẩm hầu như không xem xét đánh giá chứng cứ thu thập tại Công an quận Đống Đa. Điều này vi phạm nguyên tắc phải đánh giá đầy đủ toàn diện các chứng cứ liên quan đến vụ án. Những sai sót trên của cấp sơ thẩm không thể khắc phục ở cấp phúc thẩm.
Từ những phân tích trên, HĐXX phúc thẩm quyết định hủy toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND TP Hà Nội để điều tra lại theo đúng quy định của pháp luật.
Tiến Nguyên