1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ án trộm 116 quả trứng vích tại Côn Đảo

(Dân trí) - Ngày 18/9/2017, Tòa án nhân dân huyện Côn Đảo đưa ra xét xử vụ án bị cáo Phạm Văn Tân (trú Khu 7, huyện Côn Đảo) bị truy tố phạm tội Vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, theo điểm d Khoản 2 Điều 190 BLHS.

Sau khi nghị án, Hội đồng xét xử đã quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung vì truy tố sai tội danh và có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.

Hành vi phạm tội một đường, truy tố một nẻo

Tại phiên tòa, bị cáo Tân luôn khẳng định, vào lúc khoảng 10 giờ 30 phút ngày 17/6/2016, Tân nhận được điện thoại và đã chạy xe máy xuống nhà của một cán bộ Kiểm lâm ở Khu 3 để xem hình ảnh địa điểm nơi giấu bọc trứng vích dưới gốc cây ở bãi Xi Măng bên hòn Bảy Cạnh, vị cán bộ Kiểm lâm này bảo Tân qua đó lấy và sẽ trả cho Tân một khoản tiền. Tân đã thuê đò qua bãi Xi Măng và đi đến địa điểm dấu bọc trứng vích, Tân bới cát lấy bịch ni lông màu đen bên trong có đựng 116 quả trứng vích rồi quay lại đò trở về và khi lên xe máy ở mũi Chân Chim nằm trên đường đi sân bay Cỏ Ống thì Tân bị lực lượng Kiểm lâm VQG Côn Đảo bắt giữ.

Theo kết luận giám định, 116 quả trứng vích này là sản phẩm của con vích, nằm trong phụ lục I – Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo nghị định 160 của Chính phủ.

Với hành vi này, Tân đã bị truy tố phạm tội “săn bắt trong khu vực cấm” theo điểm d khoản 2 Điều 190 BLHS. Trong phần luận tội, đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị xử phạt bị cáo từ 3-4 năm tù. Bị cáo nhất mực phản đối và khẳng định mình chỉ vận chuyển trứng vích cho vị cán bộ kiểm lâm, chứ không săn bắt.


116 quả trứng Vich được dấu trong xe gắn máy. (Ảnh do Vườn Quốc gia Côn Đào cung cấp)

116 quả trứng Vich được dấu trong xe gắn máy. (Ảnh do Vườn Quốc gia Côn Đào cung cấp)

Đây là vụ án đầu tiên ở Việt Nam liên quan đến việc bảo vệ loài rùa biển (vích) được đưa ra xét xử, nên được dư luận và các tổ chức bảo vệ môi trường, lực lượng kiểm lâm rất quan tâm và đã đến dự chật kín cả hội trường xét xử. Tuy nhiên, qua theo dõi diễn biến phiên tòa, mọi người đều băn khoăn cho rằng bị cáo được người khác thuê sang hòn Bảy Cạnh lấy bọc trứng vích đưa về và nhận một khoản tiền công thì cớ sao lại truy tố bị cáo phạm tội “săn bắt trong khu vực cấm”;

Trao đổi với Dân Trí Online sau khi kết thúc phiên tòa, Thẩm phán Nguyễn Đăng Khoa – Chánh án, chủ tọa phiên tòa giải thích, theo điều 190 BLHS: Đối tượng bị xâm hại nếu là cá thể “động vật” thì có sáu hành vi sau đây sẽ bị xử lý hình sự, gồm “săn bắt, giết, vận chuyển, nuôi, nhốt, buôn bán trái phép”; nếu đối tượng bị xâm hại là bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật đó, thì chỉ có hai hành vi bị xử lý hình sự, đó là “vận chuyển, buôn bán trái phép”.

Thẩm phán Nguyễn Đăng Khoa nói thêm: “Bị cáo có hành vi phạm tội như thế nào, phải điều tra, truy tố, xét xử đúng với tội danh đó thì mới tâm phục, khẩu phục. Động vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, nhưng quyền con người vẫn phải được bảo vệ trước tiên”.


Bị cáo Phạm Văn Tân tại toà

Bị cáo Phạm Văn Tân tại toà

Bỏ lọt người chủ mưu trong vụ án

Tại phiên tòa, vị Cán bộ Kiểm lâm – người đã thuê Tân đi lấy trứng vích, khai rằng, vào đêm ngày 16/6/2016, anh ta là người đã được phân công trực cứu hộ vích đẻ tại bãi Xi Măng và đã cứu hộ 01 tổ trứng vích lên đẻ lúc gần sáng. Đến sáng sớm ngày 17/6/2016, sau khi về Trạm, anh ta được ca nô cơ quan đón về nhà ở Khu 3 lúc khoảng 10 giờ sáng. Anh ta cũng rất tinh vi, đã sử dụng một sim rác của Viettel để liên lạc với Tân nhằm không để lại dấu vết. Để kiểm chứng lời khai của bị cáo với vị kiểm lâm này, trước khi vào phần xét hỏi, Chủ tọa đã cách ly anh ta;

Trả lời Hội đồng xét xử, Tân khai đã thực hiện nhiều lần mua bán trứng vích với vị Cán bộ Kiểm lâm này bằng tin nhắn điện thoại và thanh toán qua tài khoản của vợ anh ta. Lần gần nhất là trước hôm xảy ra vụ án vài ba ngày, anh ta có bán cho Tân một số lượng lớn trứng vích với tổng số tiền Tân phải thanh toán là 10.800.000đ. Tân còn khai thêm, trước đó mấy hôm, anh ta có nhờ Tân đến nhà của anh ta lấy bọc trứng vích để trong nhà tắm đưa qua bãi Đầm Trầu bán cho khách; bán xong Tân đưa tiền cho một người phụ nữ mà Tân không biết tên 4.000.000đ, số còn lại khoảng vài trăm nghìn Tân giữ lại cho mình;

Được Chủ tọa hỏi, Tân khai rằng đã đến nhà của vị cán bộ Kiểm lâm này một hai lần. Căn nhà nằm ở Khu 3, đặc điểm Tân nhớ nhất là nhà tắm của vị Kiểm lâm này nằm cách nhà ở một khoảng phía sau bên trái, trên cánh cửa phía trong nhà tắm có một cái khoen sắt cao ngang mặt, là nơi đã treo bịch trứng vích trong lần anh ta nhờ Tân đến nhà lấy đưa qua bãi Đầm Trầu đi bán.

Những tình tiết này chưa được làm rõ; đồng thời, quá trình điều tra cũng chưa đề cập tới vào rạng sáng ngày 17/6/2016, vị Cán bộ kiểm lâm này trực cứu hộ 01 tổ trứng vích có bao nhiêu quả, đựng trong vật gì, đưa đi đâu, có báo cáo cho ai biết hay không,.... cũng chưa được đấu tranh làm rõ, như vậy là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm rất rõ.

Khi được PV Dân trí Online hỏi, Thẩm phán Nguyễn Đăng Khoa hóm hỉnh trả lời: “Vích thì không thể đẻ vào cái bọc nilông, buộc lại rồi giấu dưới gốc cây. Rõ ràng là phải có một ai đó đã thực hiện những hành vi này và báo cho Tân qua lấy”.

Chưa hết, VQG Côn Đảo là đơn vị quản lý hòn Bảy Cạnh, nhưng quá trình điều tra chưa đưa họ vào tham gia tố tụng là chưa bảo đảm các quyền và nghĩa vụ của họ. Tại phiên tòa, Giám đốc VQG Côn Đảo cũng đã đề nghị cần mở rộng điều tra làm rõ dấu hiệu kiểm lâm cấu kết với người ngoài để mang trứng vích đi bán, thu lợi bất chính. Nếu ai vi phạm thì xử lý theo đúng pháp luật, còn nếu không có thì cũng trả lại sự trong sạch cho lực lượng kiểm lâm. Vì thế, Hội đồng xét xử đã trả hồ sơ điều tra bổ sung./.

Thu Trang