Tông ngã 2 tên trộm chó, tài xế ô tô có bị xử lý hình sự?
(Dân trí) - Theo luật sư, khi người dân phát hiện ra hành vi vi phạm pháp luật của một người khác thì cần báo ngay cho lực lượng chức năng, không nên tự hành động.
Liên quan tới vụ hai thanh niên đi xe máy trộm chó bị tài xế ô tô tông ngã ở TPHCM, ngày 19/10, công an đã bắt giữ hai nghi phạm trộm chó.
Theo dõi đoạn clip, nhiều người bày tỏ ý kiến trái chiều trước hành động của tài xế ô tô.
Hành động nguy hiểm
Theo hình ảnh được camera ghi lại, nam thanh niên chạy xe máy chở theo một thanh niên khác ngồi phía sau ôm một chú chó. Khi cả hai chạy đến trước cửa nhà người dân ở phường Tân Thới Nhất (quận 12) liền dừng xe. Nam thanh niên ngồi sau mang chú chó bỏ vào bao lớn phía trước xe.
Thời điểm này, phát hiện hai thanh niên nghi vấn trộm chó, một tài xế ô tô từ phía sau lao lên tông vào đuôi xe máy khiến cả hai ngã nhào ra đường.
Nhiều người đồng ý, biểu dương tinh thần dũng cảm của tài xế ô tô khi gặp hai tên trộm giữa đường. Tuy nhiên, số khác cũng cho rằng hành động của tài xế này nguy hiểm nếu như chẳng may gây thương vong.
"Đáng lắm, thời này làm gì còn trộm chó nữa, chúng chuyển sang cướp chó rồi, ai mà phản kháng nó tấn công luôn ấy"; "Trộm cướp giờ ghê thật chẳng coi luật pháp ra gì cả, giữa ban ngày, ban mặt vẫn táo tợn ngang nhiên hành động như chốn không người"; "Bác tài rất vững, cảm ơn tài xế ô tô rất nhiều",… Đó là một trong những quan điểm của bạn đọc của Dân trí bình luận.
Ngược lại, một số độc giả bày tỏ quan ngại trước hành động của tài xế, bởi hành động đó có thể vi phạm pháp luật.
"Tài xế ô tô vi phạm luật giao thông gây hậu quả nghiêm trọng. Trước mắt là xe của mình, sau đó là phương tiện, sức khỏe của hai tên trộm. Tấn công tội phạm khi chưa được phép, bị hại có thể chứng minh thiệt hại và gửi đơn kiện lên cơ quan chức năng để đòi lại quyền lợi chính đáng", một độc giả bình luận.
Một số ý kiến cho rằng, để không xảy ra vụ việc như trên cần có biện pháp xử lý nghiêm hơn nữa trong việc nuôi thú cưng, nghiêm cấm hành vi thả rông chó, chó không rọ mõm, tránh tạo cơ hội cho trộm chó hoành hành.
Có thể bị xử lý nếu gây hậu quả
Trao đổi với phóng viên Dân trí, luật sư Lưu Tấn Anh Toàn (Giám đốc công ty luật Lưu Vũ) cho biết trộm chó là hành vi vi phạm pháp luật. Trong trường hợp này, có thể người lái ô tô đã trực tiếp chứng kiến hành vi vi phạm đang xảy ra hoặc đang đuổi bắt người trộm chó. Bất kỳ ai cũng được quyền bắt giữ người phạm tội quả tang để giao cho cơ quan chức năng xử lý.
Luật sư Toàn cho rằng trong trường hợp trên tài xế không thể sử dụng ô tô để tông mạnh từ phía sau như vậy. Bởi dù hành động có thể ngăn chặn được sự tẩu thoát của người vi phạm, nhưng có thể tạo ra một thiệt hại vượt mức giới hạn cho phép.
"Hành động này của tài xế có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của những người trộm chó. Thông qua những hình ảnh do camera ghi lại có thể thấy hậu quả để lại cho sức khỏe và tính mạng chưa xảy ra. Chứ nếu hậu quả xảy ra, có thể người lái xe phải đối mặt với tội phạm được quy định tại Điều 136 Bộ luật Hình sự do có hành vi Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội", luật sư Toàn phân tích.
Theo quy định tại Điều 136 Bộ luật Hình sự năm 2015 hình phạt cao nhất lên tới 3 năm tù.
Bên cạnh đó, ông Toàn nói nếu tài xế bị xử lý hình sự thì sẽ được xem xét các tình tiết giảm nhẹ như động cơ, mục đích phạm tội…
Theo luật sư Toàn, khi người dân phát hiện ra hành vi vi phạm pháp luật của một người khác thì cần báo ngay cho lực lượng chức năng. Bởi vì nhà chức trách có đủ các biện pháp nghiệp vụ bắt không ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng người khác và đúng theo quy định pháp luật.
"Còn trong trường hợp khẩn cấp chưa liên hệ được với lực lượng chức năng thì người dân trấn áp, bắt người phạm tội quả tang cần tuân thủ các quy định pháp luật, không xâm phạm sức khỏe, tính mạng của người có hành vi phạm, để làm được điều này, người dân cần phải 2 người trở lên, để tình trạng làm ơn, mắc oán", luật sư Toàn khuyến cáo.