Tín dụng đen câu "con mồi" trên mạng xã hội như thế nào?
(Dân trí) - Khi khách hàng cài đặt ứng dụng vay tiền trôi nổi trên mạng xã hội và để lại thông tin cá nhân, sẽ có đối tượng liên hệ, mời chào rồi hướng dẫn cài đặt các ứng dụng khác để vay tiền.
Tín dụng đen thường đi kèm với các hành vi vi phạm pháp luật khác như giết người, cố ý gây thương tích, xâm phạm chỗ ở trái phép… Loại tội phạm liên quan đến tín dụng đen là vấn đề nhức nhối trong xã hội thời gian qua. Liên quan đến nội dung này, phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với Trung tá Đỗ Minh Phương, Phó Trưởng Phòng Trọng án (Cục Cảnh sát Hình sự - Bộ Công an).
Bất lợi thuộc về người vay khi thực hiện các hợp đồng khống
Có người dân phản ánh là các đối tượng cho vay nặng lãi đã yêu cầu người vay thực hiện ký các hợp đồng như: đưa tiền cho người vay để mua hộ vật dụng nào đó, nhờ xin việc… Khi người vay không trả nợ được, các đối tượng đã khởi kiện ra tòa, lúc này người vay rất dễ rơi vào tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mặc dù bản chất sự việc là họ chỉ đi vay tiền, Cục Cảnh sát Hình sự có nắm được phương thức này và cách xử lý ra sao, thưa ông?
- Thực tế là có hiện tượng này và chúng tôi đã nắm được, nó cũng chỉ là một trong nhiều dạng thức của hoạt động tín dụng đen.
Đó là hợp đồng khống, khi phát sinh tranh chấp thì bất lợi thuộc người đi vay, nếu người vay không có tài liệu chứng cứ bổ trợ khác để chứng minh đó chỉ là việc vay mượn tiền chứ không phải thực hiện các nội dung trong hợp đồng. Việc này xảy ra nhiều năm rồi, và đây chỉ là một dạng của hoạt động tín dụng đen.
Thông thường khi người vay với số tiền nào đó của tín dụng đen, giai đoạn đầu lãi suất khoảng 2.000-3.000 đồng/một triệu/ngày, sau đó tăng dần lên. Đến thời điểm nào đó, người vay không có khả năng trả nợ vì "lãi mẹ đẻ lãi con", số tiền gốc và lãi tăng lên quá lớn, lúc này các đối tượng mới chốt với người vay bằng các hợp đồng khống như nói ở trên.
Về giải pháp, người vay phải tự bảo vệ mình, khi đi vay phải lưu giữ các tài liệu để khi xảy ra tranh chấp còn có cái để chứng minh đây là tôi đi vay, chứ không phải thực hiện các hợp đồng khống kia.
Ngoài ra, nếu người vay mà cam kết thực hiện các hợp đồng xin việc, hay mua giúp các vật dụng cho các đối tượng thật thì mới cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nếu chỉ là đi vay tiền và bị "ép" ký các hợp đồng khống thì không có gì phải lo ngại, cơ quan tố tụng sẽ có cách làm rõ. Nhưng thường khi người vay rơi vào hoàn cảnh này thì tâm lý rất dễ bị các đối tượng uy hiếp.
Nhóm người nào có nguy cơ cao là nạn nhân của tín dụng đen?
Theo ông, nhóm người nào dễ trở thành nạn nhân của tín dụng đen và họ phải làm gì để thoát khỏi "bẫy" của tín dụng đen?
- Nhóm người rất dễ có nguy cơ trả thành nạn nhân của tín dụng đen, đó là: lao động có công ăn việc không ổn định; người lao động ở các khu công nghiệp "thân cô thế cô", các đối tượng cho vay biết người này không có họ hàng, người thân không nhiều; những người có nhu cầu vốn đột xuất, cần ngay; người ốm đau, bệnh tật; nhóm người ăn tiêu quá mức thu nhập nên phải đi vay tín dụng đen; bộ phận thanh thiếu niên, nhận thức chưa đầy đủ, nhu cầu chi tiêu quá mức.
Vậy làm thế nào để họ không trở thành nạn nhân của tín dụng đen? Hiện nay các tổ chức tài chính chính thống về quy trình vay đã được rút ngắn hơn, đơn giản và thuận tiện nhiều cho người vay. Người dân vay tiêu dùng, nhu cầu đột xuất như con ốm, người nhà ốm,… ở các tổ chức tài chính chính thống sẽ không cần phải thế chấp, mà chỉ cần tín chấp.
Nhiều người dân ngại đến các tổ chức tín tài chính chính thống để vay tiền, vì cứ nghĩ thủ tục rườm rà, lâu được giải ngân, nhưng không phải, hiện nay việc này đã đơn giản hơn rất nhiều. Do đó, người dân có thể tìm đến đây để vay tiền, không nên tìm đến tín dụng đen.
Trong Chỉ thị 12, Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu ban hành theo thẩm quyền hoặc tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có các chính sách mở rộng, đa dạng các loại hình cho vay, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng; phát triển các công ty tài chính, tổ chức tài chính vi mô phủ khắp các vùng, miền với thủ tục nhanh gọn và thuận tiện, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống, tiêu dùng của nhân dân để góp phần ngăn chặn "tín dụng đen".
Như ông nói ở trên, tội phạm liên quan đến tín dụng đen ít nhất là hơn 2 năm trở lại đây đã có chiều hướng giảm, vậy theo dự báo của ông, thời gian tới, loại tội phạm này sẽ có diễn biến ra sao?
- Tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen tuy được kiềm chế nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 làm thiệt hại nặng nề đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Tình trạng tạm dừng kinh doanh, kinh doanh không có lãi; nợ lương, mất việc làm, giảm thu nhập, khiến nhu cầu vay tiền để phục vụ sinh hoạt, kinh doanh tăng cao.
Một bộ phận không nhỏ thanh niên còn có nhu cầu vay tiền để phục vụ tiêu xài cá nhân hoặc thậm chí sử dụng cho các mục đích vi phạm pháp luật như sử dụng ma túy, cờ bạc... Các đối tượng hoạt động tín dụng đen chuyển hướng lợi dụng công nghệ, mạng xã hội…để mời chào, dụ dỗ người kinh doanh nhỏ lẻ, người lao động thu nhập thấp, công nhân, thanh thiếu niên… vay tiền.
Để đối phó với các cơ quan chức năng, các đối tượng hoạt động tín dụng đen chuyển hướng lập các doanh nghiệp núp bóng, cho vay trực tuyến, vay qua ứng dụng hoặc lập các tài khoản, hội nhóm trên mạng xã hội (Zalo, Facebook)… để len lỏi, tiếp cận, mời chào số lượng lớn người có nhu cầu vay tiền với thủ đoạn quảng cáo không cần thế chấp tài sản, chỉ cần giấy tờ tùy thân, giải ngân ngay qua tài khoản ngân hàng… nhưng thu thêm nhiều khoản phí, tiền phạt trái pháp luật (thực chất là để lách số tiền lãi vượt ngưỡng theo quy định của pháp luật);
Các đối tượng hoạt động tín dụng đen đã lập các hợp đồng mua bán, giao nhận tiền, tài sản khống; ép người đi vay thực hiện khống các hành vi vi phạm pháp luật như nói ở trên nhằm gây bất lợi về pháp lý cho người vay; một số hợp đồng vay tiền tuy số tiền vay nhỏ, thời gian vay ngắn nhưng lãi suất gấp nhiều lần định mức pháp luật cho phép.
Một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ cầm đồ thành lập nhiều cơ sở, cửa hàng tại nhiều địa phương khác nhau, vừa hoạt động cho vay cầm cố tài sản tại cửa hàng, vừa hoạt động trên không gian mạng nhưng thu thêm nhiều khoản phí, quy định tiền phạt lớn nhằm lách quy định pháp luật về lãi suất, có dấu hiệu cho vay lãi nặng. Các đối tượng hình sự hoạt động cho vay lãi nặng dưới hình thức hụi, họ nhắm đến một bộ phận tiểu thương, người kinh doanh nhỏ lẻ, thanh thiếu niên, các đối tượng cần tiền "vay nóng" phục vụ cho các nhu cầu bất chính, tiêu xài cá nhân...
Dùng app để câu "con mồi" trên mạng xã hội
Thực tế, nhiều người đã trở thành nạn nhân của các app (ứng dụng) vay tiền trên mạng xã hội, ông có thể nói rõ hơn về việc này?
- Bên cạnh các ứng dụng (app) cho vay tiền của các tổ chức tín dụng, công ty tài chính…, còn xuất hiện nhiều ứng dụng không rõ nguồn gốc về đơn vị chủ quản, có biểu hiện hoạt động tín dụng đen.
Cụ thể, các ứng dụng này thường xuyên thay đổi tên hoặc để ẩn thông tin nhằm tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng. Khi khách hàng cài đặt ứng dụng vay và để lại thông tin cá nhân, sẽ có đối tượng liên hệ, mời chào vay tiền và cài đặt các ứng dụng khác để vay. Các ứng dụng này có khả năng truy cập thu thập danh bạ, lịch sử tin nhắn, cuộc gọi, thông tin tài khoản mạng xã hội… của người vay để sử dụng khi đòi nợ hoặc cho những mục đích trái pháp luật khác.
Thực tế khách hàng của các ứng dụng này chủ yếu là học sinh, sinh viên, công nhân viên, người thu nhập thấp cần vay một khoản tiền khoảng vài triệu đồng trong thời gian ngắn mà không muốn thực hiện các thủ tục vay tại ngân hàng, tổ chức tín dụng. Khách hàng có thể không để ý hoặc bỏ qua các thông tin quy định ràng buộc về lãi suất, phí, tiền phạt dẫn đến mức lãi suất phải trả cao hơn nhiều lần lãi suất của ngân hàng, dẫn đến việc vay của ứng dụng sau trả lãi cho ứng dụng trước.
Xin cảm ơn ông!
Sau hơn 2 năm quyết liệt thực hiện thực hiện Chỉ thị 12 về Tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động này đã có những chuyển biến tích cực. Các đối tượng cho vay và đòi nợ không còn hoạt động công khai, lộng hành như trước; nhận thức và ý thức cảnh giác của người dân từng bước được nâng cao; tình trạng treo biển, dán tờ rơi, quảng cáo giảm mạnh.
Theo thống kê, hiện toàn quốc có 26.942 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ. Công an các địa phương đã rà soát, phát hiện 6.664 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, 540 cơ sở kinh doanh tài chính, 3.667 cá nhân có biểu hiện hoạt động cho vay lãi suất cao.
Tội phạm tín dụng đen thường đi "dính" các tội danh: Giết người; Cố ý gây thương tích; Làm nhục người khác; Bắt, giữ, giam người trái pháp luật; Xâm phạm chỗ ở người khác; Cướp tài sản; Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; Cưỡng đoạt tài sản; Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Hủy hoại, cố ý làm hư hỏng tài sản; Gây rối trật tự công cộng.