Thủ tướng yêu cầu bắt bằng được bị can Dương Chí Dũng

Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng vẫn hoạt động bình thường cho đến khi Luật Phòng chống tham nhũng được sửa đổi và Ban Chỉ đạo mới được thành lập.

Ngày 22-8, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN) họp phiên thứ 18, đánh giá công tác PCTN trong hơn nửa năm qua. Đến dự họp có đủ các thành viên chủ chốt, từ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - Trưởng ban Chỉ đạo, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Phó Trưởng ban, cùng người đứng đầu Bộ Công an, TAND Tối cao, VKSND Tối cao...

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng khẳng định Ban Chỉ đạo hiện hành vẫn hoạt động bình thường cho đến khi Luật PCTN được sửa đổi và Ban Chỉ đạo mới được thành lập. Đây cũng là tinh thần của Bộ Chính trị trong thông báo gửi tới các tỉnh, thành ủy, để các ban chỉ đạo PCTN và văn phòng giúp việc ở các tỉnh, thành yên tâm công tác.

Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo Trung ương đã thông qua phương án triển khai Kế hoạch 08 của Bộ Chính trị về thực hiện Nghị quyết Trung ương 4. Theo đó, từ nay đến cuối năm, Ban Chỉ đạo sẽ chọn một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp và một số địa phương có nhiều án tham nhũng, dư luận quan tâm để tập trung kiểm tra, giám sát.

Về bảy vụ án mà Ban Chỉ đạo đang theo dõi, Thủ tướng kết luận cần sớm giải quyết dứt điểm. Trong đó đáng chú ý có hàng loạt sai phạm tại Công ty Cho thuê tài chính II (ALC II - Ngân hàng NN&PTNT). Sai phạm lớn, rõ nhất liên quan đến việc mua bán tàu lặn Tinro 2, giá nhập khẩu đồ cũ chỉ 100 triệu đồng, thêm 400 triệu đồng sửa chữa nhưng ALC II mua lại với giá lên tới 130 tỉ đồng.

Tương tự, với vụ án Vinalines, Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy nã, bắt bằng được bị can Dương Chí Dũng. Đề cập đối tượng đặc biệt này, Thủ tướng nói bản thân bị can từng nắm giữ nhiều chức vụ, được bầu làm đại biểu dự Đại hội Đảng XI. Tất cả chức danh, vị trí công tác ấy đã được các cấp có thẩm quyền về cán bộ thẩm tra với thủ tục dày đặc, thế mà vẫn lọt sai phạm.

Trong số các vụ án trọng điểm này, có vụ đưa và nhận hối lộ liên quan tới Nguyễn Đình Thản, Tổng Giám đốc Vinaconex 10 - Đà Nẵng. Đầu năm 2007, ông Thản bị Công an TP Đà Nẵng bắt quả tang nhận hối lộ 200 triệu đồng, lập biên bản, quay phim thừa nhận phạm tội tại chỗ. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, ông Thản được tại ngoại và sau đó xảy ra việc mất vật chứng quan trọng là phong bì đựng tiền. Hậu quả, ông này thay đổi thái độ, từ khai nhận tội sang phản cung, nói đó là tiền vay mượn... Vụ này cho đến nay bị trả hồ sơ nhiều lần, vẫn bế tắc. Thủ tướng đề nghị chánh án TAND Tối cao sớm kiểm tra, đánh giá lại vụ án, có hướng xử lý dứt điểm.

Theo NGHĨA NHÂN
PL HCM