Thông báo hoãn phiên tòa qua điện thoại
(Dân trí) - Thay vì thông báo tạm hoãn phiên tòa ngay tại tòa theo đúng quy định của pháp luật thì chủ tọa phiên tòa lại thông báo qua điện thoại.
Sáng 27/3, Tòa án nhân dân quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) mở phiên xét xử sơ thẩm bị cáo Nguyễn Thị Tố Vững (sinh 1981, quê ở Quảng Nam, tạm trú tại phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) về tội “Vô ý gây tổn hại sức khỏe cho người khác”.
Theo cáo trạng, từ khoảng tháng 8/2015 đến ngày 17/8/2016, Nguyễn Thị Tố Vững không có chứng chỉ và không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép hoạt động nghề giữ trẻ theo quy định nhưng vẫn tự phát trông giữ trẻ tại nhà thuê thuộc tổ 202 (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu). Khoảng đầu tháng 3/2016, Vững nhận trông giữ cháu Lương Công Châu (sinh ngày 3/7/2015) là con của anh Lương Công Thi (sinh 1984) và chị Ngô Thị Yến (sinh 1985), trú phường Hòa An (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) và một cháu bé khác tại nhà với số tiền 1,5 triệu đồng/tháng.
Trong thời gian này, cháu Công nặng khoảng trên 10kg, cao 55cm, có thể tự lật, bò, ngồi dậy và vịn vật cứng để đứng dậy trong thời gian ngắn, đôi lúc tự ngồi dậy trong nôi sau khi thức giấc.
Sáng ngày 18/7/2016, Vững nhận trông cháu Châu và cháu bé kia như thường ngày. Đến khoảng 11h30, sau khi cho hai cháu ăn xong như thường ngày, Vững cho mỗi cháu ngủ một nôi bằng mây. Thấy hai cháu đã nhắm mắt, Vững nghĩ hai cháu đã ngủ nên ra phía trước nhà để rửa bát.
Khoảng 15 phút sau, Vững nghe một tiếng bịch nên chạy vào nhà xem sao thì thấy cháu Châu đang nằm trên nền nhà ở tư thế nằm ngửa, bất tỉnh, mắt trợn ngược liền gọi điện báo tin cho chị Ngô Thị Yến và anh Lương Công Thi biết sự việc.
Sau đó, anh Thi cùng Vững đưa cháu Châu đi cấp cứu ở Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng. Đến 20h cùng ngày, anh Thi đến Công an phường Hòa Minh trình báo sự việc.
Qua điều tra, Nguyễn Thị Tố Vững đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Ngày 26/9/2016, anh Thi có đơn yêu cầu khởi tố hình sự.
Theo biên bản kết luận giám định pháp y về thương tích của Trung tâm pháp y (Sở Y tế Đà Nẵng) xác định, cháu Lương Công Châu bị chấn thương sọ não (phù não, tăng áp lực nội sọ, nứt vỡ xương sọ vùng đỉnh phải, tụ máu nội sọ đã điều trị phẫu thuật), hiện tại để lại di chứng não, tổn thương phần mềm. Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là 74%.
Tại phiên tòa, sau khi kết thúc phần xét hỏi, HĐXX thông báo phiên tòa tạm nghỉ và sẽ bắt đầu trở lại vào lúc 13h30 chiều cùng ngày.
Tuy nhiên, đến trưa, anh Lương Công Thi nhận được điện thoại của luật sư bào chữa cho gia đình anh thông báo là phiên tòa chiều nay tạm hoãn.
“Tòa gọi điện thông báo cho luật sư và luật sư thông báo cho tôi là phiên tòa tạm hoãn, chưa biết ngày nào xử lại”, anh Thi nói.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Hữu Vinh, chủ tọa phiên tòa – cho biết, sau quá trình xét hỏi, có một số vấn HĐXX thấy cần phải thảo luận nên đã tuyên bố tạm dừng và có thông báo thời gian. Sau khi thảo luận, HĐXX thấy cần phải có thời gian dài hơn nữa chứ 13h30 xử lại là không đủ. Và để tạo điều kiện cho các đương sự khỏi phải đi lại nên ông đã thông báo tạm hoãn.
“Việc đó cũng là tạo điều kiện cho các đương sự khỏi phải đi lên lại thôi chứ không mục đích gì khác. Theo quy định của pháp luật, phiên tòa tạm hoãn trong thời gian khoảng 5 ngày. Thời sau cụ thể sẽ có thông báo bằng văn bản sau”, ông Vinh nói.
Ông Nguyễn Văn Đạm, Chánh án Tòa án nhân dân quận Liên Chiểu – cho hay, không có phiên tòa nào mà thông báo hoãn qua điện thoại cả. Phiên tòa xét xử công khai, hoãn hay ngừng đều phải thông báo tại tòa.
“Theo ý của anh Vinh là tạm dừng phiên tòa để hội ý trong HĐXX và có khả năng buổi chiều sẽ xét xử lại. Nhưng qua hội ý thì thấy cần phải có thời gian dài hơn nữa mới có điều kiện thu thập thêm hoặc mời thêm người tham gia tố tụng. Nếu như thế thì không có thời gian để triệu tập được. Nên không thể mở lại phiên tòa là lúc 1h30”, ông Đạm trình bày lại ý của ông Vinh.
Theo ông Đạm, trong trường hợp như thế này, đúng ra chủ tọa nên tiếp tục phiên tòa chiều nay. Và nếu cần thời gian để điều tra lại thì tuyên bố hoãn. Như vậy hợp lý hơn.
“Theo quy định của pháp luật, thông báo hoãn phiên tòa qua điện thoại là không được. Cái đó chủ tọa và HĐXX nên rút kinh nghiệm, sự việc cũng không ảnh hưởng nghiêm trọng gì đến các bên vì phiên tòa chưa kết thúc”, ông Đạm nói.
Anh Vũ