1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

"Thổi giá" 940 tỉ đồng cho khu đất không giấy chứng nhận ở Đà Nẵng?

(Dân trí) - Lô đất diện tích 5.000 m2 tại Đà Nẵng chưa giải tỏa xong, chưa được cấp giấy chứng nhận và cũng không có bất cứ hoạt động đầu tư nào nhưng được công ty DATC định giá đến 940 tỉ đồng. Dựa vào chứng thư thẩm định giá này, Phạm Công Danh vay của ngân hàng Đại Tín hàng trăm tỉ đồng để tiêu xài.

Mở công ty “ma” để vay tiền mua tài sản của… chính mình

Ngày 2/5, TAND TPHCM mở phiên tòa xét xử ông Hoàng Văn Toàn (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Tín - TrustBank), Trần Sơn Nam (nguyên Tổng Giám đốc) và 6 đồng phạm về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Hoàng Văn Toàn cho rằng mình tin tưởng vào chứng thư thẩm định giá DATC
Hoàng Văn Toàn cho rằng mình tin tưởng vào chứng thư thẩm định giá DATC

Theo hồ sơ vụ án, do cần tiền sử dụng, Phạm Công Danh lập ra 2 công ty Thịnh Quốc và Đại Hoàng Phương với mục đích làm hồ sơ vay tiền tại ngân hàng Đại Tín mà không hoạt động kinh doanh.

Mục đích vay vốn là để mua lại lô đất hơn 5.000 m2 tại khu vực Sân vận động Chi Lăng (Đà Nẵng, thuộc sở hữu của 1 công ty khác cũng của chính ông Danh). Tài sản bảo đảm cho khoản vay cũng chính là lô đất này. Nhưng thực tế, sau khi tiền được ngân hàng Đại Tín giải ngân thì được chuyển về tài khoản của Tập đoàn Thiên Thanh (cũng của ông Danh) cho ông Danh sử dụng.

Cơ quan điều tra xác định, khi phê duyệt cấp tín dụng cho 2 công ty của ông Danh vay vốn, các thành viên hội đồng tín dụng ngân hàng Đại Tín đã không thực hiện đúng quy định như: hồ sơ vay vốn không có báo cáo tài chính, không đánh giá chính xác năng lực tài chính của khách hàng, rủi ro… Trên thực tế, các doanh nghiệp này không hoạt động kinh doanh, hồ sơ vay vốn đều lập khống.

Thực tế lô đất tại Sân vận động Chi Lăng chưa giải tỏa xong, chưa được cấp giấy chứng nhận và cũng không có bất cứ hoạt động đầu tư nào. Tuy nhiên, khi cấp tín dụng, ông Toàn và cấp dưới đã căn cứ vào chứng thư thẩm định tài sản hình thành trong tương lai với giá trị được đẩy lên nhiều lần. Lô đất này được định giá 940 tỉ đồng theo chứng thư thẩm định giá của công ty DATC.

Vì quá tin công ty thẩm định giá?

Mở đầu phần xét hỏi, bị cáo Hoàng Văn Toàn cho rằng cáo buộc của Viện KSND Tối cao không đúng, bị cáo làm đúng theo quy định của ngân hàng Đại Tín. Bị cáo Toàn cho rằng: khi phê duyệt cấp tín dụng cho công ty Thịnh Quốc vay 370 tỉ đồng và công ty Đại Hoàng Phương vay 280 tỉ đồng thì ông căn cứ vào hồ sơ vay vốn, đề nghị của chi nhánh Sài Gòn, tài sản đảm bảo và chứng thư thẩm định giá của DATC và mọi việc được thực hiện theo đúng quy trình.

Khi được hỏi có tận mắt xem sổ đỏ sân vận động động Chi Lăng thì ông Toàn cho rằng mình không thấy, tuy nhiên ông tin tưởng cấp dưới cũng như quy trình xét duyệt tín dụng của ngân hàng Đại Tín và tin tưởng sổ đỏ này là hợp pháp nên không xem xét lại.

Còn về chứng thư thẩm định giá của DATC thì ông Toàn cho rằng mình không đủ năng lực để tái thẩm định chứng thư này là đúng hay không. Mặt khác công ty thẩm định giá DATC là của Bộ Tài chính và cũng được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận thì ông mới quyết định giải ngân.

Ngoài ra, ông Toàn còn khai việc phê duyệt 2 khoản vay này có tổ chức HĐQT và hội đồng tín dụng. Tuy nhiên, qua đối chất với các cấp dưới thì tất cả cho rằng không có bất kỳ cuộc họp nào liên quan tới 2 khoản vay này.

Tiếp đó, HĐXX hỏi bị cáo Trần Sơn Nam (Tổng giám đốc ngân hàng Đại Tín). Bị cáo Nam cũng cho rằng mình làm đúng theo quy trình căn cứ vào chứng thư thẩm định giá của DATC, đối chiếu tình hình tài chính và khả năng thu hồi nợ phù hợp nên quyết định ký cấp tín dụng.

Theo bị cáo Nam thì mình tin tưởng vào chứng thư thẩm định giá DATC là đúng và tuân thủ theo thủ tục chung. Do quá tin tưởng nên bị cáo không cho người ra Đà Nẵng kiểm tra rõ lô đất tại Sân vận động Chi Lăng.

“Bị cáo làm mọi việc nhằm đưa ngân hàng đi lên, việc cấp tín dụng nằm trong hạn mức quy định của ngân hàng nhà nước quy định, bản thân bị cáo không nghĩ việc làm của bị cáo sẽ gây thiệt hại cho ngân hàng. Bị cáo biết rõ ngân hàng Đại Tín đang bị đặt vào diện đặc biệt khó khăn, mọi giao dịch trên 5 tỉ đồng thì phải có sự đồng ý của tổ giám sát. Vì vậy, khi xem xét hồ sơ bị cáo đã trình lên tổ giám sát và được tổ giám sát đồng ý. Lúc đó ông Hà Tấn Phước đang làm tổ trưởng tổ giám sát”, bị cáo Nam khai tại tòa.

Các bị cáo khác cũng cho rằng mình làm đúng quy trình.

Chiều nay phiên tòa tiếp tục xét hỏi.

Xuân Duy