1. Dòng sự kiện:
  2. Nam shipper bị đánh tử vong
  3. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  4. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến kể việc phá những vụ án mạng kinh hoàng 2016

Theo Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến - Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an), những vụ án mạng kinh hoàng trong năm 2016 vừa qua, đa số các đối tượng đều muốn thanh toán nạn nhân đến cùng để bịt đầu mối.

Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến - Cục trưởng Cục cảnh sát hình sự (Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an).
Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến - Cục trưởng Cục cảnh sát hình sự (Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an).

Thưa Thiếu tướng, là người tham gia chỉ đạo phá nhiều trọng vụ án gây xôn xao dư luận, ông có nhận xét gì đối với loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng trong năm vừa qua?

- Trong năm vừa qua nhìn lại những vụ trọng án như vụ Tẩn Táo Lở sát hại 4 mẹ con ở Lào Cai; vụ Doãn Trung Dũng sát hại 4 bà cháu ở Quảng Ninh (cả hai đều bị đưa ra xét xử và tuyên án tử hình); vụ Trần Trung Hùng biệt danh là Gióng ở Kon Tum đã dùng súng AK và K59, lựu đạn để cố thủ chống lại lực lượng truy bắt; vụ nổ súng bắn chết ông chủ cửa hành bánh Pía trên đường Nguyễn Thị Nhỏ, quận 11, TP. HCM; vụ sát hại hai mẹ con ở Bình Dương để cướp tài sản (cháu bé 7 tháng tuổi tử vong), thấy tội phạm càng ngày càng hoạt động manh động và liều lĩnh.

Qua các vụ trọng án hiện nay thì thấy đối tượng muốn thanh toán nạn nhân đến cùng để bịt đầu mối. Vấn đề nữa là các đối tượng gây án rất tinh vi, chúng sử dụng công nghệ cao hoặc có sự chuẩn bị trước để đối phó với cơ quan điều tra.

Thực tiễn cho thấy một số địa phương nơi từng xảy ra vụ trọng án đã không làm tốt công tác phòng ngừa, đặc biệt là công tác phòng ngừa xã hội. Chính vì thế khi có vụ án xảy ra chưa có những giải pháp để kịp thời đấu tranh. Thực tế vừa qua trong nhiều vụ án lực lượng chức năng gặp không ít khó khăn trong công tác điều tra.

Tuy nhiên có thể nói, đa số các vụ trọng án xảy ra trong năm qua đều được khám phá, các đối tượng gây án đã bị bắt để đưa ra xử lý. Hiện nay có một số vụ án được tiếp tục điều tra mở rộng. Điều đó thể hiện sự quyết tâm chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát và lãnh đạo công an các địa phương. Một điểm nữa các Cục cảnh sát nghiệp vụ của Bộ Công an hiện nay đã phối hợp rất chặt chẽ với lực lượng công an các địa phương để tiến hành đồng bộ các giải pháp điều tra đấu tranh với tội phạm nên đã góp phần khám phá nhanh những vụ trọng án gây bức xúc dư luận.

Năm vừa qua có vụ sát hại 4 bà cháu ở Quảng Ninh và vụ đối tượng người Việt Nam hành hạ trẻ em ở Campuchia rồi dùng điện thoại quay clip lại khiến dư luận rất bức xúc. Là người tham gia hỏi cung đầu tiên 2 đối tượng này, tâm trạng của ông lúc đó thế nào?

- Tôi thấy Doãn Trung Dũng trong vụ sát hại 4 bà cháu ở Quảng Ninh và Nguyễn Thành Dũng hành hạ trẻ em ở Campuchia, đều là đối tượng có biểu hiện tâm lý không bình thường vì đã sử dụng chất kích thích (sử dụng ma túy - PV) nên không làm chủ được hành vi. Không chỉ 2 vụ kể trên mà qua nhiều vụ án khác, đối tượng phạm tội có sử dụng chất kích thích, sau khi tỉnh táo, suy nghĩ lại đã cảm thấy hành vi của mình rất dã man, tàn bạo.

Cũng có trường hợp có đối tượng khi nhỡ tay sát hại nạn nhân họ muốn che giấu tội phạm nên họ đã thực hiện các hành vi dã man khác. Ví dụ như vụ đối tượng Bế Ích Thi dùng điện bẫy cá không may gây chết người ở Cao Bằng, để phi tang đối tượng đã phân xác nạn nhân.

Tâm trạng của tôi khi đến khám phá những vụ trọng án có sự lo lắng bất an. Trong đời sống xã hội chúng ta nếu vẫn xảy ra nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng thì chứng tỏ công tác phòng ngừa xã hội chưa tốt. Chính vì thế cần phải tiến hành đồng bộ các giải pháp trong công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm.

Theo thống kê của ngành Y tế trong dịp nghỉ Tết 2016 và 2017, cả nước có hàng nghìn vụ nhập viện do đánh nhau, theo ông cần phải có biện pháp thế nào để hạn chế tình trạng ngày?

- Để phòng ngừa loại tội phạm này thì cần giải pháp đồng bộ, trong đó cần phải tăng cường tuyên truyền, giáo dục. Qua những vụ án đã xảy ra ở địa bàn nào đó có nguyên nhân xuất phát từ việc sử dụng chất kích thích (rượu, bia) cần phải được chính quyền, các tổ chức đoàn thể, rồi dòng tộc tuyên truyền coi đó là bài học mọi người dân hiểu không vướng phải.

Nói đến giải pháp đồng bộ hiện nay chúng ta vẫn còn thiếu. Có lẽ để phòng ngừa, hạn chế tội phạm từ nguyên nhân uống rượu, bia ít nhất phải có quy định rõ ràng các quán hàng bán chất kích thích như rượu bia được hoạt động trong thời gian nào. Bên cạnh đó lực lượng cảnh sát giao thông phải xử lý nghiêm hơn nữa với những trường hợp điều khiển phương tiện khi đã có nồng độ cồn trong người vượt quá quy định...

Xin cảm ơn Thiếu tướng!

Theo Lương Kết

Dân Việt