Vụ kiện siêu mẫu Ngọc Thúy đòi 288 tỷ đồng:
Theo luật, Ngọc Thúy chưa kết hôn…
Vụ kiện ở Việt Nam được giải quyết như một tranh chấp dân sự bình thường.
Theo tìm hiểu của PV báo Pháp Luật TP.HCM, siêu mẫu Ngọc Thúy và chồng chưa từng làm ghi chú kết hôn tại phòng Hộ tịch (Sở Tư pháp TP.HCM). Thực tế này nảy sinh những vấn đề pháp lý khác, đó là quan hệ hôn nhân có được công nhận tại Việt Nam và việc tranh chấp 288 tỉ đồng giữa chồng cũ (xin tạm gọi như vậy) và Ngọc Thúy sẽ được tòa án Việt Nam giải quyết theo nguyên tắc nào?
Chưa ghi chú, chưa kết hôn
Ngày 6/10, Trưởng phòng Hộ tịch Sở Tư pháp TP.HCM Nguyễn Văn Vũ cho biết theo thông tin lưu trữ tại Sở thì từ năm 2006 (thời điểm Ngọc Thúy kết hôn tại Mỹ) đến nay, hai người chưa làm ghi chú kết hôn. Trong khi đó theo Nghị định 69 (năm 2006) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68 (năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và Gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài) thì Ngọc Thúy và chồng phải ghi chú kết hôn thì mới được chấp nhận là có hôn nhân hợp pháp tại Việt Nam.
Luật sư Nguyễn Ngọc Bích (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng về nguyên tắc chung, hai người chưa được luật pháp Việt Nam công nhận là có quan hệ hôn nhân, là vợ chồng hợp pháp của nhau. Bởi hai người đăng ký kết hôn tại Mỹ tức làm hôn thú tại nước ngoài, nếu muốn được pháp luật Việt Nam coi là vợ chồng thì họ phải quay lại làm thủ tục ghi chú kết hôn theo quy định. Việc ghi chú này có ý nghĩa như một thông báo cho cơ quan chức năng tại Việt Nam biết rằng một công dân đã lập gia đình với người nước ngoài.
Luật sư Trương Xuân Tám (Ủy viên BCH Liên đoàn Luật sư Việt Nam) nhấn mạnh trong vụ này có hai khái niệm cần phân biệt là bản án ly hôn và quan hệ hôn nhân. Về bản án ly hôn ở nước ngoài thì như đã phân tích, nó không được công nhận tại Việt Nam vì giữa hai nước chưa ký hiệp định tương trợ tư pháp. Về quan hệ hôn nhân, nếu hai người có làm ghi chú kết hôn tại Sở Tư pháp TP.HCM mới được coi là có quan hệ hôn nhân hợp pháp tại Việt Nam. Nếu không ghi chú thì không thể coi họ là vợ chồng. Như vậy, rõ ràng trong vụ tranh chấp tài sản trên không có yếu tố hôn nhân lồng vào và không bị yếu tố này chi phối.
Ngọc Thúy đang có lợi thế
Vậy TAND TP.HCM sẽ giải quyết vụ án tranh chấp khối tài sản giá trị khoảng 288 tỉ đồng giữa Ngọc Thúy và chồng theo nguyên tắc nào?
Theo luật sư Nguyễn Ngọc Bích, do hai người không phải là vợ chồng nên không thể áp dụng nguyên tắc phân chia tài sản theo luật hôn nhân và gia đình (chia đôi khối tài sản). Đây chỉ là quan hệ tranh chấp tài sản đơn thuần giữa hai cá nhân nên tòa sẽ áp dụng nguyên tắc ai có đủ chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình thì thắng kiện. Cụ thể, chồng cũ của Ngọc Thúy muốn thắng kiện thì phải có bằng chứng chứng minh mình bỏ tiền túi ra mua toàn bộ tài sản đó. Ngược lại, phía Ngọc Thúy muốn thắng kiện cũng phải chứng minh được những tài sản đang đứng tên là sở hữu hợp pháp của cô.
Như thông tin trước đó, theo đơn kiện, năm 2006 ông Nguyễn Đức An (Việt kiều Mỹ) kết hôn với Ngọc Thúy tại Mỹ. Trong thời kỳ hôn nhân, ông An nhờ vợ đứng tên giùm để mua nhiều tài sản tại Việt Nam. Tháng 3/2008, ông An yêu cầu ly hôn và Tòa Thượng thẩm Tòa án California, hạt Orange chấp nhận đồng thời tuyên toàn bộ tài sản với tổng giá trị ước tính khoảng 288 tỉ đồng là của ông An. Sau đó, ông An nhiều lần yêu cầu Ngọc Thúy giao trả số tài sản này nhưng cô không giao mà còn có dấu hiệu tẩu tán. Do đó ông khởi kiện, đề nghị TAND TP.HCM buộc Ngọc Thúy trả lại số tài sản trên.
Theo danh sách ông An cung cấp cho tòa, khối tài sản gồm chín căn hộ chung cư cao cấp nằm trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1, TP.HCM); 14 lô đất và biệt thự tại TP Phan Thiết; một biệt thự ở quận Bình Thạnh (TP.HCM); ba lô đất ở TP Vũng Tàu; bảy xe hơi các loại và tiền trong tài khoản tại ngân hàng… |
Theo Thanh Tùng
Pháp luật TP.HCM