Sóc Trăng:
Thêm một án oan "lộ diện"?
(Dân trí) - Những ngày đầu tháng 8/2014, người dân phường Vĩnh Phước, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, rất hồ hởi khi 3 công dân của phường được công an và Viện KSND tỉnh phê chuẩn quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam sau 2 năm bị bắt giam.
Thấy vậy, Minh kéo Mấu ra ngoài đường bê tông và kêu Mấu về nhà nhưng Mấu không chịu. Khoảng 15 phút sau, Mấu quay lại nhà Lé tiếp tục chửi rủa.
Nghe Mấu chửi, Lé tức giận lấy cây gỗ dùng gài cửa dài khoảng 68cm, dày 2,4cm, rộng 5,5cm, có 4 cạnh, cầm trên tay trái đánh vào vùng đầu của Mấu khiến Mấu té xuống sân. Mấu chống tay định ngồi dậy thì bị Lé đánh tiếp một cây nữa vào vùng đầu phía sau làm Mấu nằm bất động. Còn vợ Lé dùng cây ba trắc đánh vào chân Mấu.
Sau 7-8 phút nằm bất động, Mấu tự động đứng dậy đi ra hướng đê biển. Minh đi theo sau Mấu khoảng 10m nhưng sau đó không thấy Mấu đâu nên Minh quay về nhà bà nội ở khóm Biển Dưới ngủ.
Đến 2h45 phút, công an phường Vĩnh Phước nhận tin báo của quần chúng về việc phát hiện Mấu nằm chết trên đường hướng về chợ phường Vĩnh Phước vào khoảng 0h50 phút. Vị trí phát hiện tử thi cách nhà Lé khoảng hơn 1,4km.
Ngày 13/9/2012, Phạm Văn Lến (em ruột Lé) đến cơ quan công an đầu thú và khai nhận có chứng kiến việc Lé cầm cây đánh vào đầu Mấu.
Ngày 22/9/2012, CQĐT bắt Phạm Văn Lé. Qua quá trình điều tra, Lé thừa nhận hành vi dùng tay đánh vào mặt Mấu, dùng cây gài cửa đánh 2 cái ở vùng đầu bên trái và vùng đầu phía sau của Mấu. Riêng bà Thạch Thị Xem chỉ thừa nhận thấy Lé dùng tay đánh vào mặt Mấu một cái, còn mình dùng cây ba trắc đánh vào chân Mấu 2-3 cái, không thừa nhận chứng kiến việc Lé đánh Mấu bằng cây.
Từ đó, cơ quan CSĐT công an tỉnh Sóc Trăng đã chuyển hồ sơ đến VKSND tỉnh Sóc Trăng và VKSND tỉnh Sóc Trăng quyết định truy tố các bị can Phạm Văn Lé về tội “Giết người”, Phạm Văn Lến và Thạch Thị Xem tội “Không tố giác tội phạm”.
Thứ hai, cùng một vụ án hình sự nhưng có tới hai hành vi giết người. Theo biên bản thực nghiệm điều tra ngày 7/12/2012 gồm Điều tra viên Triệu Tuấn Hưng thuộc cơ quan CSĐT công an tỉnh Sóc Trăng, Huỳnh Như Huỳnh (cán bộ điều tra), Nguyễn Văn Phước (Kiểm sát viên thuộc VKSND tỉnh Sóc Trăng) tiến hành thì có 4 người tham gia đánh Mấu gồm Phạm Văn Lến, Phạm Văn Thanh (con trai Lé), Thạch Thị Xem và Phạm Văn Lé. Tại biên bản này, Lé cầm cây ở tay phải đánh vào đầu Mấu hai cái khiến Mấu tử vong sau đó.
Biên bản thực nghiệm điều tra lần thứ hai vào ngày 18/6/2013 do điều tra viên Triệu Tuấn Hưng và Kiểm sát viên Nguyễn Văn Phước tiến hành thì chỉ còn lại một mình Phạm Văn Lé cầm cây gỗ ở tay trái đánh vào đầu Mấu hai cái. Lần thứ nhất, Lé cầm cây ở tay trái vung lên khỏi đầu đánh Mấu; lần thứ hai, Lé cầm cây ở tay trái đánh mạnh vào vùng đầu phía bên trái của Mấu.
Theo luật sư Bạch Sĩ Chất (Đoàn luật sư Sóc Trăng, người bảo vệ quyền lợi cho bị can Lé) cho biết, về nguyên tắc, thực nghiệm hiện trường phải được thực hiện tại nơi xẩy ra vụ án, thế nhưng cơ quan CSĐT lại thực hiện… trong trại tạm giam của công an tỉnh Sóc Trăng, dùng người khác đóng thay bị cáo là không đúng.
Bị cáo Lé cho biết: “Khi thực nghiệm hiện trường, tôi không đánh người nên không biết thực nghiệm ra sao thì được cán bộ điều tra hướng dẫn… cho thực hiện các động tác một cách chi tiết. Biết là không đúng nhưng vẫn phải làm, thậm chí phải khai giết người vì bị cán bộ đánh, hăm dọa bỏ tù hết cả nhà. Hơn nữa, kêu oan cán bộ không nghe nên tôi nhận đại để được kết thúc điều tra sớm, khi ra tòa xét xử sẽ kêu oan thì may ra mới có người nghe thấu nỗi oan khiên của mình và điều đó đã thành sự thật”.
Thứ ba, về dấu vết tại hiện trường nơi phát hiện thi thể Mấu (trên đường cách nhà Lé 1.421m) có 3-4 vũng máu, máu chảy ra rất nhiều. Trong khi đó, tại sân nhà Lé, nơi được cho là Mấu bị đánh vỡ sọ phải nằm im khoảng 10 phút và suốt quãng đường dài 1.421m đó không có một vết máu nào. Luật sư Phạm Văn Hùng (Đoàn luật sư Sóc Trăng) nói: “Với một người bị đánh vỡ sọ không thể tự đi được trên quãng đường dài 1.421m được”.
CQĐT cho rằng Lé đánh chết Mấu ở nhà mình rồi dùng xe gắn máy chở xác đi phi tang, thế nhưng trên đường từ nhà Lé đến nơi phát hiện thi thể Mấu suốt quãng đường dài 1.421m lại không hề có vết máu nào mà chỉ có vũng máu tại nơi phát hiện thi thể của Mấu. Ngay cả vết mà công an cho là máu trên xe gắn máy chở xác Mấu đi phi tang cũng được cơ quan giám định kết luận không phải là vết máu của Mấu. Lời khai của Minh, người đi chung với Mấu là Mấu bị Lé đánh ngã xuống sân áo dính nhiều bùn nhưng bản ảnh hiện trường thì áo của Mấu hầu như không có bùn.
Thứ tư, ngày 9-10/9/2012, điều tra viên đã có biên bản hỏi cung đối với bị cáo Phạm Văn Lến thì ngày 13/9/2012 lại có thêm “Biên bản người phạm tội ra đầu thú” mà người đầu thú lại là Phạm Văn Lến. Tại tòa, bị cáo Lến khai không đi đầu thú. Theo luật sư Bạch Sĩ Chất, Lến là người từ nhỏ đã bị hạn chế về thần kinh, không biết một tháng có bao nhiêu ngày, một ngày có mấy giờ,…chưa bao giờ đi khỏi địa phương nên không thể biết Phòng CSĐT công an tỉnh Sóc Trăng ở đâu mà ra đầu thú.
Thứ năm, việc bắt giữ các bị cáo mà theo các Luật sư là trái pháp luật. Bị cáo Lé bị bắt giữ lấy lời khai lúc 10h15 phút ngày 9/9/2012. Ngày 10/9/2012, bị cáo Lé “tự tử”, được CQĐT đưa vào BVĐK Sóc Trăng điều trị 10 ngày (giấy ra viện ngày 19/9/2012) nhưng ngày 23/9/2012 mới có lệnh bắt khẩn cấp. Như vậy bị cáo Lé bị bắt giữ trước khi có lệnh 13 ngày. Ngoài ra, những người liên quan như bà Đào Thị Quới (mẹ ruột Lé), Phạm Văn Lến (em Lé), Thạch Thị Xem (vợ Lé), Phạm Văn Thanh (con Lé) người bị giữ ít nhất 2 ngày, có người bị giữ 4-7 ngày mà không có bất cứ một quyết định nào của cơ quan chức năng.
Lệnh bắt khẩn cấp đối với bị cáo Lé cũng trái quy định của pháp luật khi chưa có sự phê chuẩn của Viện KSND cùng cấp. Cụ thể, CQĐT thực hiện lệnh bắt khẩn cấp lúc 19h ngày 22/9/2012 nhưng Viện KSND Sóc Trăng phê chuẩn ngày 23/9/2012. Trong khi đó, từ ngày 9/9/2012, bị cáo Lé đang bị CQĐT công an Sóc Trăng giam giữ, quản thúc tại Sóc Trăng sau khi điều trị ở BVĐK Sóc Trăng về. Theo qui định của pháp luật, “khi người bị hại hoặc người có mặt tại nơi xẩy ra tội phạm chính mắt trông thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó bỏ trốn”. Trong khi đó, bị hại Mấu đã chết thì không thể thấy bị cáo giết người; nhân chứng lúc đó cũng không có ai trực tiếp chứng kiến.
Về thông tin CQĐT cho rằng sau khi bị bắt, bị can Lé quá bức xúc nên treo cổ tự tử thì Phạm Văn Lé khẳng định “Tôi không tự tử như cán bộ nói mà tôi bị họ chích (điện) cho đến ngất”. Hồ sơ chi tiết này cũng thể hiện sự mâu thuẫn khi CQĐT cho rằng bị can Lé dùng sợi dây bằng nhôm vốn là móc phơi quần áo để thắt cổ tự tử nhưng theo luật sư là hoàn toàn mâu thuẫn và không thể thực hiện trong thực tế bởi móc áo làm sao dùng để treo cổ được. Hơn nữa, hồ sơ về vụ tự tử này không được đưa vào hồ sơ vụ án mà cất trong…cặp của kiểm sát viên. Khi đưa Lé vào bệnh viện, cán bộ điều tra Lê Hữu Trường là người đứng ra cam kết chứ không phải người nhà bị can và cơ quan công an cũng không báo cho người nhà bị can biết. Toàn bộ chi phí điều trị cho Lé trong thời gian nằm viện 10 ngày do CQĐT thanh toán với tổng số tiền là 25.474.000 đồng.
Ngoài ra còn nhiều sai phạm khác như biên bản lấy lời khai các bị can được các điều tra viên thực hiện ngoài giờ làm việc, tức là vào ban đêm, thậm chí vào nửa đêm; lời khai của người đi chung với Lâm Tài Mấu là Trần Đức Minh không thống nhất qua 7 biên bản và 1 tờ tường trình,…
Sau 2 phiên tòa xét xử sơ thẩm vào ngày 21/2/2014 và ngày 1/7/2014, TAND tỉnh Sóc Trăng tạm hoãn, trả hồ sơ cho CQĐT cho đến ngày các bị cáo được cơ quan CSĐT công an tỉnh Sóc Trăng và Viện KSND tỉnh này phê chuẩn các quyết định “Tạm đình chỉ điều tra vụ án”, “Quyết định thay thế biện pháp ngăn chặn”, “Quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự”, “Quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam” sau 2 năm bị tam giam.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà lá luôn ngập tràn gió biển của mình, ông Phạm Văn Lé cho biết: “Trước hết, tôi và người thân trong gia đình cảm ơn Hội đồng xét xử đã lắng nghe lời kêu oan của chúng tôi, giúp chúng tôi có ngày (tạm) được về lại ngôi nhà nhỏ của mình, gặp lại con cái, người thân, xóm giềng. Sau đó, xin cảm ơn các Luật sư, báo chí đã giúp chúng tôi thoát cảnh tù tội. Ơn này chúng tôi mang theo suốt đời. Bây giờ, chỉ mong muốn cơ quan chức năng sớm vào cuộc, làm sáng tỏ sự oan sai của chúng tôi, trả lại mọi quyền, lợi ích hợp pháp cho chúng tôi, xử lý các cán bộ làm sai dẫn đến oan sai cho gia đình chúng tôi”.
Ông Phạm Văn Lé là quân nhân từng phục vụ trong quân đội, xuất ngũ về địa phương tham gia nhiều hoạt động xã hội, giữ chức vụ Khóm đội trưởng, tham gia giữ gìn trật tự an ninh ở địa phương, được UBND huyện (nay là Thị xã) Vĩnh Châu khen thưởng.
Bà Đào Thị Quới (75 tuổi, mẹ ruột Lé và Lến) nói trong nước mắt: “Tôi không liên quan gì, không biết gì hết. Thế nhưng khi xẩy ra vụ việc, tôi cũng bị công an mời lên cho “ở” tại cơ quan điều tra hết 3 ngày 2 đêm. Thật vô lý quá”.
Bị cáo Phạm Văn Lến kể: “Tôi không đầu thú như cơ quan điều tra kết luận mà khi xẩy ra vụ việc, tôi theo mẹ lên công an phường Vĩnh Phước rồi bị hốt luôn”. Điều này cũng thể hiện trong hồ sơ bởi ngày 9/9/2012 và 10/9/2012, Lến đã bị CQĐT triệu tập đến Phòng CSĐT công an Sóc Trăng để lấy lời khai (có biên bản hỏi cung). Dư luận đặt vấn đề: Tại sao ngày 9/9/2012 và 10/9/2012 các điều tra viên đã hỏi cung Lến, sau đó 4 ngày lại có Biên bản người phạm tội ra đầu thú. “Tôi bị cán bộ điều tra đưa vào phòng, đánh vào cổ, nắm tóc đánh vào đầu, vào ngực, dùng giày đá vào ống chân nhiều cái”, Phạm Văn Lến cho biết thêm.
PV